Hủy
Phong Cách Sống

Dâu tây giá 780 USD: Xa xỉ mới?

Thứ Sáu | 11/07/2025 11:30

Những quả dâu tây đắt đỏ đang tái định nghĩa khái niệm trái cây. Ảnh: The Economist.

 
 
Dâu Omakase và trái cây cao cấp Nhật Bản đang khuấy đảo thị trường Mỹ, trở thành biểu tượng mới của sự sang trọng trong làn sóng tiêu dùng hiện đại.

Sáu quả dâu tây lớn, đỏ mọng được xếp ngay ngắn trong chiếc hộp sang trọng như một hộp chocolate cao cấp. Đó là giống dâu Omakase có xuất xứ từ Nhật, được công ty Oishii trồng tại bang New Jersey (Mỹ), với độ mềm mịn và vị ngọt đậm hơn so với dâu tây thường thấy trong siêu thị. Với giá bán khoảng 14 USD mỗi hộp, đắt gấp ba lần dâu ở Walmart, người mua chắc hẳn đặt kỳ vọng nhiều hơn vào hương vị phải “đáng đồng tiền bát gạo”.

Từ lâu, trái cây đã gắn liền với hình ảnh của sự xa xỉ. Vào thời xưa, dứa từng là biểu tượng giàu sang của giới quý tộc Anh. Tại Nhật Bản và nhiều quốc gia châu Á khác, trái cây cao cấp còn là món quà biếu được ưa chuộng. Năm 2016, một chùm nho Ruby Roman từng được đấu giá tới 11.000 USD, tức khoảng 350 USD một quả.

Giờ đây, với sự lan tỏa của cộng đồng ẩm thực sành điệu và mạng xã hội, nước Mỹ đang nổi lên như một thị trường mới cho trái cây cao cấp. Năm ngoái, Tập đoàn Fresh Del Monte của Mỹ đã bán ra thị trường nội địa loại dứa cao cấp có giá 395 USD/quả, sau khi sản phẩm này "cháy hàng" tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, trái cây Nhật Bản mới thực sự tạo nên cơn sốt. Chuỗi siêu thị hạng sang Erewhon tại Los Angeles từng gây sốt khi bán dâu Nhật nhập khẩu, đóng gói riêng lẻ với giá 19 USD/quả. Dưa lưới Crown của Nhật, vốn được trồng với số lượng giới hạn, có thể đạt giá hàng trăm USD mỗi quả.

Để đón đầu xu hướng này, nhiều doanh nghiệp chuyên biệt đã ra đời. Ikigai Fruits, một công ty xuất khẩu có trụ sở tại Tokyo, ra mắt năm 2023, cung cấp đa dạng mặt hàng, với hộp hồng Nhật giá từ 128 USD, hay set dâu tây có thể lên tới 780 USD. Công ty này vận chuyển trái cây bằng đường hàng không từ Nhật sang Mỹ, nhưng nhưng gần đây gặp khó khăn vì thuế nhập khẩu và khí hậu thất thường ảnh hưởng đến mùa vụ.

Khác với Ikigai, Oishii khắc phục các rủi ro trên bằng cách áp dụng mô hình nông nghiệp thẳng đứng,tức kiểm soát vi khí hậu để trồng dâu ngay tại Mỹ. Nhờ thiết kế thương hiệu tinh tế và chiến lược tiếp thị qua người ảnh hưởng, dâu Oishii trở thành hiện tượng mạng xã hội. “Ai cũng có thể nhận ra đây là một sản phẩm hoàn toàn khác biệt”, CEO Hiroki Koga cho biết. Tháng 11 vừa qua, Oishii đã huy động được 150 triệu USD từ vòng gọi vốn mới nhất.

Gần đây, công ty tiếp tục mở rộng thị trường bằng dòng dâu “dễ tiếp cận hơn” với mức giá 8 USD/hộp. Oishii cũng đã ra mắt dòng cà chua cao cấp, một gói khoảng 11 quả được bán với giá 10 USD. CEO Hiroki còn gợi ý: “Thay vì mang rượu tới tiệc, bạn có thể mang theo ba hộp dâu. Chắc chắn sẽ gây ấn tượng với chủ nhà”.

Có thể bạn quan tâm:

Hàng nội Trung Quốc lên ngôi

Nguồn The Economist


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới