Hủy
Phong Cách Sống

Tắm rừng: Liệu pháp chữa lành

Cẩm Tú Thứ Hai | 28/04/2025 14:56

Để người dân thụ hưởng phytoncide, tại nhiều nước phát triển, các cơ quan chuyên trách về sức khỏe cộng đồng từ lâu đã đẩy mạnh hoạt động tắm rừng. Ảnh: TL

 
 
Hoạt động tắm rừng ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu, nhưng loại hình trị liệu an toàn, ít tốn kém này sẽ ngày càng lan tỏa và bài bản hơn.

Cách TP.HCM chỉ 1 giờ chạy xe, với hệ thực vật đa dạng, hang đá nguyên sơ và nhiều loại động vật, côn trùng hoang dã, núi rừng Tóc Tiên là nơi “đóng đô” của dự án Du lịch sinh thái Tâm Từ và Núi Rừng Đất Tiên, một dự án phi lợi nhuận được thực hiện bởi bà Trần Minh Vân, Giám đốc Công ty Quang Diệu, từ năm 2007. Năm 2004, sau 10 năm khai thác mỏ đá tại chân núi Thị Vải - Tóc Tiên, Công ty Quang Diệu quyết định ngưng khai thác đá, đồng thời thành lập Công ty Đất Tiên để nhận khoán trồng và chăm sóc 84 ha rừng. Hằng năm Công ty đầu tư từ 1-2 tỉ đồng cho chi phí phòng chống cháy rừng, chặt cây và bổ sung cây mới.

Thực hiện liên tục trong gần 20 năm qua, Công ty Đất Tiên không chỉ chăm sóc rừng mà còn bảo tồn hang đá và đất phẳng tự nhiên trên núi. Với tâm huyết bảo tồn rừng, nguồn nuớc và nối kết con người với môi trường thiên nhiên, Công ty mong muốn sự hợp tác, kế thừa từ nền tảng núi rừng Tóc Tiên cho những dự án du lịch sinh thái và hoạt động cộng đồng.

Đặc biệt, ngọn núi cao 433 m ở thành phố Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với những cánh rừng trên triền núi vẫn giữ được vẻ nguyên sơ, đang trở thành điểm leo núi thú vị. Đoạn thử thách nhất ở núi Tóc Tiên là quãng đường từ độ cao 66 m lên 197 m với dốc dựng đứng. Sau khi lên tới 267 m, đường đi ngang giúp người leo núi lấy lại sức để tiếp tục thử thách với con dốc dựng đứng khác trước khi lên đến đỉnh núi, nơi đặt mốc tọa độ quốc gia.

Có sự tìm hiểu về rừng, đặc biệt gắn bó và tình yêu sâu đậm với rừng Tóc Tiên, chị Minh Vân sau khi rút dần khỏi thương trường đã đi sâu hơn, giành thời gian học và nghiên cứu về khả năng trị liệu của rừng đối với sức khỏe con nguời. Theo chị, bầu không khí trong rừng có công dụng rất tốt cho sức khỏe tinh thần - thể chất của con người. Bởi vì trong các khu rừng đều có lan tỏa phytoncide, một hợp chất hữu cơ kháng khuẩn tự nhiên, do cây cối và thực vật phát ra. Phytoncide giúp cây chống lại sự phân hủy từ nấm và tự bảo vệ khỏi những côn trùng hoặc vi sinh vật nguy hại tấn công. Do lượng phytoncide trong rừng bao trùm như vòm dung môi, nên con người không chỉ nhận qua hệ hô hấp bằng hít thở, mà còn nhận được hợp chất kháng khuẩn này qua làn da. Khi tiếp xúc với lượng phytoncide lớn mang lại rất nhiều lợi ích về sức khỏe.

 

Để người dân thụ hưởng phytoncide, tại nhiều nước phát triển, các cơ quan chuyên trách về sức khỏe cộng đồng từ lâu đã đẩy mạnh hoạt động tắm rừng. Thuật ngữ Shinrin - Yoku (tắm rừng) lần đầu tiên được phát triển thành một hoạt động chăm sóc sức khỏe là vào năm 1982, do Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật tổ chức. Liệu trình của nó khá đơn giản: lấy việc đi bộ thật chậm trong rừng nhằm cảm nhận, tiếp xúc với thiên nhiên thông qua 5 giác quan, từ đó tạo ra những lợi ích về sức khỏe sâu sắc đối với con người.

Tại Hàn Quốc, hoạt động tắm rừng cũng được đẩy mạnh từ năm 2014, khi Chính phủ đầu tư 140 triệu USD nhằm thành lập “Trung tâm chữa bệnh rừng quốc gia”. Thậm chí, năm 2015, Quốc hội nước này còn ban hành cả Luật khuyến khích phúc lợi rừng. Ngoài ra, việc đào tạo đội ngũ hướng dẫn chữa bệnh trong rừng giúp hỗ trợ y tế cũng khá quan trọng, một nghề có vị trí cao tại Hàn Quốc đòi hỏi bằng cấp sau đại học. Bởi thế, tắm rừng ngày càng thu hút sự chú ý của người dân khi Hàn Quốc đón nhận số lượng lớn du khách tới thăm các khu rừng mỗi năm. Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc đã thường xuyên tiến hành đo huyết áp, nhịp tim du khách nhằm tập hợp cơ sở dữ liệu, tính toán liều lượng cần thiết: ví dụ như đi bộ 1 lần/tuần có duy trì huyết áp bình thường không hoặc nạp năng lượng rừng như thế nào là đủ.

Hiện tại, Chính phủ Hàn Quốc đã tổ chức liệu pháp tắm rừng cho cả các trường mẫu giáo, áp dụng tắm rừng để thuần dưỡng những kẻ bắt nạt, hỗ trợ điều trị người nghiện, bệnh nhân có vấn đề về sức khỏe tâm thần, lính cứu hỏa mắc chứng PTSD (rối loạn căng thẳng sau sang chấn) hoặc người bị căng thẳng liên quan đến các khía cạnh cuộc sống đô thị hiện đại...

Đã tham gia khóa học trị liệu rừng và đuợc cấp chứng chỉ tại Úc, chị Minh Vân cho biết Chính phủ Úc ngày càng dành nhiều ngân sách, nhân sự cho lĩnh vực tắm rừng, vì thấy được lợi ích từ việc người dân được chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất từ sớm, giúp phòng ngừa bệnh tật. Một ví dụ là các thành phố lớn của Úc đều có những trung tâm trị liệu được Chính phủ bảo trợ. Tại đó, các chuyên viên điều trị với đầy đủ chứng chỉ cần thiết được trả lương.

Theo chị Vân, những nơi có uy tín trong việc đào tạo và cấp chứng chỉ cho người hướng dẫn buổi trị liệu rừng chuyên nghiệp gồm có Liên minh Liệu pháp Thiên nhiên và Rừng Quốc tế (INFTA) đặt tại Úc và Đức. Các giáo sư và tiến sĩ làm việc tại những tổ chức này không ngừng mở rộng nghiên cứu ngày càng sâu rộng về y học rừng, để liệu pháp rừng tích hợp hiệu quả cho cả phát triển du lịch bền vững và tối ưu y tế cộng đồng (phòng ngừa bệnh tật và chữa bệnh không dùng thuốc). Những học viên theo học chương trình trị liệu rừng đến từ rất nhiều quốc gia, với các tiêu chí tuyển sinh như người học và nghiên cứu bằng tiếng Anh, có thói quen và phong cách sống giản dị, hòa mình với thiên nhiên, nhận thức cao về bảo tồn thiên nhiên hoang dã, có kiến thức về sinh học, địa lý...

Hoạt động tắm rừng ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu, nhưng chị Vân tin rằng loại hình trị liệu an toàn, ít tốn kém này sẽ dần lan rộng tại Việt Nam và sẽ ngày càng bài bản để trở thành hoạt động y tế như tại Úc, Đức, Hàn Quốc, Nhật và mang lại lợi ích sức khỏe cho cá nhân và cộng đồng. Điều này là xu hướng tất yếu khi quá trình đô thị hóa trong nước vẫn tiếp diễn mạnh mẽ, con người ngày càng dễ bị căng thẳng và mất kết nối với thiên nhiên.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới