Hủy
Phong Cách Sống

Nghệ sĩ Opera Minh Minh: Âm nhạc là hành trình khám phá bản thân

Minh Anh Thứ Năm | 14/09/2023 20:05

Đến Brain Talk 1 thì tôi nhận ra thêm, phần chữa lành, yêu thương không chỉ bằng lời ca mà có hiệu quả bằng tần số, có yếu tố khoa học. Ảnh: NCĐT

 
 
Lần thứ 2 tham gia biểu diễn tại Brain Talk, Minh Minh chia sẻ với Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư những khám phá của cô về “âm nhạc sức khỏe”.

Tháng 7 năm nay, Minh Minh vừa nhận được giải 3 cuộc thi âm nhạc Quốc tế Chicago. Đây là giải thưởng do Học viện Quốc tế Tài năng Piano, Cao đẳng Wheaton và Nhạc viện Milan khởi xướng. Cuộc thi dành cho tất cả thí sinh trên toàn thế giới, với hai bộ môn được tham gia nhiều nhất là Thanh nhạc cổ điển và Piano. Minh Minh là thí sinh Việt Nam duy nhất nhận được giải lần này. Trước khi giành giải ba tại cuộc thi, Minh Minh từng đạt nhiều thành tích đáng chú ý, như: Giải nhì Liên hoan Tiếng hát Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga, giải Vàng Duet Piano tại Liên hoan Châu Á - Thái Bình Dương.

Minh Minh cũng sở hữu học vấn đáng nể khi có bằng Cử nhân sư phạm âm nhạc, Cử nhân Thanh nhạc cũng như bằng Thạc sĩ Lý luận và Phương pháp dạy học âm nhạc tại Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Hiện cô đang giảng dạy tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc. Bên cạnh đó, cô còn khởi xướng hai dự án âm nhạc cho cộng đồng.

Mặc dù vậy, nhắc đến sự nổi tiếng, dù là trong lĩnh vực của cô, Minh Minh luôn khiêm tốn. “Khi sự nổi tiếng của mình không đủ nội lực và bản lĩnh vững vàng, ngã xuống sẽ đau lắm”, Minh Minh cho biết. Cô còn nói thêm rằng, sự nghiệp của cô gặt hái được thành công như hôm nay là nhờ vào sự giúp đỡ của nhiều người thầy, người bạn; cũng như sự ủng hộ của gia đình hai bên.

 

Nhìn vào bên trong nhiều hơn

* So với chương trình Brain Talk 1, phần trình diễn của chị trong Brain Talk 2 có gì khác biệt?

Chương trình lần này nghiêng về cổ điển, có pha trộn một chút opera trong khi chương trình lần trước hoàn toàn là nhạc Pop. Opera là thế mạnh của tôi và ít nhiều mang đến cho tôi sự hứng thú.

* Đâu là thách thức khi chị tham gia chương trình này?

Thứ nhất, tôi chưa hát live trong chương trình có nhiều tiết mục như vậy bao giờ. Thứ hai, phần tập luyện đòi hỏi nhiều sắc thái biểu cảm, cần tập trung để thể hiện. Do thế mạnh của tôi là thính phòng nhưng ban tổ chức lại giao thể hiện nhạc Pop. Việc của tôi là làm sao để hai dòng nhạc này hòa hợp, xử lý sao cho vẫn có bản sắc của mình mà không bị lệch quá so với bản gốc.

* Chị đã từng trình diễn theo phong cách này trước kia?

Những chương trình như Brain Talk tôi chưa tham gia nhiều. Chủ yếu tôi tham gia công tác giảng dạy để trao truyền những giá trị cho các thế hệ tiếp theo. Không phải vì show diễn ít mà vì mong muốn của tôi là được theo đuổi dòng nhạc mình thích, làm cùng những người mình yêu mến. Nếu làm nhạc chỉ để giải trí mà không mang lại lợi lạc gì cho người nghe hoặc không đúng con đường mình đang theo, tôi thấy không có ý nghĩa. Có lẽ tôi hơi bảo thủ nhưng lựa chọn nào cũng cần sự kiên định. Riêng đối với Brain Talk, tôi nhận thấy, ngoài giải trí, âm nhạc còn có tác dụng chữa lành. Đấy là điều tôi đang theo đuổi.

* Không ít nghệ sĩ gặt được thành quả khi kết hợp nhạc cổ điển với những dòng nhạc khác. Việc tham gia những chương trình như Brain Talk có làm thay đổi góc nhìn của chị, muốn tạo ra điều gì đó tương tự, vừa theo đuổi dòng nhạc yêu thích, vừa mang lại cái giá trị cho người nghe và tiếp cận thêm với khán giả đại chúng?

Tôi nghĩ đây sẽ là bước đệm để mình làm về những dự án khác liên quan và lợi ích hơn cho cộng đồng. Ngoài giá trị nghệ thuật và giải trí, âm nhạc cũng có vai trò trong việc nâng cao sức khỏe tinh thần cho người nghe. Đấy có thể là giai đoạn tiếp theo tôi sẽ đi. Quan điểm của tôi, âm nhạc chỉ là phương tiện. Bên trong nó chứa đựng tư tưởng, tình cảm và năng lượng – những thứ chúng ta không thể nhìn thấy. Quan trọng là người nghe có cảm nhận được nguồn năng lượng đó và sống tích cực hơn không, có duy trì được năng lượng tươi mới mỗi ngày. Trong tương lai, tôi sẽ tiếp tục triển khai những lớp học hoặc những chương trình âm nhạc phù hợp với từng đối tượng khác nhau, vì tần số và khả năng của mỗi người là khác nhau.

* Tham gia vào thể loại âm nhạc sức khỏe, chị có thêm những khám phá mới mẻ nào về bản thân?

Trong giai đoạn COVID-19, nhìn lại quãng đường mình học tập, làm việc, tôi nhận ra mình chưa đi được vào cái lõi của âm nhạc, gồm giáo dục âm nhạc và con đường biểu diễn chuyên nghiệp. Tôi vẫn chưa mang được giá trị âm nhạc thực sự đến người nghe. Đấy cũng là thời gian tôi nhìn vào bên trong mình nhiều hơn. Tôi bắt đầu khám phá và biết đến những cộng đồng âm nhạc mới như cộng đồng âm nhạc yêu thương, thức tỉnh… Đến Brain Talk 1 thì tôi nhận ra thêm, phần chữa lành, yêu thương không chỉ bằng lời ca mà có hiệu quả bằng tần số, có yếu tố khoa học.

Âm nhạc sức khỏe liên quan đến năng lượng và tác động đến nhiều người hơn và giúp cho mọi người nhận thấy được giá trị ngay. Khi nghe và tìm hiểu dòng nhạc này, bản thân tôi vô cùng ngạc nhiên vì không có trường lớp nào dạy. Thể hiện ca khúc trong show Brain Talk đầu tiên, tôi nhận ra nguồn năng lượng chảy tràn trong mình nhiều hơn. Bên trong tôi có một sự tĩnh lặng và thiêng liêng mà không phải lúc nào cũng cảm thấy được. Sự tĩnh lặng ở đây là nhận biết được suy nghĩ của mình thay vì bị cuốn theo xu thế, hiệu ứng đám đông. Tôi còn cảm thấy được sự trân trọng từ bên trong chứ không chỉ bằng lời nói. Và vì thế, tôi hy vọng có thể lan tỏa điều kỳ diệu này đến nhiều người nghe hơn. Sức khỏe là điều ai cũng mong muốn. Có sức khỏe, làm công việc mình yêu thích và lan tỏa nó đến mọi người, còn gì tuyệt vời và hạnh phúc bằng.

* Làm thế nào để duy trì năng lượng tích cực, đặc biệt khi cuộc sống có quá nhiều thử thách?

Nghệ sĩ vốn nhạy cảm, nhờ đó họ dễ cảm nhận rung động trong bài hát để truyền tải cho người nghe. Nhưng cũng chính vì thế mà họ dễ nắm bắt những xúc cảm tiêu cực và thường lưu nhớ điều này khá lâu. Bí quyết ở đây là bản thân mỗi người phải tìm ra được những cái thuộc về chân giá trị. Mình cần nhận diện được những nguồn năng lượng không tốt ấy và cần bộ công cụ để hiểu nó, để giải tỏa. Cần ý thức được rằng, nỗi buồn hay xúc cảm tiêu cực chỉ là suy nghĩ và phải vượt qua nó. Có nhiều cách có thể cân bằng cảm xúc như nghe nhạc, đọc sách, cà phê với bạn bè… Bên cạnh đó, có thể tham gia vào những hoạt động cộng đồng ý nghĩa.

Người nghe nhận được gì khi nghệ sĩ trao đi?

* Nhạc thính phòng yêu cầu cao về kỹ thuật lẫn biểu cảm trong giọng hát. Chị từng rơi vào trạng thái hát đạt kỹ thuật nhưng bên trong trống trải cảm xúc?

Giai đoạn đầu bước chân vào nghề, tôi thường xuyên gặp tình trạng này. Việc thể hiện trưng trổ kỹ thuật khiến mình quên mất biểu cảm. Nhưng dần dà, tôi khám phá ra, để hát tốt, không chỉ cần kỹ thuật mà cần đến trải nghiệm, cách cảm nhận của người hát. Đấy cũng là điều cốt lõi khi tôi đứng lớp truyền dạy cho các học viên. Để làm được điều này, mỗi người phải tự tìm ra con đường cho họ và không ngừng trau dồi, nuôi dưỡng cảm xúc, dù họ có theo đuổi dòng nhạc nào. Khi người nghệ sĩ có tâm hồn dày dặn cảm xúc, nhiều năng lượng tích cực và không ngừng luyện tập thì sớm muộn họ sẽ tỏa sáng.

Chỉ khi bạn lao động bằng tất cả đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn. Nhu cầu của mọi người là khác nhau, nếu là một nghệ sĩ thích chạy theo đồ hiệu, tiền bạc, nhà cửa thì tôi không đủ khả năng.
Chỉ khi bạn lao động bằng tất cả đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn. Nhu cầu của mọi người là khác nhau, nếu là một nghệ sĩ thích chạy theo đồ hiệu, tiền bạc, nhà cửa thì tôi không đủ khả năng.

* Dòng nhạc chị theo đuổi vẫn khá kén người nghe tại Việt Nam. Liệu công việc đang theo đuổi có đủ để chị yên tâm làm nghệ thuật?

Bên cạnh việc biểu diễn, tôi còn làm công tác giảng dạy. Tuy nhiên, tôi không làm mọi thứ để kiếm được tiền. Chỉ khi bạn lao động bằng tất cả đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn. Nhu cầu của mọi người là khác nhau, nếu là một nghệ sĩ thích chạy theo đồ hiệu, tiền bạc, nhà cửa thì tôi không đủ khả năng. Tất nhiên, cuộc sống của tôi còn nhiều mặt khác về gia đình, con cái, phát triển bản thân cần chăm sóc. Dù chưa hẳn thoải mái nhưng tôi bằng lòng với điều này. Tôi ý thức rõ, giá trị nghệ thuật của mình chỉ đến thế thôi. Muốn tăng giá trị đồng tiền thì càng phải nỗ lực tăng giá trị nghệ thuật của mình lên.

 

* Môi trường học thuật có trói buộc chị trong những chiếc khung mỗi khi sáng tạo?

Đây là điều tôi trăn trở rất nhiều. Để hòa hợp được học thuật và giải trí, mình phải suy nghĩ nhiều hơn để đưa ra những quyết định đúng đắn. Tôi cho học thuật không phải là rào cản chính. Rào cản ở đây là mình có đủ sức theo đuổi, có đủ sự sáng tạo, có đủ cởi mở để tiếp nhận những cái mới không? Và người nghe, họ nhận được gì khi mình trao đi. Hơn nữa, công việc giảng dạy giúp tôi học thêm nhiều và hoàn thiện mình ở tầng sâu hơn. Người được học sâu nhất là người đứng trên bục giảng.

* Quyết định tham gia cuộc thi âm nhạc Quốc tế Chicago 2023 tại Mỹ, khi đã là giáo viên dạy âm nhạc, hẳn chị đối mặt không ít áp lực?

Tôi biết đến cuộc thi khá tình cờ. Đây là chương trình quy mô toàn cầu và là cuộc thi quốc tế đầu tiên tôi tham gia. Mục tiêu của tôi là để trau dồi kiến thức, tăng khả năng cọ xát, cũng như muốn xem cách họ giáo dục âm nhạc như thế nào. Áp lực thì nhiều vô kể, không phải là với học sinh hay gia đình, bạn bè mà là với chính bản thân mình. Vì đi thi với quyết tâm vô cùng lớn và nỗ lực luyện tập nên khi bị rớt visa lần thứ nhất, mọi thứ trong tôi dường như sụp đổ. Mất một tuần, tôi lấy lại bình tĩnh để cải thiện hồ sơ. Khi đỗ visa, áp lực khác ập đến chính là một mình đặt chân đến đất nước lạ lẫm, có quá nhiều thứ phải lo. Sang đến nơi thì lệch múi giờ nên sức khỏe không đảm bảo. Nhưng cũng chính nhờ những trải nghiệm này mà tôi có thêm kinh nghiệm trong việc rèn luyện về thể chất, tinh thần.

* Nhiều nghệ sĩ sau giải thưởng có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn. Chị thì sao?

Giải thưởng là một ghi nhận quan trọng trong sự nghiệp. Điều cốt lõi là bên trong tôi có sự thay đổi. Tôi ý thức được phải nghiêm túc hơn, chuyên nghiệp hơn và có kỷ luật hơn với bản thân. Tôi cũng học được cách làm việc độc lập và tự chủ hơn. Về hiệu ứng như chị nói, không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nếu không phải là điều tôi theo đuổi, tôi sẽ không nhận lời. Như đã chia sẻ, tôi luôn mong mỏi được làm điều mình yêu thích và cống hiến những điều giá trị cho cuộc sống.

Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Brain Talk là chuỗi sự kiện âm nhạc do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư và Studio 369 phối hợp tổ chức. Sự kiện mang đến những trải nghiệm mới lạ về âm thanh, hình ảnh, giúp người nghe khai mở, khám phá và chạm đến thế giới tinh thần bên trong mỗi cá nhân.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới