Điểm rơi của lãi suất
Tháng 4 vừa qua, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng 23,88% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Quý Hòa
Tuần qua, Agribank là ngân hàng thứ 2 giảm 0,5% lãi suất cho vay đối với những khoản vay phát sinh mới, sau khi Vietcombank trước đó cũng công bố giảm lãi vay tương tự. Xu hướng các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay đang diễn ra bên cạnh việc cơ cấu lại nợ cho những khách hàng khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN. “Hoạt động cho vay nông nghiệp nông thôn của ngân hàng chúng tôi hiện chiếm thị phần trên 90% ở nhiều địa phương; riêng cho vay thu mua tạm trữ lúa gạo ngân hàng có mức lãi suất rất thấp”, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank, cho biết.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần giảm một số mức lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay trên thị trường. Tuy nhiên, theo bà Lý Kim Chi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, dù lãi suất cho vay đã hạ nhiệt nhưng chưa nhiều, xoay quanh mức 10%/năm. “Chúng tôi kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên giảm lãi suất điều hành thêm 0,5%/năm ngay trong tháng 5 này để thúc đẩy hơn nữa việc giảm lãi suất cho vay”, bà Chi nói.
Kiến nghị này cho thấy chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua chưa phát huy được tác dụng. Thị trường ghi nhận nhiều doanh nghiệp quá khó khăn đã phải bán tài sản đảm bảo để duy trì sản xuất. Một số ngân hàng đã đưa ra các gói vay ưu đãi nhưng doanh nghiệp không đạt được các điều kiện để tiếp cận. Tình hình này diễn ra trong bối cảnh tại TP.HCM, tháng 4 vừa qua, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng 23,88% so với cùng kỳ năm ngoái, số vốn đầu tư nước ngoài cũng giảm 23,45%.
Theo số liệu của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, gần 50% doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, giữ lao động, hầu như không có nhu cầu tín dụng do không có thị trường.
Cũng như TP.HCM, các chỉ số kinh tế của Việt Nam đang không được khả quan. Trong 4 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 7,8%). Trong tháng 4, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất đã giảm mạnh xuống chỉ còn 46,7 điểm, là tháng thứ 2 liên tiếp chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam ở dưới ngưỡng 50 điểm, phản ánh hoạt động sản xuất chế tạo đang bị thu hẹp. Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu hàng hóa luôn là điểm sáng của nền kinh tế cũng đã chững lại trong những tháng đầu năm...
“Qua ý kiến phản ánh của địa phương, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc điều kiện, nếu được sẽ giảm thêm lãi suất điều hành”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết. Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, đang có những tín hiệu tạo cơ hội để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất. Cụ thể, mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, song thị trường dự đoán Mỹ sẽ không còn tiếp tục tăng lãi suất được nữa, bởi nếu tăng, kinh tế Mỹ sẽ đi vào suy thoái sâu. Cùng với đó, đồng USD đang được dự đoán vẫn trong xu thế giảm. Đồng thời, thị trường kỳ vọng FED có thể bắt đầu giảm lãi suất điều hành kể từ quý IV/2023, sớm hơn so với dự báo trước đó là vào quý I/2024.
Áp lực tỉ giá giảm đáng kể và dự trữ ngoại hối tăng thêm 4 tỉ USD góp phần tạo dư địa cho quyết định cắt giảm lãi suất, nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nhiều ngân hàng phải giảm mạnh lãi suất huy động do đang dư thừa thanh khoản. Tốc độ tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế trong quý I/2022 khoảng 2%, cao hơn mức 1,26% của năm 2021, nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 5,04% của cùng kỳ năm 2022, cũng như mức trung bình giai đoạn 2013-2022.
Trước những quan ngại tiếp diễn đối với những khó khăn về kinh tế, các cơ quan chức năng đã đưa ra một loạt hỗ trợ chính sách, gồm có gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội, giảm 2% thuế VAT cho đến cuối năm 2023 và kế hoạch tái cấu trúc một số khoản vay. Cụ thể, đã xuất hiện một số dấu hiệu ban đầu về việc nới lỏng lập trường chính sách đối với ngành bất động sản, lĩnh vực đã đối mặt với khủng hoảng thanh khoản từ tháng 10 năm ngoái.
Đây là một trong những yếu tố tạo sức ép để lãi suất cho vay dự báo giảm mạnh trong thời gian tới. Nhiều dự báo cho thấy điểm rơi của lãi suất sẽ là quý II khi đà tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương đang dừng lại. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), áp lực từ lạm phát và tỉ giá hiện đã giảm bớt cho phép điều hành chính sách tiền tệ theo hướng hỗ trợ cho tăng trưởng. “Do đó, chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm thêm lãi suất, đưa mặt bằng lãi suất huy động về mức thấp hơn, qua đó giúp giảm lãi suất cho vay và kích thích tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới”, báo cáo BVSC nhấn mạnh.
Rõ ràng, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa nếu không có động thái tích cực hơn để hỗ trợ phục hồi đà tăng trưởng, thì kinh tế có nhiều nguy cơ tiếp tục lao dốc trong quý II.
Có thể bạn quan tâm:
Ngân hàng giảm tỉ lệ chi phí trên thu nhập xuống dưới 30% nhờ số hóa
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư