Nghệ sĩ Thanh Bùi: Âm nhạc là giáo dục sáng tạo
Sơn Phạm
Đó là câu giới thiệu trên trang Facebook cá nhân của nghệ sĩ Thanh Bùi như lời khẳng định cho những dự án nghệ thuật và đam mê mà anh đang theo đuổi.
Không mở lò đào tạo ca sĩ
Tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Thương mại Điện toán tại Úc, nhưng nam nghệ sĩ được nhiều người biết đến từ năm 2008 khi anh lọt vào Top 8 chương trình Australian Idol 2008. Trở về Việt Nam, anh cũng nhanh chóng nổi tiếng với nhiều bài hát được yêu thích với những giai điệu đẹp và mới lạ trong làng nhạc Việt Nam.
“Sau khi tham gia cuộc thi Australian Idol, tôi nhận được lời mời biểu diễn ở Paris By Night và có một số nhạc sĩ Việt Nam liên hệ. Trước đó, tôi không hề có khái niệm gì về Việt Nam. Thế là tôi bắt đầu tìm hiểu về thị trường âm nhạc Việt Nam qua internet rồi về nước xem thử. Tôi đã tìm đến ngôi nhà ngày trước cha mẹ mình ở và chợt nhận ra nguồn gốc của mình. Cái cảm giác đó rất thân thương”, Thanh Bùi kể lại hành trình trở về Việt Nam của mình.
Thật ra ít người biết rằng đã có một số chuyện không hay khiến Thanh Bùi bị sốc và quyết định quay về Úc ngày 1.1.2012, nhưng một câu nói của Vân (sau này trở thành vợ của anh) đã giữ anh ở lại: “Ở lại Việt Nam hay về Úc hoàn toàn là quyết định của anh. Nhưng em hỏi: Việt Nam mới trải qua chiến tranh 40 năm, cuộc sống còn nhiều khó khăn lắm. Một người có điều kiện như anh nên bỏ đi hay ở lại để góp phần làm cho đất nước này tốt đẹp hơn?”.
Ngay sau câu nói đó , Thanh Bùi đã lên một chiến lược 10 năm cho những dự định của mình ở Việt Nam. Sáu tháng sau, Học viện Soul Music & Performing Arts Academy (SMPAA) ra đời. “Tôi yêu người Việt Nam, các con của tôi sẽ ở Việt Nam và tôi muốn góp phần làm cho nơi này thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn”, Thanh Bùi tâm sự.
Học viện SMPAA có vị trí ngay trung tâm thành phố, được đầu tư rất quy mô với trang thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. Bắt đầu chỉ với 30 học viên, đến nay, SMPAA đã có hơn 800 học viên. Mới đây, Học viện vừa khánh thành và đưa vào hoạt động một tòa nhà mới trong cùng khuôn viên, dự kiến có thể đón khoảng 1.300 học sinh. Đặc biệt, từ tháng 10, ở SMPAA có thêm chương trình giáo dục âm nhạc đầu đời Kindermusic dành cho trẻ từ 6 tháng đến 7 tuổi.
Thế nhưng, nói về sự phát triển của SMPAA, Thanh Bùi lại khẳng định: “Tất cả chỉ mới bắt đầu! Chúng tôi mong muốn tạo ra một môi trường để các em tiếp nhận âm nhạc một cách tự nhiên, gần gũi nhất. Và thông qua âm nhạc nghệ thuật, chúng ta có thể xây dựng một thế hệ mới tự tin hơn, nhạy cảm hơn, sáng tạo hơn và có một tư duy muốn phát triển ra thế giới nhưng mãi mãi không quên đi văn hóa và nguồn gốc của người Việt Nam”.
Cùng trong khuôn viên Học viện còn có sân khấu Soul Live Project Complex với sức chứa 400 chỗ ngồi, được xây dựng với mong muốn phát triển thành một tâm điểm, đóng góp vào sự phát triển của nghệ thuật tại Việt Nam.
Nơi đây sẽ mang đến cho khán giả những chương trình đặc sắc được chọn lọc kỹ lưỡng, bao gồm hội thảo (Workshop), lớp học kỹ năng (Master Class) định kỳ, các chương trình nghệ thuật với nhiều thể loại khác nhau, những buổi hòa nhạc của nghệ sĩ Việt Nam cũng như quốc tế, nhằm thực hiện sứ mệnh mang thế giới đến Việt Nam và đưa Việt Nam ra với thế giới thông qua âm nhạc, nghệ thuật.
Cùng với sự bùng nổ các cuộc thi tài năng nhí và gameshow cho trẻ em, các “lò đào tạo” ca sĩ cũng nở rộ. Liệu đây có phải là cơ hội tốt cho những đơn vị đầu tư vào nghệ thuật như SMPAA? Trả lời cho câu hỏi này, Thanh Bùi thẳng thắn: “Đừng bắt trẻ đi học chỉ để tham dự một cuộc thi, giống như chưa biết đi đã bắt chạy. Chúng tôi xác định học sinh ở đây không được đào tạo để đi theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp. Chúng tôi chú trọng tạo ra cốt cách, tâm hồn âm nhạc, chứ không nghĩ mình mở một “lò” đào tạo ca sĩ. Âm nhạc kỳ diệu và hướng thiện, vì thế hãy để âm nhạc thực hiện đúng chức năng của nó”.
Người hâm mộ biết rằng nghệ sĩ trẻ Vũ Cát Tường là một học trò thành danh của Thanh Bùi. Tuy nhiên, anh lại tỏ ra dè dặt khi nói về những ngôi sao vốn là học trò mình: “Chỉ có số ít học viên như Vũ Cát Tường theo đuổi sự nghiệp chuyên nghiệp. Còn đa phần các em theo đuổi âm nhạc trước hết như một niềm đam mê nghiêm túc”.
Những dự án dành cho trẻ em
Dù không còn biểu diễn nhưng Thanh Bùi vẫn tất bật với các dự án nghệ thuật. Tại sảnh lớn của Học viện, bên cạnh khu vực trưng bày trang trọng những kỷ vật của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chiếc tivi màn hình lớn liên tục chiếu các tiết mục biểu diễn của học sinh. Cùng với đó là các TVC quảng bá về chương trình học hay phần dự thi của học viên trong các gameshow truyền hình.
Phòng làm việc của Thanh Bùi rất ngăn nắp, có 2 chiếc ghế salon sang trọng trên tấm thảm lông cho khách, nhưng anh lại hay ngồi trên chiếc đôn đơn giản. Tiếp khách với chiếc khăn choàng khá nghệ sĩ, anh tâm sự: “Thực sự tôi là một người khó tính và quản lý quỹ thời gian rất kỹ. Thậm chí, tôi phải tính bao nhiêu phút để rửa mặt mỗi buổi sáng”.
Nói về sự nghiêm khắc với bản thân, Thanh Bùi nhớ lại thời sinh viên của mình. “Ngay từ thời sinh viên, tôi đã dùng tiền học bổng đầu tư cho phòng thu và làm việc điên cuồng để đảm bảo đạt được những mục tiêu của mình. 40 tiếng/tuần cho việc học và 40 tiếng/tuần cho chơi nhạc. Trong khi bạn bè vui hưởng những kỳ nghỉ hè, tôi vẫn lao đầu vào học nhằm rút ngắn thời gian lấy bằng cử nhân từ 4 năm xuống còn 3 năm để nhanh chóng toàn tâm cho sự nghiệp âm nhạc”.
Thế nhưng, không ít người cho rằng, có được người vợ là “ngọc nữ” của một đại gia tên tuổi về bất động sản tại TP.HCM mới thực sự là bàn đạp lớn để Thanh Bùi phát triển sự nghiệp của mình. Nói về điều này, Thanh Bùi cười và trả lời: “Trước khi về Việt Nam, tôi đã mở trường nhạc ở Úc mở rộng đến 5 chi nhánh. Nhưng tôi thật sự không có cảm giác bị đụng chạm khi mọi người nói tôi thành công nhờ gia đình vợ. Tôi luôn nhớ lời dạy “của chồng, công vợ” để trân trọng mọi đóng góp của nhau trong việc xây dựng và gìn giữ hạnh phúc gia đình”.
Anh cho biết luôn nhận được sự đồng cảm và hỗ trợ của vợ trong những dự án dành cho trẻ em Việt Nam. Gần đây, Công ty Purpose Media của Thanh Bùi đã hợp tác với Đài Truyền hình TP.HCM để phát triển HTV3 - DreamsTV theo định hướng giáo dục - giải trí dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng và đẩy mạnh mảng chương trình do người Việt sản xuất cho khán giả Việt.
Theo đó, từ tháng 7, khán giả xem truyền hình có thể nhận thấy nhiều sự thay đổi trên kênh HTV3 - DreamsTV. Khởi đầu là việc ra mắt chương trình đại chúng hóa nhạc cổ điển Thần đồng Âm nhạc - Wonderkids với đối tượng tham gia là các bé từ 9-13 tuổi có năng khiếu hát, múa, chơi nhạc cụ. Tiếp đến là loạt chương trình vui nhộn khuyến khích trẻ hát, múa và chơi đùa hồn nhiên kết hợp với học tiếng Anh như: Lắc lư cùng âm nhạc - The Wiggles, Đôi bạn tinh nghịch - Bobby & Bill. Và chỉ cách đây vài ngày, kênh này vừa ra mắt loạt chương trình Nuôi con khỏe, dạy con cách văn minh... “Tâm huyết lớn nhất đời tôi là giáo dục. Từ khi lên chức bố, ấp ủ thực hiện những chương trình truyền hình giáo dục kết hợp giải trí cho trẻ em ngày càng thôi thúc tôi mãnh liệt hơn. Tôi sẽ tập trung hết thời gian của mình để làm công việc này”, nghệ sĩ Thanh Bùi chia sẻ về lý do anh theo đuổi hàng loạt chương trình trẻ em.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư