Hủy
Tài Chính

Dịch vụ mặt đất, lợi nhuận trên không

Hồ Điệp Thứ Ba | 25/06/2019 16:00

Ảnh: QH

 
 
Không có phi đội bay lớn, nhóm doanh nghiệp dịch vụ ngành hàng không vẫn thu lợi nhuận trung bình 35%/năm.

Theo dự báo của IATA, ngành hàng không Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh nhất, trở thành thị trường lớn thứ 15 trong năm 2035. Theo đà tăng trưởng đó, năm 2025, lượng hành khách dự kiến thông qua các cảng hàng không Việt Nam là 185 triệu người. Trong 9 tháng đầu năm 2018, con số này là 79,3 triệu khách, với tỉ trọng khách quốc tế là 34%. Dựa vào tiềm năng lớn như vậy, ngành dịch vụ mặt đất với các dịch vụ như suất ăn hàng không, bán hàng miễn thuế, nhà hàng tại khu vực cách ly đều tăng trưởng mạnh nhờ khách quốc tế.

Lợi nhuận cao nhất ngành hàng không

Công ty Cổ phần Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SGN) trong năm 2018 có tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 1.288 tỉ đồng và 263 tỉ đồng. Hay Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), quản lý các sân bay dân dụng, mỗi tháng thu về hơn 1.300 tỉ đồng từ độc quyền dịch vụ hàng không. Đây là ví dụ điển hình về thời ăn nên làm ra của dịch vụ mặt đất tại sân bay.

Tương tự chuỗi giá trị ngành hàng không thế giới, ngành hàng không Việt Nam bao gồm các nhóm doanh nghiệp (1) Nhà sản xuất, cho thuê máy bay, (2) Doanh nghiệp cảng hàng không, (3) Vận tải hàng không, (4) Dịch vụ/nhà ga hàng hóa, (5) Đại lý giao nhận. Tại thị trường Việt Nam, một số tên tuổi lớn trong dịch vụ mặt đất có thể kể đến Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco (AST); Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco, mã SAS); Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS); ACV...

Dich vu  mat dat,  loi nhuan  tren khong
 

Theo Công ty Chứng khoán FPTS, nhóm doanh nghiệp nhà ga hàng hóa và dịch vụ có tỉ suất lợi nhuận ổn định và xu hướng gia tăng. Nếu năm 2014, tỉ suất lợi nhuận gộp là 35%, thì năm 2017, con số này là 43%. Trong 9 tháng đầu năm 2018, tỉ suất này lại cải thiện thêm 1 điểm phần trăm, nâng lên mức 44%. Lý do nhóm ngành này có lợi nhuận cao và ổn định vì tránh được nhiều yếu tố ảnh hưởng cố hữu của ngành như biến động giá dầu và chi phí bảo dưỡng cao như các hãng vận tải hàng không. “Đây là nhóm doanh nghiệp có tỉ suất lợi nhuận cao nhất ngành hàng không”, báo cáo FPTS nhận định.

Chi tiết hơn, mảng kinh doanh nhà hàng, cửa hàng miễn thuế luôn là “con gà đẻ trứng vàng” của các doanh nghiệp dịch vụ mặt đất. Lấy ví dụ của Taseco, doanh thu thuần năm 2018 của đơn vị này là 865 tỉ đồng (tăng trưởng 31%), với doanh thu từ kinh doanh nhà hàng, thức ăn nhanh đạt hơn 104 tỉ đồng. Đây là phân khúc mang lại lợi nhuận cao nhất cho doanh nghiệp, khi tỉ trọng lợi nhuận gộp luôn rất cao (bình quân 61,1%). Về mảng cửa hàng lưu niệm, doanh thu từ kinh doanh bách hóa lưu niệm đạt 449 tỉ đồng (tăng trưởng 32%), với lợi nhuận gộp là 64,7%.

Năm 2017, Sasco (đơn vị vận hành +84 Café) gây ngạc nhiên lớn khi lợi nhuận thu về tăng gấp 20 lần so với năm trước. Năm 2016, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này là 11,6 tỉ đồng; đến năm 2017, con số này là 234,1 tỉ đồng.

Dich vu  mat dat,  loi nhuan  tren khong
 

Bên cạnh dịch vụ ăn uống, khai thác nhà ga hàng hóa là một trong những mảng kinh doanh mang lại lợi nhuận lớn nhất trong chuỗi giá trị ngành hàng không với tỉ suất lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2018 đạt 66%, số liệu tính trên 2 doanh nghiệp niêm yết là Công ty Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCT) và Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS). Song, 2 doanh nghiệp đầu ngành này lại đang có tình hình kinh doanh khác nhau. Theo FPTS, NCT đang mất dần thị phần tại cảng hàng không Nội Bài, còn SCS đang là doanh nghiệp có đà tăng trưởng tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Lợi thế tương lai

Không chỉ tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi tại sân bay, một số doanh nghiệp nhóm ngành này còn đa dạng hóa chuỗi dịch vụ cung cấp, nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong tương lai. Trong trường hợp của Taseco, bên cạnh mảng kinh doanh hàng không cốt lõi, đơn vị này đang kinh doanh thương hiệu khách sạn 4 sao A La Carte. Năm 2018, mảng lưu trú, khách sạn mang về cho Taseco doanh thu 190 tỉ đồng, với tỉ suất lợi nhuận gộp là 37,2%. Về hoạt động kinh doanh quảng cáo, Taseco đang đẩy mạnh mảng hoạt động này, khi cung cấp lên đến 323 biển quảng cáo tại sân bay Nội Bài và Đà Nẵng. Doanh thu từ mảng này là 52 tỉ đồng năm 2018. Một số khách hàng của Taseco với giá trị hợp đồng lớn gồm: Samsung, Vingroup, BIDV, Habeco...

Dich vu  mat dat,  loi nhuan  tren khong
 

Không theo đuổi mô hình kinh doanh đa dạng hóa, chất lượng dịch vụ cốt lõi lại là sự quan tâm của VIAGS - công ty con của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (HVN). Bắt đầu từ tháng 10.2018, doanh nghiệp dịch vụ hàng không này đã cung cấp dịch vụ in-town-check-in, khi mà khách hàng được phục vụ check-in với chất lượng cao cấp hơn. “Việc mở rộng các dịch vụ tiện ích hướng HVN thành công ty hàng không mang chất lượng 4 sao”, báo cáo FPTS nhận xét.

Trong tương lai, tiềm năng của ngành hàng không nói chung và dịch vụ mặt đất nói riêng là rất khả quan. Trích nguồn từ IHS World Industry Service, tốc độ tăng trưởng kép giai đoạn 2016-2020 của ngành là 8,2%, cao hơn mức trung bình các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường hàng không Việt Nam, dịch vụ sân bay cũng cho thấy thế mạnh lớn và mức tăng trưởng cao, nhờ động lực tổng thể ngành.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới