Sợi tái chế: Tương lai mới của dệt may
Ảnh: QH
Năm 2016, khi các nhà sản xuất đồ thể thao lớn như Adidas, Nike, Speedo thành công trong việc ứng dụng nguyên liệu tái chế từ rác thải nhựa để sản xuất những dụng cụ thể thao trứ danh của mình, thì Sợi Thế Kỷ, một doanh nghiệp sản xuất sợi của Việt Nam, cũng đồng thời nhìn thấy cơ hội về một thị trường mới. Ba năm sau, loại sợi thân thiện môi trường này đã trở thành cứu tinh của họ khi tăng trưởng 118% trong khi mảng sợi nguyên sinh truyền thống tăng trưởng âm, trong bối cảnh ngành sợi Việt lao đao dưới tác động của thương chiến Mỹ - Trung.
“Hiện tượng dư cung ở Trung Quốc chỉ xảy ra với sợi nguyên sinh”, ông Chu Đức Toàn, chuyên viên phân tích ngành dệt may của VNDirect, nhận định. “Lợi thế của Sợi Thế Kỷ là sử dụng công nghệ có thể chuyển đổi qua lại giữa sản xuất các loại sợi, do đó các nhà máy hiện hữu của họ có thể hoàn toàn chuyển sang sản xuất đơn hàng tái chế nếu đơn đặt hàng gia tăng”, ông Toàn phân tích.
Yêu cầu xuất xứ của các hiệp định thương mại như CPTPP và EVFTA sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước để hưởng ưu đãi thuế quan. Điều này mở rộng miếng bánh của thị trường, giúp Sợi Thế Kỷ vẫn duy trì được lợi thế cạnh tranh trong thời gian tới, nhất là khi thị trường sản xuất sợi tái chế trong nước hiện chỉ có 2 người chơi là Sợi Thế Kỷ và Formosa, một doanh nghiệp FDI.
Nhận nhượng quyền sản xuất sợi tái chế từ Unifi, một trong những tên tuổi lớn trong ngành sợi tái chế từ Mỹ, Sợi Thế Kỷ tận dụng được lợi thế thương hiệu và nguồn cung ứng hạt nhựa tái chế để sản xuất loại sợi có biên lợi nhuận gần gấp đôi so với sợi nguyên sinh truyền thống, ở mức 23%.
Từ lâu, nền kinh tế tuần hoàn trong ngành thời trang đã hướng đến việc tái chế nguyên liệu đầu vào. Nguyên vật liệu thô rất đa dạng, từ bông, lông cừu đến sợi polyester tổng hợp từ dầu hỏa, những vật liệu này được sản xuất từ nhiều nguồn khác nhau, từ quần áo cũ đến chai nhựa đã qua sử dụng. Sợi polyester tái chế chủ yếu từ chai nước đã qua sử dụng, được rửa sạch rồi cắt thành những miếng nhỏ để đưa vào quá trình nung nóng rồi kéo thành sợi.
Ngày nay, sợi polyester chiếm đến 55% tổng lượng sợi sử dụng trong ngành công nghiệp thời trang, vì vậy không ngạc nhiên khi nhu cầu sợi tái chế sản xuất từ hạt nhựa lại lớn trong thời đại mọi hành động đều hướng đến giảm phát thải carbon và tái sử dụng tài nguyên.
Ngành công nghiệp lọc hóa dầu phát triển đã tạo ra nhiều loại polymer với những ứng dụng khác nhau trong đời sống, trong đó sợi polyester là một điển hình thành công khi đánh bại vị thế thống trị của sợi cotton vào những năm cuối thế kỷ XX. Năm 1990, sợi cotton chiếm hơn 60% sản lượng sợi toàn cầu trong khi sợi polyester chỉ chiếm khoảng 15%. Chỉ 17 năm sau, tình thế này đảo ngược hoàn toàn khi sợi polyester chiếm tỉ trọng lớn nhất (hơn 50% tổng sản lượng) và đẩy lùi tỉ lệ sử dụng sợi cotton xuống một nửa. Textile Exchange cho biết trong năm 2017, sợi polyester tái chế chiếm khoảng 14% trong tổng tiêu thụ sợi polyester toàn cầu. Tuy nhiên, con số thực tế có thể thấp hơn, cho thấy tiềm năng còn lớn đối với sản phẩm này.
Để phục vụ cho xu hướng tiêu dùng xanh, các nhà thương hiệu thời trang lớn đang gia tăng tỉ trọng vật liệu tái chế trong sản phẩm của mình. Trong khi Decathlon và Adidas kỳ vọng tăng tỉ trọng sợi tái chế lên 100% trong 2-5 năm tới tại một số thị trường, thì Puma và Nike cũng đang gia tăng tỉ lệ vật liệu bền vững trong sản phẩm của Công ty.
“Quy trình sản xuất sợi tái chế cũng tương tự như sản xuất sợi nguyên sinh. Tuy nhiên, vì sử dụng nguyên liệu tái chế nên việc sản xuất khó hơn”, bà Nguyễn Phương Chi, Giám đốc bộ phận phát triển chiến lược của Sợi Thế Kỷ, cho biết. Từ 8 khách hàng ban đầu, số lượng khách hàng của Sợi Thế Kỷ đã tăng gấp 10 lần sau 3 năm, trong khi tỉ lệ doanh thu sợi tái chế của Công ty đã tăng từ 6% lên 32%. “Chúng tôi dự đoán tỉ lệ này sẽ tăng nhanh hơn trong những năm tới khi các thương hiệu lớn đang tăng tỉ trọng sợi tái chế trong tổng lượng sợi sử dụng”, bà Chi nhận định.
“Ngành công nghiệp thời trang và dệt may có thể đóng vai trò dẫn đầu trong việc đạt được các mục tiêu quốc tế hướng tới một hành tinh khỏe mạnh và thịnh vượng”, European Clothing Action Plan đặt nhiều hy vọng vào ngành công nghiệp đang sử dụng 60-75 triệu người trên khắp các châu lục.
Có lẽ đã đến lúc các nhà sản xuất Việt Nam tiếp bước Sợi Thế Kỷ tham gia vào việc tạo dựng chuỗi sản xuất tuần hoàn này.
► Sợi tái chế sẽ là điểm sáng của Sợi Thế Kỷ trong nửa sau 2019?
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Thái Huệ