Hủy

Đường nhựa thay nhựa đường

Thanh Hằng Thứ Năm | 09/05/2019 14:53

Ảnh: resource.co.

 
 
Dùng rác thải nhựa để làm đường mang lại triển vọng giải quyết vấn nạn rác thải nhựa dùng một lần tràn ngập ở Việt Nam.

Đoạn đường dài 1km bằng nguyên liệu từ rác thải nhựa đang được Dow Việt Nam xây dựng ở một khu công nghiệp sinh thái của Deep C nằm ở thành phố cảng Hải Phòng. Sẽ cần thử nghiệm thực tế về chất lượng con đường, sự phù hợp với thời tiết địa phương và tính kinh tế, nhưng việc đoạn đường làm từ rác thải nhựa đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam đã mở ra giải pháp giảm rác thải nhựa ở một quốc gia đang là điểm nóng về rác thải ra đại dương.

Dự kiến hoàn thành vào tháng 9.2019, đoạn đường sẽ chuyển hóa gần 4 tấn bao bì nhựa. Tập đoàn hóa chất có trụ sở ở Mỹ đã xây dựng hơn 90km đường giao thông từ rác thải nhựa tại Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Mỹ và họ đang ứng dụng những kỹ thuật đã thử nghiệm tại quốc gia láng giềng Thái Lan vào dự án tại Việt Nam lần này.

Tại Thái Lan, đường từ nhựa tái chế cho thấy độ bền cao hơn 15-30% so với cách làm truyền thống, đồng thời cũng chống thấm và chịu nhiệt tốt hơn, đại diện Dow Việt Nam cho biết. Tỉ lệ nhựa trong hỗn hợp nhựa đường biến động từ 2-10% tùy theo phương thức pha trộn. Nhựa tái chế có giá chỉ bằng phân nửa nhựa đường, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn tuy khác biệt không đáng kể.

Duong nhua thay nhua duong
 

“Dow cam kết mạnh mẽ trong việc chấm dứt rác thải nhựa, trong đó có việc tìm ra các giải pháp đổi mới sáng tạo nhằm biến rác thải nhựa thành những sản phẩm mới”, ông Ekkasit Lakkananithiphan, Tổng Giám đốc Dow Việt Nam, cho biết. Những loại nhựa dùng một lần không thể tái chế, thay vì kết thúc ở bãi chôn lấp hay thải ra biển, sẽ được sử dụng để làm những con đường. Không những giải quyết vấn đề về môi trường, việc này còn mở ra thị trường cho loại rác nhựa này, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.

Những con đường được tạo ra từ nhựa tái chế là minh chứng cho thấy rác thải nhựa có khả năng trở thành một nguồn tài nguyên tái tạo có giá trị, góp phần phát triển nền kinh tế tuần hoàn nhựa. Sau khi làm sạch, sấy khô và nghiền nhỏ, nhựa được trộn với nhựa đường ở nhiệt độ khoảng 150-180oC, giúp nâng cao độ bền cho con đường. Đường giao thông được làm từ nhựa tái chế còn có khả năng giảm khí thải nhà kính bằng cách thay thế một phần chất nhựa bitum cần có trong nhựa đường.

Thêm phụ gia để tăng tính chịu lực cho đường nhựa không phải là ý tưởng mới. Tại châu Âu vào những năm 1970, loại nhựa đường polyme đã được thương mại hóa và trở nên phổ biến. Giờ đây, Bắc Mỹ chiếm 35% thị trường toàn cầu. Nhựa đường được điều chỉnh từ nhựa polyme và đôi khi có cao su vụn từ lốp xe. Cực kỳ linh hoạt, chúng được sử dụng để xây đường giao thông ở bang Illinois của Mỹ, để giảm tiếng ồn ở bang Washington và ngăn chặn đường bị nứt ở vùng nông thôn Ontario.

Trong khi những con đường ở Mỹ được làm từ nhựa đường trộn với polyme, có một loại đường nhựa khác thanh đạm hơn được làm từ rác thải nhựa, polyme chất lượng thấp. Cách tiếp cận quan tâm đến môi trường trong việc làm đường đã được Ấn Độ phát triển 17 năm trước, để giải quyết vấn nạn xả rác đang gia tăng.

Năm 2002, Tiến sĩ Rajagopalan Vasudevan, người vừa được vinh danh là một trong những công dân cao quý nhất của Ấn Độ, đã xây dựng con đường dài khoảng 18m quanh khuôn viên trường đại học với nhựa đường bitum trộn với nhựa nung chảy từ rác thải nhựa. Kể từ khi ông nhận bằng sáng chế năm 2006, đã có 10.000km đường ở Ấn Độ được làm bằng công nghệ này.

Duong nhua thay nhua duong
 

Trong một làng chài ở miền Đông Nam Ấn Độ, một nhà máy tái chế thu mua lưới đánh cá bỏ đi và nấu chảy chúng thành nguyên liệu để tăng lực cho nhựa đường. Ngày nay, có hơn 33.000km đường từ nhựa ở Ấn Độ, một nửa ở bang phía Nam của Tamil Nadu. Hầu hết là đường nông thôn, nhưng một số ít con đường được xây dựng ở những thành phố như Chennai và Mumbai. Năm 2019, một con đường cao tốc nối Chennai với Villupuram của Ấn Độ áp dụng công nghệ đường nhựa này với phiên bản cải tiến, dự đoán giảm chi phí xây dựng đến 50%.

Trở lại với Dow Việt Nam, họ kỳ vọng dự án thu hút chính quyền địa phương, các đơn vị thu gom rác thải và chuỗi giá trị ngành nhựa cùng nhau giải quyết các vấn đề liên quan đến rác thải nhựa và rác đại dương ở Việt Nam. Tuy nhiên, “khó khăn lớn nhất của dự án cũng là việc kết nối các bên liên quan với nhau”, ông Ekkasit cho biết.

Lạc quan trước khả năng sử dụng rác thải nhựa để thay thế một phần nhựa đường trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, ông Đỗ Thanh Bái, Phó Chủ tịch Hội đồng Trách nhiệm xã hội các doanh nghiệp hóa chất Việt Nam, nhận định: “Điều quan trọng nhất là phải thu gom được chất thải nhựa sạch và được phân loại tại nguồn tốt. Đây là thách thức lớn nhất với Việt Nam hiện nay”.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới