Hủy
Phong Cách Sống

Hàng xuất khẩu đi "lòng vòng"

Thứ Sáu | 13/12/2013 08:42

Hiện nay, không ít hàng hóa xuất khẩu sản xuất tại Bà Rịa - Vũng Tàu phải mang lên TP. Hồ Chí Minh để xuất đi các nước châu Á.
 

Vận chuyển container vào cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép.
Vận chuyển container vào cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép.

Ông Nguyễn Công Huyên, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Baseafood) cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Baseafood đạt từ 32 - 35 triệu USD. Sản lượng thành phẩm xuất khẩu hàng năm hơn 9.000 tấn, trong đó 90% xuất khẩu và 10% tiêu thụ nội địa. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của công ty là các nước Mỹ, Canada, Ai Cập, một số nước Trung Đông, châu Âu như: Ý, Đức, Tây Ban Nha, Pháp. Riêng thị trường châu Á gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, các nước khu vực ASEAN. "Do các cảng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải không có, hoặc ít tuyến đi châu Á nên hàng của Baseafood khi xuất đi các nước châu Á phải đưa lên cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh). Mỗi tháng, Baseafood xuất đi các nước khoảng 20 container hàng, do phải đi lòng vòng nên chi phí vận chuyển tăng lên gấp đôi" - ông Nguyễn Công Huyên cho biết.

Tương tự, hiện nay một số doanh nghiệp hoạt động tại các KCN trên địa bàn tỉnh khi xuất hàng đi nước ngoài cũng phải vận chuyển lên TP. Hồ Chí Minh. Đại diện Tập đoàn Hoa Sen cho biết, Hoa Sen có 2 nhà máy một đặt tại Bình Dương và một nhà máy tại KCN Phú Mỹ (huyện Tân Thành). Mỗi tháng Hoa Sen xuất hơn 1.000 container hàng với khối lượng từ 20.000 - 30.000 tấn. Mỗi khi xuất hàng sản xuất từ nhà máy ở KCN Phú Mỹ, doanh nghiệp phải chở hàng lên Bình Dương để đóng container rồi chở ngược về cảng Cát Lái để xuất khẩu. Nếu muốn đóng hàng trực tiếp tại Phú Mỹ thì phải kéo container rỗng từ TP. Hồ Chí Minh về KCN Phú Mỹ, đóng hàng xong thì chuyển container về cảng Cát Lái để xuất.

Cùng rơi vào hoàn cảnh hàng đi "lòng vòng" là trường hợp của Công ty Thép Pomina, toàn bộ nguyên liệu được nhập khẩu qua cảng Cái Mép, từ cảng này về nhà máy chỉ 2km. Với khoảng cách gần như vậy đáng lẽ chi phí logistics rất thấp, nhưng khi sản xuất xong, nhiều đơn hàng phải chở hàng lên TP. Hồ Chí Minh mới có thể xuất. Đại diện Công ty CP Thép Pomina cho hay, tháng 9 vừa qua, Công ty xuất lô hàng hơn 200 tấn thép sang Phillipine phải chở từ Phú Mỹ lên cảng Cát Lái để bốc lên tàu, chi phí vận chuyển đội gấp 5 lần so với làm hàng tại Cái Mép.

Theo ông Nguyễn Công Huyên, việc chuyển hàng đi lòng vòng là sự lãng phí lớn đối với doanh nghiệp (DN) và xã hội khi mà trên địa bàn tỉnh có hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải hoàn toàn có đủ điều kiện cho các tàu có tải trọng lớn cập cảng. Thế nhưng, nghịch lý là tại các cảng ở Cái Mép lại chỉ có tàu đi châu Âu, châu Mỹ, không có hoặc chỉ có một hai tuyến tàu đi Đông Nam Á. Muốn hàng đi Đông Nam Á nhanh, không phải nằm chờ tàu, các DN buộc phải chọn giải pháp chuyển hàng lên Cát Lái.

Trước thực trạng này, các doanh nghiệp cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế chính sách điều phối hoạt động của các hãng tàu để triển khai hoạt động tại nhiều cảng khác nhau tại Việt Nam nhằm khai thác triệt để công suất của các cảng; Giải phóng nguồn hàng hóa xuất khẩu tại từng địa điểm, tránh việc quá tải tập trung vào một số cảng chính. Ngoài ra, DN mong muốn có sự phối hợp giữa đơn vị quản lý cảng Cát Lái, Cái Mép và các hãng tàu để có thể bố trí các container rỗng cũng như các tuyến hoạt động tại khu vực cảng Cái Mép, tạo thuận lợi cho DN trong khu vực có thể xuất hàng đi mà không phải vận chuyển lên cảng Cát Lái.

Nguồn Tin Công Nghệ Tổng Hơp


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới