Hủy
Tài Chính

Dệt Thành Công hưởng lợi kép

Thứ Hai | 19/11/2018 09:18

Dây chuyền sản xuất sợi của Dệt Thành Công. Ảnh: Quý Hòa

 
 
Các doanh nghiệp dệt may đang hưởng lợi từ cuộc chiến Mỹ - Trung, trong đó có Dệt Thành Công.

Trong 8 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu hàng dệt may đạt 19,4 tỉ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng kép CAGR đạt 12,8% trong giai đoạn 2010-2017. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo dài khiến doanh số ngành tăng trưởng khả quan, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt đang “thăng hoa” khi cổ phiếu và doanh thu tăng trưởng song hành. Một trong số đó là Dệt Thành Công (TCM).

Dệt may gặp thời

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, ngành dệt may Việt Nam đang được nâng đỡ bởi 2 trụ cột chính: căng thẳng thương mại Mỹ - Trung kéo dài và sự thay đổi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) theo hướng có lợi cho Việt Nam. Ngoài ra, trụ cột nâng đỡ phụ khác là tác động ẩn ước của việc đồng USD mạnh dần lên, giúp kích cầu tiêu thụ sản phẩm Việt Nam. Tham chiếu các yếu tố trên, Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự kiến kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may nửa cuối năm có thể đạt 18,5 tỉ USD, nâng tổng giá trị cả năm lên 35 tỉ USD, tăng trưởng ít nhất 1 tỉ USD so với kế hoạch.

Det Thanh Cong huong loi kep
 

Tháng 9 vừa qua, Mỹ đã áp thêm thuế lên 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ mỗi năm và Bắc Kinh đáp trả bằng cách tăng thuế đối với 60 tỉ USD hàng Mỹ. Trong danh sách hàng hóa 200 tỉ USD bị áp thuế, Mỹ yêu cầu áp mức thuế quan 25% với các mặt hàng dệt may gồm lụa, len hoặc sản phẩm lông động vật, bông (sợi, vải denim, vải satin), vải lanh, hàng dệt may nhân tạo, vải và các sản phẩm dệt may khác.

Chính sách thuế quan của Mỹ gián tiếp khiến hàng Việt Nam trở nên rẻ hơn so với hàng Trung Quốc và là một thế mạnh “thiên thời” khó gặp đối với doanh nghiệp trong nước khi Mỹ là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 47% tổng kim ngạch. Khái toán đến thời điểm hiện tại, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ tiệm cận 9,11 tỉ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ. Song doanh nghiệp chỉ nên xem là đây cơ hội để nâng cao chất lượng sản phẩm và củng cố thị phần tại nước ngoài, vì cạnh tranh khốc liệt hơn vẫn đang chờ ở phía trước.

Ngày 26.6.2018, EU và Việt Nam công bố bước đi mới của EVFTA, theo đó Hiệp định được chia làm 2 phần: hiệp định thương mại và hiệp định bảo hộ đầu tư. Hiện tại, hai bên đã chính thức hoàn tất việc rà soát pháp lý đối với EVFTA. Tuy nhiên, hiệp định bảo hộ đầu tư chỉ mới kết thúc thảo luận ban đầu. Như vậy, EVFTA có vẻ vẫn sẽ chưa được chính thức ký kết trong ngắn hạn.

Det Thanh Cong huong loi kep
 

Trong EVFTA, EU cam kết sẽ xóa bỏ gần như toàn bộ các dòng thuế (trên 99%) đối với hàng hóa Việt Nam theo lộ trình cụ thể, trong đó có khoảng 85% số dòng thuế được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Mặt hàng dệt may sẽ được xóa bỏ thuế quan theo lộ trình 7 năm kể từ khi chính thức có hiệu lực. Hiệp định trên dự kiến sẽ là trợ lực không nhỏ cho doanh nghiệp Việt xuất sang châu Âu.

Định giá thực của TCM

Tại Việt Nam, TCM thuộc số ít doanh nghiệp (cùng với Tổng Công ty Phong Phú) có được chuỗi hoàn thiện sợi - dệt - nhuộm - may. TCM tự sản xuất sợi và cung cấp cho nhà máy nên thuận lợi về chi phí đầu vào và còn tiết kiệm được chi phí vận chuyển khá lớn. Không những vậy, từ nguồn vải tự cung cấp, TCM chủ động các đơn hàng xuất khẩu và ít lệ thuộc vào nguồn cung bên ngoài.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 213 tỉ đồng, tăng 25,3% so với cùng kỳ, tương ứng 112,4% kế hoạch năm 2018 chủ yếu là do doanh thu 9 tháng đạt khoảng 2.827 tỉ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ và biên lợi nhuận 9 tháng đạt 17,6%, so với 15,9% cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận biên của TCM dự kiến sẽ tăng khi giảm quy mô sợi, tăng công suất may. Đến thời điểm này, TCM đã chuyển nhượng 1 nhà máy sợi (kỳ vọng lãi sau thuế khoảng 800.000USD) và đóng cửa 1 nhà máy sợi khác chủ yếu do công nghệ lạc hậu, hoạt động kém hiệu quả. TCM kỳ vọng biên lãi gộp mảng sợi sẽ cải thiện từ 3% lên 12% sau khi đóng cửa 2 nhà máy sợi nói trên. Biên lãi gộp của TCM đang có xu hướng cải thiện trong 4 quý gần đây.

TCM có thông tin về việc đối tác Sears Holdings đã nộp đơn xin phá sản. Trong đó, 2 công ty con của Sears có giao dịch với Công ty và chiếm 7% doanh thu của TCM. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2018, khoản phải thu đối với 2 đối tác này lần lượt là 61,4 tỉ đồng và 31 tỉ đồng trên 506 tỉ đồng khoản phải thu ngắn hạn.

TCM cho biết đã chủ động thương lượng và có các hành động pháp lý kịp thời để bảo vệ quyền lợi trong trường hợp Sears chính thức phá sản. Một điểm sáng là ESL, cổ đông của Sears, vẫn cam kết tài trợ thêm 300 triệu USD với kỳ vọng Sears sẽ vượt qua khó khăn. Đại diện TCM cũng cho biết, để thận trọng, Công ty sẽ  trích lập dự phòng trong quý IV/2018 sau khi đã trao đổi với  kiểm toán.

Det Thanh Cong huong loi kep
 

Theo Maybank Kim Eng, định giá của TCM là khá hấp dẫn. Giá cổ phiếu TCM đã giảm 28,5% từ mức đỉnh vào cuối tháng 9, qua đó phản ánh phần lớn rủi ro hệ thống nói chung và thông tin Sears phá sản nói riêng.

Tại mức giá 21.800 đồng, TCM đang được giao dịch tại P/E lũy kế năm 2018 khoảng 6 lần, khá hấp dẫn so với bình quân ngành dệt may là 9,8 lần.

 *Phân tích của Maybank Kim Eng chỉ có giá trị tham khảo


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới