Hủy
Tài Chính

Dòng tiền lan tỏa, hơn 260 mã tăng giá ở sàn HOSE

Việt Hà Thứ Tư | 03/08/2022 18:00

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thể hiện sự phân hóa ở phiên giao dịch 3/8. Ảnh: VNDirect.

Phiên giao dịch 3/8 tiếp tục là phiên tăng điểm của thị trường với thanh khoản cao hơn trung bình 20 phiên gần nhất.
 

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa có phiên giao dịch khá giằng co và chốt phiên tăng hơn 8 điểm. Cụ thể, mở đầu phiên sáng 3/8, thị trường diễn biến khá giằng co trong biên độ hẹp khi chỉ số VN-Index có lúc giảm 2-3 điểm. Tuy nhiên, lực bán không mạnh trong cả phiên sáng. Đến phiên giao dịch chiều, lực cầu mua lên đã khiến nhiều cổ phiếu hồi phục, dòng tiền lan tỏa đến phần lớn các cổ phiếu trên thị trường. 

Kết phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng hơn 8 điểm, đóng cửa ở mức 1.249 điểm với độ rộng nghiêng hẳn về bên mua (269 mã tăng và 182 mã giảm). Trong khi đó, ở nhóm VN30 thể hiện sự phân hóa rõ khi nhóm này có 14 mã tăng và chỉ có 12 mã giảm. Điểm tích cực là ở phiên giao dịch này, thanh khoản thị trường tiếp tục duy trì ở mức cao với hơn 17.560 tỉ đồng được giao dịch ở sàn HOSE. 

Những nhóm ngành ảnh hưởng đến diễn biến của thị trường chung. Nguồn: VDSC.
Những nhóm ngành ảnh hưởng đến diễn biến của thị trường chung. Nguồn: VDSC.

Xét ở khía cạnh nhóm ngành, nhóm cổ phiếu ngân hàng, điện nước và tài nguyên môi trường tác động tích cực nhất đối với chỉ số chung. Trong khi nhóm cổ phiếu ngành bất động sản, công nghệ thông tin và bán lẻ là nhóm tác động tiêu cực nhất đối với thị trường. 

Mặc dù các thách thức và rủi ro hầu hết sẽ trở nên rõ ràng hơn vào năm 2023 hoặc 2024, Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI Research cho biết họ vẫn kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ có thể phản ánh trước tương lai và tạo đáy sớm hơn do các đợt điều chỉnh gần đây đã phản ánh được một phần những thách thức và rủi ro này. 

 

Trong kịch bản tốt nhất, SSI Research cho rằng chỉ số VN-Index có thể sẽ biến động theo xu hướng sideway cho đến khi các rủi ro và bất ổn lớn được giải quyết. Các ngành đang có sự phân hóa khá rõ nét với mức tăng trưởng lợi nhuận đạt đỉnh ở các thời điểm khác nhau. 

Một số ngành được dự báo triển vọng lợi nhuận không khả quan trong 1 - 2 quý tới, và trên thực tế giá cổ phiếu những ngành này đã bắt đầu điều chỉnh từ khi tăng trưởng lợi nhuận đạt đỉnh (ví dụ ngành thép với tăng trưởng lợi nhuận đạt đỉnh trong quý II/2021). Trong khi đó, tăng trưởng lợi nhuận ở một số ngành khác có thể vẫn chưa đạt mức đỉnh. SSI Research khuyến nghị giảm tỉ trọng đối với những ngành mà tăng trưởng lợi nhuận đã đạt đỉnh trong quý II hoặc quý III năm 2022. 

“Chúng tôi tin rằng năm 2023 sẽ là một năm tăng trưởng dựa vào hoạt động đầu tư. Các gói kích thích kinh tế có thể sẽ giải ngân mạnh hơn trong nửa cuối năm 2022, nhưng chúng tôi dự đoán phần lớn các gói kích thích này sẽ được giải ngân vào năm 2023. Mặt khác, FDI vẫn là động lực quan trọng đối với tăng trưởng của Việt Nam. Cả hai yếu tố này sẽ là chủ điểm đầu tư của Việt Nam trong dài hạn”, SSI Research nhận định. 

Có thể bạn quan tâm 

Khối tự doanh liên tục mua ròng khi VN-Index vượt 1.200 điểm


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới