Hủy
Phong Cách Sống

Bản làng làm homestay

Trần Chung Thứ Hai | 30/09/2024 13:00

Du khách trải nghiệm giã bánh dày cùng dân làng tại A Chu Homestay ở huyện Vân Hồ, Sơn La. Ảnh: TL.

 
 
Có ai ngờ rằng, vùng đất tệ nạn ma túy trước kia nay trở thành điểm du lịch cần phải đến trong cuốn sách của Tổ chức Du lịch Thế giới.

Chỉ khi trùm buôn ma túy Tráng A Tàng (Tàng “Keangnam”) bị bắt vào sáng ngày 26/7/2013, cuộc sống mới dần bình yên với người dân xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Nằm bên dãy núi Pha Luông có độ cao 2.000 m so với mực nước biển, địa hình hiểm trở, khu vực Lóng Luông chính là cung đường ngắn nhất để các đối tượng vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam. Địa điểm này được coi là “thủ phủ ma túy” trên tuyến biên giới Tây Bắc. 

Nhưng khi những tên trùm ma túy dần sa lưới pháp luật, sự đổi thay không ngờ đã đến với vùng đất này với mô hình du lịch cộng đồng. Trong cuốn sách “Những câu chuyện về du lịch Việt Nam” do Tổ chức Du lịch Thế giới phát hành, A Chu Homestay của Tráng A Chu (sinh năm 1982) được nhắc tới như một nơi cần phải đến, một điểm du lịch sinh thái tiêu biểu ở huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

Tráng A Chu cho biết, trước đây nhiều người trong đường dây buôn ma túy của Tráng A Tàng từng nhờ anh vận chuyển ma túy thuê với tiền công rất cao. Tuy nhiên, A Chu từ chối do anh thấy quá nhiều người trong bản làng dính tù tội vì ma túy. “Không làm thì không thể có ăn. Tôi không muốn vi phạm pháp luật nên đi học làm homestay”, A Chu kể với NCĐT về câu chuyện khởi nghiệp của mình.

Ban đầu, anh và vợ đi vay mượn được 30 triệu đồng. Anh dùng toàn bộ số tiền này để đặt cọc, mua lại một ngôi nhà cũ 120 m2 nằm ngay sát xã Lóng Luông. A Chu nhờ thanh niên trong bản giúp dựng homestay, với lời hứa khi có tiền sẽ trả công. 3 năm sau, gia đình anh trả hết nợ. 

A Chu Homestay khai trương vào tháng 8/2015, năm đó chỉ có khoảng 30-40 vị khách ghé chân, chủ yếu là nhân viên công ty du lịch tới khảo sát. Nhưng A Chu và vợ không nản. Anh chị tiếp tục thực hiện quy trình chuẩn hóa dịch vụ du lịch cộng đồng của mình, đưa yếu tố văn hóa bản địa vào các tour du lịch.

Trong tour của A Chu, 100% người phục vụ tại homestay phải mặc quần áo dân tộc Mông. Khách du lịch có thể đi bộ quanh bản làng, trải nghiệm cùng bà con làm nông nghiệp, học làm giấy giang của đồng bào Mông, giã bánh dày, vẽ sáp ong trên vải lanh truyền thống người Mông... Cứ có chương trình văn nghệ, dân làng lại tham gia hát, múa xòe, thổi khèn với khách. 

Ngoài tận dụng văn hóa bản địa, A Chu còn đa dạng các món ăn phục vụ. Đây là cách để homestay hút lượng lớn du khách, với tỉ lệ khách nội và khách ngoại gần như tương đương. “Đừng nghĩ khách du lịch đến bản làng là phải ăn đồ bản địa, có gì ăn nấy. Lúc nào cũng gà nướng, lợn bản thì không du khách nào ăn được. Do đó, chúng tôi làm đa dạng món ăn cho khách du lịch 2 miền Nam - Bắc, khách phương Đông lẫn phương Tây. Củ quả kho quẹt, thịt kho nước dừa, hoa quả xiên thịt nướng, salad… đều có trong thực đơn”, anh nói về cách làm du lịch của gia đình.

Cho tới nay, A Chu Homestay đã mở rộng tới 14 phòng riêng và 2 phòng cộng đồng. Trong năm 2023, A Chu đón 3.409 khách lưu trú, tổng doanh thu 2,44 tỉ đồng. Các gia đình trong bản liên kết với homestay có thu nhập trung bình khoảng 15 triệu đồng/hộ/tháng khi cung cấp dịch vụ trải nghiệm cho khách du lịch. 

A Chu vẫn không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ. Anh hướng tới cung cấp các sản phẩm thân thiện môi trường như dán giấy dó của người Mông quanh thùng rác hay xô nhựa bỏ đi, tạo thành đèn đọc sách, để du khách mua về. Theo anh, ngoài vốn và kỹ năng thì nhận thức của con người khi làm du lịch rất quan trọng. Du lịch cộng đồng có nhiều yếu tố cần liên tục cải thiện như dịch vụ, con người, sự thân thiện của chủ nhà với khách. Khách du lịch lên bản làng phải được trải nghiệm dịch vụ tương đương ít nhất 3 sao.

“Tổng cộng, tôi đã đầu tư 7 tỉ đồng vào mô hình homestay của mình. Làm được bao nhiêu tiền cũng đổ vào cải tạo, xây dựng quần thể lưu trú. 10 năm theo đuổi du lịch cộng đồng là một chặng đường dài. 5-7 năm trước, tôi nghĩ mình đã làm tốt rồi nhưng càng đi càng thấy mình nhỏ bé. Điều mình cho là tốt nhất của năm nay thì 2-3 năm nữa sẽ lỗi thời. Cuộc sống bắt buộc mình phải thay đổi. Giờ đây, mục tiêu của tôi không phải là kiếm nhiều tiền hơn, mà giúp cộng đồng người Mông cùng nhau làm du lịch bền vững, thoát nghèo”, A Chu nói.

Sự thành công của A Chu Homestay và nhiều mô hình du lịch homestay tại Việt Nam có sự đóng góp không nhỏ của ông Dương Minh Bình, Giám đốc Công ty Phát triển Du lịch Cộng đồng Việt Nam (CBT), người được mệnh danh là “phù thủy homestay”. Từ năm 2013, ông Bình và các cộng sự bắt đầu thực hiện du lịch homestay, khi chưa có ai tại Việt Nam biết tới khái niệm này. Bước đầu, khi hợp tác với cư dân bản địa mở homestay, ông Bình không kêu gọi người dân bảo tồn văn hóa. Thay vào đó, làm cho họ tăng thu nhập bằng cách liên kết tổ chức tour. Khi người dân có thu nhập tăng từ du lịch, ông nói với họ rằng, du khách tới đây để trải nghiệm thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa. Nếu những thứ đó mất đi, sẽ không còn khách. Do đó, bà con phải tự giác bảo tồn các giá trị truyền thống. 

Để làm tốt mô hình homestay nông thôn, theo ông Bình, cần tuân thủ một số yếu tố cốt lõi. Thứ nhất, homestay phải luôn đảm bảo không gian sạch sẽ trong quá trình khách lưu trú. Thứ 2, khuyến khích sử dụng nguyên vật liệu địa phương để làm du lịch. Các vật dụng trong nhà có tính đặc thù. Ví dụ, máng ăn bằng tre cho gà được ông cải tiến thành đồ đựng nĩa, dao, khiến du khách phương Tây thích thú. Thứ 3, việc cải tạo nhà đồng bào làm homestay cần thực hiện khéo léo, tinh tế. Đơn cử, thay vì để khoảng trống phía dưới nhà sàn làm chỗ buộc trâu, ông Bình cải tạo thành quầy bar cho du khách. Thứ 4, các món ăn cần được chế biến đa dạng để phù hợp với cả du khách nước ngoài hay khách du lịch nội địa 3 miền Bắc - Trung - Nam. Giờ đây, trong nhiều bản làng, chủ homestay đã biết làm sốt mayonnaise, mắm tôm, có cả máy pha cà phê, phục vụ cappuccino hay espresso cho du khách. Thứ 5, hoạt động trải nghiệm cộng đồng cần thiết kế để khách du lịch không nhàm chán. 

Với những yếu tố trên, theo ông Bình, qua 10 năm cải tạo, kết hợp làm du lịch cộng đồng với các homestay trên cả nước, nhiều bản làng đã lột xác. 10 năm trước, hỏi về bản Hua Tạt (Sơn La), Pù Luông (Thanh Hóa) hay Hang Kia - Pà Cò, Mai Hịch (Hòa Bình), người ta chỉ nhớ những làng quê nghèo, gắn với tệ nạn ma túy, giờ đây nhiều mô hình du lịch cộng đồng nổi tiếng đã xuất hiện. Một homestay tại Mai Hịch hiện đạt doanh thu khoảng 2,5 tỉ đồng/năm. Một homestay khác ở Sa Đéc (Đồng Tháp) cũng đón hàng ngàn lượt khách lưu trú và vãng lai với doanh thu gần 2 tỉ đồng. “Việt Nam có quá nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết. Nếu làm du lịch cộng đồng đúng cách, làng quê sẽ đổi thay”, ông Bình nói.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới