Hủy
Tài Chính

Các chỉ tiêu phản ánh giá trị của cổ phiếu?

Ngọc Tâm Thứ Hai | 11/04/2022 15:20

Ảnh minh họa: TL.

Cổ phiếu là một chứng thư chứng minh quyền sở hữu của cổ đông đối với một công ty cổ phần.
 

Cổ đông là người có cổ phần trong công ty thể hiện bằng số cổ phiếu đang nắm giữ. Theo Luật chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu là một loại chứng khoán được phát hành dưới dạng chứng chỉ hay bút toán ghi sổ, xác định rõ quyền sở hữu và lợi ích hợp pháp của người sở hữu cổ phiếu đối với tài sản hoặc vốn của công ty cổ phần. Các chỉ tiêu phản ánh giá trị của cổ phiếu bao gồm: Mệnh giá; thư giá hay giá trị sổ sách của cổ phần; giá trị thị trường hay thị giá của cổ phiếu và giá trị nội tại. 

 

Mệnh giá là giá trị ghi trên bề mặt của cổ phiếu, chứng nhận phần vốn điều lệ trên mỗi cổ phần. Mệnh giá được ghi rõ trong giấy phép phát hành và là cơ sở để xác định số lượng cổ phần tối đa mà công ty được phép phát hành. Ở Việt Nam, Luật chứng khoán quy định mệnh giá của cổ phiếu là 10.000 đồng. Do vậy nếu công ty có vốn điều lệ là 500 tỉ đồng thì số lượng cổ phiếu được phép phát hành tối đa là 50 triệu cổ phiếu. Mặc dù có mệnh giá nhưng mệnh giá không phải là giá trị thực mà chỉ là giá trị danh nghĩa của cổ phiếu. 

 

Thư giá hay giá trị sổ sách là giá trị của một cổ phiếu trên sổ sách kế toán của công ty. Thư giá không phản ánh đánh giá của nhà đầu tư đối với hoạt động hiện tại và triển vọng phát triển của công ty. Do vậy thư giá có thể thấp hơn hoặc cao hơn giá thị trường của cổ phiếu. Giá trị sổ sách trên một cổ phiếu có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc cấu thành nên chỉ số P/B dùng để so sánh giá cổ phiếu trên thị trường với giá trị sổ sách của doanh nghiệp.

 

Giá thị trường hay thị giá của cổ phiếu là giá giao dịch trên thị trường của cổ phiếu tại một thời điểm nhất định. Tùy theo quan hệ cung cầu mà giá trị thị trường có thể thấp hơn, cao hơn hoặc bằng giá trị thực của chính cổ phiếu tại thời điểm mua bán. Tổng giá trị thị trường của một cổ phiếu được gọi là vốn hóa thị trường. 

Giá trị nội tại tại là giá trị tiềm ẩn thuộc về bản chất của cổ phiếu, được quyết định bởi các yếu tố nội tại bên trong của công ty phát hành và các yếu tố bên ngoài thuộc môi trường kinh tế tài chính mà doanh nghiệp hoạt động và chứng khoán được giao dịch. Giá trị nội tại được xác định căn cứ đánh giá của nhà đầu tư về dòng cổ tức trong tương lai, hoạt động kinh doanh và rủi ro của cổ phiếu. 

Trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư thường “săn lùng” những cổ phiếu có thị giá thấp hơn giá trị nội tại hay còn gọi là bị thị trường định giá thấp” để mua vào. Ngược lại, nhà đầu tư sẽ có xu hướng bán ra các cổ phiếu có thị giá cao hơn giá trị nội tại. Các nhà đầu tư khác nhau sẽ có đánh giá khác nhau về cổ phiếu của công ty nên giá trị nội tại theo ước tính của họ có thể khác nhau.  

Có thể bạn quan tâm 

Nhận diện thao túng giá trên thị trường chứng khoán

Nguồn Theo Sách Tài chính Doanh nghiệp (Đại học Ngân hàng TP. HCM)


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới