Hủy
Tài Chính

Big 4 thiệt kép

Minh Đức Thứ Hai | 12/12/2022 08:00

Trong một thập kỷ qua, phần lớn thị phần gia tăng thuộc về các ngân hàng thương mại tư nhân, trong khi thị phần tín dụng của nhóm ngân hàng quốc doanh bị thu hẹp. Ảnh: Quý Hòa

Lộ trình cổ phần hóa và tiếp tục thoái vốn trong bối cảnh 4 ngân hàng quốc doanh đang có nhiều bất lợi so với các đối thủ từ khối tư nhân.
 

Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022-2025, trong đó có kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn tại nhóm “Big 4” ngân hàng cũng đã được đề cập. Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) có tỉ lệ vốn nhà nước dự kiến nắm giữ sau cổ phần hóa là từ 65% vốn trở lên.

Cần bổ sung hơn 10 tỉ USD

Trong một thập kỷ qua, phần lớn thị phần gia tăng thuộc về các ngân hàng thương mại tư nhân, trong khi thị phần tín dụng của nhóm ngân hàng quốc doanh bị thu hẹp. Một nguyên nhân là yêu cầu về vốn, tạo cơ hội cho các ngân hàng có nguồn lực tốt và gây áp lực lên các ngân hàng còn lại. Có thể thấy con số này qua cập nhật 9 tháng đầu năm 2022 đã có 7 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trên 10.000 tỉ đồng gồm Vietcombank (24.940 tỉ đồng), Techcombank (20.800 tỉ đồng), VPBank (19.837 tỉ đồng), MB (18.192 tỉ đồng), BIDV (17.677 tỉ đồng), VietinBank (15.764 tỉ đồng) và ACB (13.503 tỉ đồng). 

 

“Câu lạc bộ” 10.000 tỉ đồng có thêm ACB khi ngân hàng này báo lãi trước thuế tăng 50,6% so với cùng kỳ. Top 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất, ngoài 7 ngân hàng trên còn có SHB (9.035 tỉ đồng), HDBank (8.016 tỉ đồng) và VIB (7.800 tỉ đồng). Đáng chú ý, Techcombank trở thành ngân hàng tư nhân đầu tiên có vốn chủ sở hữu vượt 100.000 tỉ đồng. Một ngân hàng khác bước vào cuộc đua này là VPBank.
Vốn tăng chậm trong khi tổng tài sản tăng nhanh khiến hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước hiện chỉ ở mức 8,87% tại thời điểm cuối tháng 6/2022, nhỉnh hơn một chút so với quy định tối thiểu là 8% (với các ngân hàng đạt chuẩn Basel 2). Tỉ lệ này tại khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân là gần 12%. Hệ số CAR thấp khiến các ngân hàng có vốn nhà nước ngày càng bị co hẹp thị phần tín dụng (giảm từ trên 50% xuống còn 40%). Để duy trì hệ số CAR trên 10%, theo Fitch, hệ thống ngân hàng Việt Nam - chủ yếu là nhóm Big 4 - cần bổ sung hơn 10 tỉ USD.

Chênh lệch CAR ngày càng lớn

Với chênh lệch CAR như hiện tại, các ngân hàng ngoài quốc doanh tiếp tục có lợi thế lớn trong cuộc đua tăng trưởng, nhất là tăng trưởng tín dụng và do đó, lợi nhuận có thể tiếp tục tăng nhanh, thậm chí có thể bỏ xa các ngân hàng quốc doanh. Trong khi đó, một nghịch lý đối với các ngân hàng quốc doanh hậu cổ phần hóa là Nhà nước vừa muốn giữ tỉ lệ sở hữu cao (từ 65% trở lên) để điều tiết thị trường khi cần, nhưng ngân sách lại không rót thêm vốn. Điều này khiến dù nắm gần 50% thị phần nhưng vốn của các ngân hàng quốc doanh chỉ chiếm 23,6% toàn hệ thống. Vốn điều lệ quá mỏng khiến thị phần của nhóm ngân hàng này có nguy cơ tiếp tục giảm.

 

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, cho rằng: “Chỉ khi có nền tảng vốn vững mạnh, các ngân hàng có vốn nhà nước mới có thể hỗ trợ tốt cho nền kinh tế”.

Nhiều năm qua, nhóm Big 4 kiến nghị cho phép chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, thay vì chia cổ tức bằng tiền mặt. Tuy vậy, những năm gần đây, nhóm ngân hàng này vẫn phải chia cổ tức tiền mặt. Giải pháp tăng vốn còn lại là bán vốn cho đối tác ngoại được coi là khả thi nhất trong bối cảnh hiện nay.

Hiện BIDV và Vietcombank vẫn còn dư nhiều room ngoại để gia tăng vốn hơn các ngân hàng chưa niêm yết như room ngoại còn lại của Vietcombank là 6,4% và BIDV là 13,3%. Một thương vụ M&A lớn được mong đợi là Vietcombank chào bán riêng lẻ vốn. Nếu thương vụ thành công, ngân hàng này sẽ thu về xấp xỉ 30.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, cả 2 nhà đầu tư chiến lược của BIDV là KEB Hana Bank và Mizuho Bank (Vietcombank) đang sở hữu 15% cổ phần so với hạn mức là 20%. Trong khi đó, nhà đầu tư chiến lược của VietinBank (Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ) hiện sở hữu 19,7%, đã gần bằng với hạn mức quy định là 20%.

Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đang rất sốt ruột cổ phần hóa Agribank sau 15 năm rục rịch. Nhiều nút thắt cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang được tháo gỡ, trong đó có thể tách quá trình sắp xếp, xử lý nhà đất ra khỏi quá trình cổ phần hóa, kỳ vọng thúc đẩy Agribank cổ phần hóa nhanh hơn. Qua khảo sát của Agribank, phần lớn nhà đầu tư chiến lược phù hợp chỉ có ở Hàn, Nhật và các quỹ đầu tư Singapore. 

Nhiều năm qua, nhóm Big 4 kiến nghị cho phép chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, thay vì chia cổ tức bằng tiền mặt. Ảnh: Quý Hòa
Nhiều năm qua, nhóm Big 4 kiến nghị cho phép chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, thay vì chia cổ tức bằng tiền mặt. Ảnh: Quý Hòa

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank, cho rằng, việc bổ sung vốn điều lệ là cần thiết để Ngân hàng duy trì được tăng trưởng tín dụng, nhất là với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nếu không được khẩn trương cổ phần hóa và không được ngân sách cấp vốn, Agribank sẽ rất khó tăng vốn, nguy cơ hệ số CAR không đạt yêu cầu là rất lớn.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới