Tôn Đông Á rút hồ sơ niêm yết HOSE

Toàn cảnh nhà máy Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Tondonga
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) thông báo đã nhận được công văn kèm theo Nghị Quyết Hội đồng Quản trị của Công ty Cổ phần Tôn Đông Á về việc rút hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu.
Lý do xin rút hồ sơ là do tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước dẫn đến kết quả kinh doanh năm 2022 toàn ngành nói chung và Công ty Cổ phần Tôn Đông Á nói riêng không khả quan. Công ty chưa đáp ứng được các điều kiện niêm yết theo quy định tại điểm a và điểm c Khoản 1 Điều 109 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP.
Như vậy, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM sẽ ngừng việc xem xét hồ sơ niêm yết của Công ty Cổ phần Tôn Đông Á. Trường hợp Công ty nộp lại hồ sơ, Sở Giao dịch sẽ thực hiện xem xét hồ sơ lại từ đầu.
![]() |
Công ty Cổ phần Tôn Đông Á thành lập ngày 5/11/1998 với tên gọi Công ty TNHH Đông Á, sau đó đổi thành Công ty TNHH Tôn Đông Á vào năm 2004. Năm 2009 được xem là một bước ngoặt lớn của Tôn Đông Á khi chuyển đổi từ hình thức công ty TNHH sang công ty cổ phần để phù hợp với tình hình mới, hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước và thế giới.
Công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thép lá mạ, các sản phẩm chính là thép cán nguội (tôn đen), thép mạ kẽm (tôn kẽm), thép mạ hợp kim nhôm kẽm (tôn lạnh) và tôn lạnh phủ sơn (tôn lạnh màu). Các sản phẩm khác là thép cán nguội phủ sơn (tôn đen màu), tôn kẽm phủ sơn (tôn kẽm màu), thép tẩy rỉ phủ dầu…
Công ty hướng đến các sản phẩm tôn chất lượng cao, do đó các nguyên vật liệu làm tôn thường được chọn lọc, nhập từ các nhà cung cấp có uy tín như JFE, Kobe, Nippon (Nhật Bản), Posco (Hàn Quốc), Baosteel (Trung Quốc)...Một số công ty con hay đại lý của Công ty sản xuất gia công các sản phẩm cuối cùng như các loại ống thép, xà gồ, tôn lợp thành phẩm.
![]() |
Nguồn: Tổng cục Thống kê Việt Nam. |
Tôn Đông Á rút hồ sơ niêm yết trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn. Quý đầu năm 2023, tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,32%, nếu không xét thời điểm nền kinh tế bị tác động tiêu cực bởi COVID-19 (2020-2021) thì đây là mức tăng trưởng theo quý thấp nhất kể từ quý I/2009.
Nhìn từ góc độ sử dụng, bức tranh tăng trưởng kinh tế đã xấu đi đáng kể. Trong đó, tiêu dùng cuối cùng chỉ tăng 3,0%, tương đương mức tăng vào quý I/2020 và thấp hơn đáng kể mức tăng bình quân của nhóm này trong những giai đoạn không phải dịch bệnh. Đầu tư tích luỹ tài sản gần như không tăng trưởng trong quý I/2023 trong khi bức tranh xuất nhập khẩu yếu đi đáng kể. Trong quý I/2023, xuất khẩu giảm 11,9% và nhập khẩu giảm 14,7% so với cùng kỳ.
Tác động của sự sụt giảm của nhu cầu từ bên ngoài đối với Việt Nam cũng thể hiện rõ qua tăng trưởng GRDP của một số tỉnh thành có quy mô sản xuất công nghiệp lớn và tập trung FDI như Bắc Ninh và Quảng Nam đều giảm trên 10% so với cùng kỳ. Trong khi đó, TP. HCM vốn là đầu tàu tăng trưởng kinh tế của cả nước cho thấy bức tranh kém tích cực khi tăng trưởng GRDP trong quý I/2023 chỉ đạt 0,7%.
Có thể bạn quan tâm
Chứng khoán Phú Hưng xin rút hồ sơ niêm yết tại HOSE
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư

Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Hải Vân
-
Nguyễn Mai