Thiếu bến đậu du thuyền - Nỗi nhức nhối của nhà giàu Đông Nam Á
Các công ty chuyên xây dựng bến neo đậu du thuyền tại Đông Nam Á đang chạy đua liên tục trong nỗ lực giải quyết nhu cầu về neo đỗ du thuyền của giới nhà giàu trong khu vực này.
Hãng tin CNBC cho biết theo kết quả công bố mới đây hãng nghiên cứu Wealth-X, doanh thu của ngành công nghiệp du thuyền tại châu Á chiếm khoảng 9% trên tổng thị trường toàn cầu. Mặc thị trường du thuyền châu Á thua xa thị trường Bắc Mỹ (44%) và thị trường châu Âu (34%), nhiều chuyên gia trong ngành dự đoán doanh thu ngành này tại châu Á sẽ tăng mạnh trong vòng vài năm tới - khi số lượng triệu phú, tỷ phú trong châu lục này đang tăng dần.
Cơn khát thèm du thuyền bùng nổ vượt xa khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng, khiến nhiều đại gia châu Á có du thuyền không biết "thả neo" ở đâu.
Điều này có thể thấy rất rõ tại Hồng Kông và Singapore, nơi có số lượng tỷ phú cao nhất thế giới. Công ty phát triển vịnh thuyền buồm ONEº15 Marina Club (Singapore) cho biết hiện công ty không thể tiếp nhận thêm du thuyền mới vì các bến neo đậu đang hoạt động hết công suất. Chi phí neo đậu cho du thuyền kích cỡ 40m tại ONEº15 Marina Club vào khoảng 10.000 USD/tháng (tương đương hơn 210 triệu đồng/tháng). Công ty Discovery Bay Marina Club tại Hồng Kông cũng đang gặp tình trạng tương tự (chi phí thuê bến neo đỗ du thuyền tại công ty này bắt đầu từ 6.000 USD - khoảng 126 triệu đồng).
"Ngoài những giấc mơ du thuyền Ca-ri-bê và Địa Trung Hải, luôn có những giấc mơ lớn về du thuyền đặc chất Đông Nam Á", ông Bill Green, giám đốc kỹ thuật của tập đoàn chuyên về thiết kế và chế tạo du thuyền xa xỉ Camper & Nicholson First Eastern (CNFE) nói với hãng tin Reuters khi đề cập tới nhóm các nước Đông Nam Á.
"Nhưng chuyện giong thuyền chơi biển thực sự không dễ dàng ở những nước này vì ở thời điểm hiện tại họ không có đủ vịnh neo đậu thuyền buồm. Khoảng cách địa lý giữa các vịnh du thuyền cũng khiến cho những chuyến đi biển ban ngày khó thực hiện", ông Green nói thêm.
Việc khan hiếm vịnh neo đậu thuyền buồm trở thành cơ hội lớn cho nhóm doanh nghiệp kinh doanh phát triển vịnh thuyền buồm như UEM Sunrise (Malaysia). UEM Sunrise hiện đang xúc tiến xây dựng một số công trình tại khu công nghiệp Iskandar Malaysia. Khi dự án Iskandar được khởi công từ năm 2006, người ta luôn ví đây là "một Singapore mới" đang được xây dựng trong lòng nước láng giềng Malaysia với mục tiêu định hình lại kinh tế khu vực. "Hành lang phát triển kinh tế" Iskandar sẽ hợp nhất các thị trấn, cảng biển và sân bay hiện nay với các dự án mới đang được triển khai.
Riêng ở phía Bắc Malaysia, thành phố di sản văn hóa thế giới Melaka cũng đang có dự định xây dựng vịnh thuyền buồm tư nhân lớn nhất Đông Nam Á với cầu tàu có thể neo đậu khoảng 1.000 thuyền buồm, thủ tướng Malaysia Najib Razak tuyên bố trong tháng 4/2014. Ngoài ra, một dự án về vịnh du thuyền khác có tên Perdana Quay dự định được triển khai tại khu nghỉ dưỡng nổi tiếng Langkawi, cũng sẽ tham gia vào thị trường vịnh du thuyền trong thập kỷ tiếp theo.
Các công ty kinh doanh du thuyền ước tính số lượng du thuyền đến Thái Lan sẽ tăng khoảng 2,100 chiếc (tương đương 31%) từ năm nay đến năm 2016, theo số liệu của bộ du lịch Thái Lan.
Trong số đó, số lượng siêu du thuyền hoặc loại du thuyền có kích cỡ dài hơn 24m sẽ tăng từ 110 chiếc lên 190 chiếc trong 2 năm tới, mang lại nguồn thu đáng kể cho bất kỳ bên nào có tham gia ngành công nghiệp du thuyền.
Một số dự án về vịnh neo đậu du thuyền ở Indonesia cũng đang được mở rộng.
Tại Việt Nam, trung tâm thuyền buồm quốc tế đầu tiên trị giá 2,5 tỷ USD có tên gọi ONE15 Vung Ro Bay Marina Resort dự định được xây dựng tại vịnh Vũng Rô. Tập đoàn 100% sở hữu của Nga-Vũng Rô Petroleum (VRP) và công ty ONEº15 Marina Club đã tiến hành ký ghi nhớ xây vịnh thuyền buồm này ngày 26/5 vừa qua.
Bên cạnh trung tâm thuyền buồm, tổ hợp Vịnh Vũng Rô cũng gồm nhiều khách sạn với tổng cộng 760 phòng, 4.300 căn hộ và 100 nhà phố sang trọng, các cửa hàng kinh doanh, cùng một bãi biển dài 400m. Riêng diện tích dành cho các hoạt động thương mại như cửa hàng bán lẻ, trường học, phòng chăm sóc sức khỏe, phòng giải trí... có diện tích tới 20 ha.
Theo tính toán của các chuyên gia trong ngành công nghiệp du thuyền, chi phí dành cho một vịnh neo đậu du thuyền vào khoảng 15 tỷ đồng. Triển vọng của ngành công nghiệp du thuyền ở Đông Nam Á hiện đang đứng đầu thế giới.
"Châu Á đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng cao hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới với đủ loại thị trường và đủ loại phân khúc khác nhau trong ngành công nghiệp du thuyền", chủ tịch công ty thuyền buồm Monto Carlo Yatchs, bà Carla Demarina nói trong triển lãm Du thuyền Singapore hồi tháng 4 vừa qua. Đây là triển lãm du thuyền lớn nhất tại châu Á. Nhiều thương hiệu du thuyền mới như Azimut và Monto Carlo cũng lần đầu tiên xuất hiện tại châu Á trong năm nay, cho thấy sự quan tâm lớn đến ngành du thuyền trong khu vực.
Nguồn GAFIN/DVO
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư