Bamboo Airways tăng vốn lên 7.000 tỉ đồng sau giãn cách xã hội
Ảnh: Quy Nhơn Tourist
Bamboo vẫn giữ mục tiêu thị phần 30% vào cuối năm 2020
Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) vừa thay đổi đăng ký kinh doanh với vốn điều lệ đến ngày 17.4 là 7.000 tỉ đồng, tăng gần 3.000 tỉ so với đầu năm và trở thành hãng bay có quy mô lớn thứ 2 sau Vietnam Airline (vốn điều lệ hơn 14.000 tỉ đồng) và cao hơn Vietjet Air (5.400 tỉ đồng).
Theo thông tin từ báo cáo tài chính, đến cuối quý I/2020, FLC là công ty mẹ của Bamboo Airways với sở hữu 52,11%. Trong đăng ký kinh doanh mới nhất, Bamboo Airways không có cổ đông nước ngoài, 100% cổ phần là vốn tư nhân trong nước.
Việc tăng vốn của Bamboo Airways thực hiện trong bối cảnh ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, khi nhu cầu đi lại sụt giảm mạnh do các biện pháp ngăn chặn sự lây lan. Các hãng hàng không nội địa cũng ghi nhận khoản lỗ kỷ lục trong quý đầu năm do ảnh hưởng của COVID-19.
Chịu tác động lớn nhất trong ngành là Vietnam Airlines với khoản lỗ hơn 2.600 tỉ đồng. Vietjet Air lỗ 989 tỉ đồng. FLC cũng báo lỗ đột biến gần 1.900 tỉ đồng trong quý I, dù doanh thu tăng hơn 50%.
Chia sẻ mới đây, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Bamboo Airways cho biết, COVID-19 không làm thay đổi mục tiêu thị phần năm 2020 của hãng, dù kế hoạch đội máy bay tối thiểu giảm từ 50 xuống 40 chiếc.
Bamboo Airways kỳ vọng sẽ chiếm 30% thị phần vào cuối năm nay với quy mô đội máy bay tăng lên tối thiểu 40 tàu. Hãng cũng cho biết vẫn hướng tới mục tiêu đội 50 tàu đặt ra hồi cuối năm 2019 nếu nhu cầu đi lại hồi phục tốt hơn dự kiến.
Chính sách nhà nước nhằm gỡ khó cho các hãng hàng không
Trước đó, nhằm giúp các hãng bay có thể nhanh chóng phục hồi, Bộ Tài chính đề xuất giảm 10-20% mức phí, lệ phí từ nay đến hết năm sau.
Theo dự thảo Thông tư đang được lấy ý kiến các bộ, ngành, Bộ Tài chính đề xuất giảm 10% mức thu, nộp phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay. Với một lượt cất/hạ cánh, mức thu hiện tại bảo đảm hoạt động bay là 165.000 đồng và 335.000 đồng với phí kinh doanh cảng hàng không.
Phí hải quan, lệ phí ra, vào cảng hàng không, sân bay với các chuyến bay nước ngoài đến Việt Nam cũng được đề xuất giảm 10%. Hiện mức phí ra, vào cảng hàng không, sân bay và phí hải quan đều cùng mức 50 USD một chuyến bay đến.
Ngoài ra, để gỡ khó cho các doanh nghiệp trong ngành hàng không, Bộ Tài chính cũng đề xuất giảm 20% loạt phí khác. Đơn cử, phí thẩm định cấp giấy phép, chứng chỉ; cơ sở thiết kế, chế tạo, bảo dưỡng, thử nghiệm máy bay giảm 4 triệu đồng, xuống còn 16 triệu đồng cho lần cấp đầu. Các lần cấp lại sau đó cũng được giảm phí, tùy thuộc vào lý do cấp lại.
Phí thẩm định cấp giấy phép khai thác cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay giảm 6 triệu đồng, còn 24 triệu đồng. Phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, kinh doanh hàng không vì mục đích thương mại giảm từ 20 triệu xuống 16 triệu đồng.
Các mức giảm phí, lệ phí lĩnh vực hàng không nếu được ban hành, sẽ thực hiện đến hết tháng 12.2020 và thu trở lại theo quy định hiện hành từ tháng 1.2021.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đề xuất Chính phủ gói hỗ trợ doanh nghiệp hàng không vượt khó khăn vì đại dịch, chẳng hạn giảm 50% giá cất/hạ cánh tàu bay và dịch vụ điều hành bay đi/đến với các chuyến bay nội địa.
Hàng không là ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất từ COVID-19. Báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam cho biết, ngành này có thể thiệt hại hơn 1 tỉ USD. Cơ quan này dự báo, khi dịch bệnh tới tháng 6 mới được đẩy lùi, thị trường vận chuyển hàng không giảm 23%, tương ứng tổng lượng vận chuyển chỉ đạt 45 triệu khách, sụt giảm tới 17% so với năm 2019.
► Ông Trịnh Văn Quyết thôi làm chủ tịch FLC Faros
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Kim Dung - Thanh Hằng
-
Minh Đức