Hủy
Phong Cách Sống

Phục trang triều Nguyễn qua tranh minh họa đầu thế kỷ XX

Minh Lan Thứ Tư | 08/03/2023 16:03

Bìa cuốn sách Nghệ Thuật Minh Họa Áo Mũ Thời Nguyễn Đầu Thế Kỷ XX. Ảnh: Omega+

 
 
Cuốn sách là nỗ lực của Trần Minh Nhựt, khảo cứu và giới thiệu bộ tranh quý của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân.

Trang phục không chỉ phản ánh văn hóa, lối sống của những giai tầng khác nhau trong xã hội mà còn ẩn chứa trong đó địa vị của người mặc, sự thịnh suy của một giai đoạn, một triều đại. Hiểu về trang phục cũng là hiểu về lối sống, tập tục văn hóa, thẩm mỹ của người xưa.

Nếu Vietnam Centre từng ghi dấu với việc phục dựng cổ phục trong sinh hoạt thời Lê Sơ thì bộ tranh Grande Tenue de la Cour d’Annam (tạm dịch Đại Lễ phục triều đình An Nam) của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân Đại đặc tả lễ phục hoàng gia từ hoàng đế, hoàng hậu, hoàng thái hậu, cung giai, hoàng thái tử, hoàng tử...

Tác giả Trần Minh Nhựt nghiên cứu bộ tranh này để giải mã ngôn ngữ tạo hình nghệ thuật của phục trang triều Nguyễn, cũng như sự tác động của nghệ thuật phương Tây trong giai đoạn giao thoa văn hóa đầu thế kỷ XX.

Hành trình lưu lạc của bộ tranh quý

Grande Tenue de la Cour d’Annam được họa sĩ Nguyễn Văn Nhân vẽ vào tháng 12/1902, dưới triều vua Thành Thái, gồm 54 bức minh họa bằng màu nước trên giấy khổ 23,1x31,8cm đóng thành một cuốn album, hiện đang thuộc quyền sở hữu của National Gallery Singapore.

tranh Đại Nam hoàng đế tế phục Nam Giao (Hoàng đế nước Nam với lễ phục tế Nam Giao)
Tranh Đại Nam hoàng đế tế phục Nam Giao (Hoàng đế nước Nam với lễ phục tế Nam Giao). Ảnh chụp từ sách

Trước đó, bộ tranh này đã lưu lạc khắp nơi trên thế giới với hành trình bí ẩn cũng như người vẽ ra nó. Cho đến tháng 4/2011, TS. Trần Đức Anh Sơn nhận được e-mail từ TS. Pierre Baptiste - quản thủ sưu tập Đông Nam Á, Bảo tàng Quốc gia Guimet về Nghệ thuật châu Á ở Paris (Pháp). Email báo tin tại Eric Chaim Kline Bookseller ở Santa Monica (California, Mỹ) đang rao bán bộ tranh vẽ minh họa Lễ phục của vua quan và binh lính nhà Nguyễn mặc trong lễ tế Nam Giao của Nguyễn Văn Nhân.

Bộ tranh được bán với mức giá 35.000 USD (khoảng 723 triệu, theo tỉ giá USD năm 2011). Theo TS. Trần Đức Anh Sơn, trên website của Eric Chaim Kline Bookseller, bộ tranh được rao bán có ký hiệu: Book ID: 11638. Tuy nhiên, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố Đô Huế đã không kịp đặt mua các họa phẩm ấy. Bộ tranh cuối cùng được bán cho một người ẩn danh tại Hội chợ sách New York (cuối tháng 4/2011), sau đó tiếp tục bán cho một người khác.

Ngày 3/10/2011, bộ tranh xuất hiện tại sàn đấu giá Sotheby’s, số hiệu: Lot 595. Khoảng giá ước tính dao động quanh mốc: 240.000 - 380.000 HKD. Bất ngờ thay, giá gõ búa lên đến 680.000 HKD, tức gần 2 tỉ đồng, gấp 2,6 lần so với giá bán tại Eric Chaim Kline Bookseller.

tranh Phẩm phục hậu phi (Phẩm phục Hoàng hậu và Phẩm phục thứ phi)
Tranh Phẩm phục hậu phi (Phẩm phục Hoàng hậu và Phẩm phục thứ phi). Ảnh chụp từ sách

Trong e-mail phản hồi ngày 27/11/2017, ông Mok Chuan Kim - Giám đốc cao cấp tại văn phòng đại diện của Sotheby’s Đông Nam Á xác nhận bộ tranh được bán ra là tranh gốc và là bản duy nhất. Phía Sotheby’s từ chối tiết lộ danh tính của người mua. Cho đến năm 2012, một thời gian ngắn sau lần đầu giá tại nhà Sotheby’s Hong Kong, bộ tranh được trưng bày tại National Gallery Singapore (Phòng Trưng bày Quốc gia Singapore).

Năm 2017, Trần Minh Nhựt gửi email đến nơi này liên hệ, nhưng được phản hồi rằng bộ tranh không được lưu giữ tại đây.

Tưởng rằng việc truy tìm bộ tranh gốc đã hết hy vọng thì vào tháng 8/2021, tác giả may mắn được liên hệ trực tiếp với bộ phận Phát triển Bộ Sưu tập của National Gallery Singapore và biết được bộ tranh minh họa Đại Lễ phục (bản gốc) đang nằm trong bộ sưu tập của Phòng Trưng bày.

Sau hơn 120 năm thăng trầm cùng lịch sử, bộ tranh minh họa trang phục cung đình Huế đầu thế kỷ XX được tái hiện từ ảnh chụp kỹ thuật số của National Gallery Singapore và giới thiệu đến đông đảo độc giả người Việt qua công trình nghiên cứu của Trần Minh Nhựt.

Giá trị của bộ tranh

Bộ tranh Grande Tenue de la Cour d’Annam thể hiện sự nhạy bén của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân trong việc tiếp thu nghệ thuật tạo hình phương Tây, đem lại những tác phẩm minh họa giàu cảm xúc và chân thực. Các bức minh họa của ông có thể được xem là nguồn tư liệu mới cho lịch sử trang phục Việt Nam, giai đoạn nghệ thuật tạo hình ở Huế cuối triều Nguyễn.

Trên phương diện mỹ học, trang phục cung đình triều Nguyễn mang vẻ đẹp của sự thống trị, được thể hiện qua cách phân cấp màu sắc trang phục, từ hoàng đế, hoàng hậu, hoàng thái hậu, cung giai, hoàng thái tử, hoàng tử, hoàng thân, công chúa, quan văn, quan võ cho đến binh lính.

tranh Hoàng tử - Công chúa - Phò mã (Triều phục của Hoàng tử; Lễ phục của Công chúa; Triều phục của Phò mã)
Tranh Hoàng tử - Công chúa - Phò mã (Triều phục của Hoàng tử; Lễ phục của Công chúa; Triều phục của Phò mã). Ảnh chụp từ sách.

Theo Trần Minh Nhựt, vẻ đẹp của áo mũ nhà Nguyễn được thể hiện qua hình thức đặc trưng bên ngoài và những quy định nghiêm ngặt của triều đình nhằm phân thứ bậc cụ thể cho từng đối tượng cụ thể. Dưới nét cọ tài hoa của Nguyễn Văn Nhân, vẻ đẹp ấy được miêu tả một cách sinh động, chân xác qua từng bức vẽ. Lật giở từng trang sách, người xem có thể chứng kiến những cảnh tượng tuyệt vời của một thời kỳ phong kiến huy hoàng ở Việt Nam. Qua đó, thấy được tài năng của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân - nhân vật lịch sử còn nhiều bí ẩn về cuộc đời và sự nghiệp.

“Tuy họa sĩ Nguyễn Văn Nhân không được tôn vinh trên mặt giấy như các nghệ sĩ cùng thời, nhưng thực tế, ông có nhiều đóng góp vô cùng ý nghĩa cho nghệ thuật minh họa Việt Nam nói chung và mỹ thuật Huế nói riêng giai đoạn đầu TK XX. Đứng trước thành tựu còn hạn chế về tranh minh họa thời cận - hiện đại, tác phẩm của ông trở thành một mảnh ghép quan trọng mới cho dòng nghệ thuật minh họa Việt Nam đã từng một thời rực rỡ” - Trần Minh Nhựt chia sẻ.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi nhận định, tranh của Nguyễn Văn Nhân đã vượt qua khỏi ranh giới của tranh minh họa. “Tranh Nguyễn Văn Nhân có màu sắc, bố cục rõ ràng, diễn tả đầy đủ chủ thể, đứng giữa tranh minh họa và tranh mỹ thuật”.

Họa sĩ Nguyễn Văn Nhân là ai?

Thân thế của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân cho đến ngày nay vẫn còn nhiều bí ẩn. Tuy nhiên, trong quyển sách này, Trần Minh Nhựt đưa ra một tư liệu giúp người đọc có thêm góc nhìn.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi và tác giả Trần Minh Nhựt (phải) chia sẻ với độc giả về quyển sách
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi và tác giả Trần Minh Nhựt (phải) chia sẻ với độc giả về quyển sách

Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn (tác giả tập sách Đại Lễ Phục Việt Nam thời Nguyễn 1802-1945), dựa vào lạc khoản khảo từ bức truyền thần của Tổ sư Hải Toàn - Linh Cơ và công trình L’Art à Hué, Nguyễn Văn Nhân sinh vào khoảng năm 1840, quê quán ở phường Kim Liên, tổng Kim Liên, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Ông là nghệ nhân truyền thần và trang trí (trước làm chức ký lục tại Tòa Khâm sứ Trung Kỳ và nghỉ hưu vào năm 1900).

Sau khi nghỉ hưu, ông cộng tác với học giả L. Cadière trong vai trò là người khởi xướng ý tưởng và được giao nhiệm vụ phụ trách phần đồ họa cho chuyên đề L’Art à Hué thuộc tập san B.A.V.H. Trong cuốn sách này có ghi danh ông là Nguyễn Văn Nhơn.

Cố linh mục Anton Nguyễn Trường Thăng cho rằng, Nguyễn Văn Nhân có thể là “bút tự” của một người tên là Nguyễn Khắc Nhân, gốc vùng Nam Định, được điều vào làm việc tại kinh đô Huế. Tại đây Nguyễn Khắc Nhân đã kết hôn với Công Huyền Tôn Nữ Thị Quyên. Cuộc hôn nhân này dẫn đến sự ra đời của ba cậu con trai là Nguyễn Phi Hổ (họa sĩ), Nguyễn Phi Long (nhiếp ảnh kiêm họa sĩ), Nguyễn Phi Hùng (họa sĩ).

Theo bà Mộng Hoàn (cháu ngoại của Nguyễn Khắc Nhân), Nguyễn Khắc Nhân là một họa sĩ cung đình triều vua Thành Thái. Ông cũng là một nhà sử học của triều đình. Công việc của ông là ghi lại các sự kiện của hoàng tộc. Hầu hết toàn thời gian ông làm công việc này bằng vẽ tranh, và những bức vẽ ấy hầu hết được vẽ bằng màu nước trên giấy gạo.

Ngoài ra, bà Mộng Hoàn còn cho biết cụ Nguyễn Khắc Nhân còn âm thầm hỗ trợ vua Thành Thái chống Pháp qua việc giúp vua tuyển nữ binh qua các bức họa chân dung.
Qua câu chuyện của người thân cụ Nguyễn Khắc Nhân, Trần Minh Nhựt cho rằng phần nhiều trùng khớp với các ghi chép lịch sử của nhà Nguyễn. Anh đặt câu hỏi liên hệ giữa nhân vật Nguyễn Khắc Nhân và bút hiệu Nguyễn Văn Nhân ghi trên bức truyền thần của Tổ sư Hải Toàn, cũng như chức quan của hai người này. Dù rất khó để xác định đâu là tên thật giữa những cái tên Nguyễn Văn Nhân / Nguyễn Văn Nhơn / Nguyễn Khắc Nhân nhưng các tư liệu trên là sở cứ để khẳng định các tên gọi ấy đều cùng là một người.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới