FDI cũng đua IPO

Doanh nghiệp FDI đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu. Ảnh: TL
Tập đoàn chăn nuôi Thái Lan, Charoen Pokphand Foods (CP Foods, CPF) thông báo sẽ tăng tốc quá trình chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Việt Nam. Thực tế, thị trường Việt Nam đang rất thuận lợi với hoạt động kinh doanh của CPF. Kể từ năm 2020, doanh thu của CPF tại Việt Nam đã vượt 100 tỉ baht (khoảng 76.000 tỉ đồng), với đỉnh hơn 125 tỉ baht vào năm 2022. Sang năm 2023, doanh thu giảm 7%, còn 116 tỉ baht, sau đó tăng lại 5%, lên 122 tỉ baht vào năm 2024 (khoảng 93.000 tỉ đồng).
Cùng với CPF, nhằm đón sóng nâng hạng chứng khoán, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng như FDI cấp tập kế hoạch lên sàn. Chẳng hạn, có thông tin về việc BW Industrial, liên doanh giữa Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC) và Warburg Pincus, lên kế hoạch IPO tại Việt Nam. Bên cạnh đó, khá nhiều doanh nghiệp FDI hoạt động hiệu quả tại Việt Nam có nhu cầu niêm yết cổ phiếu như C.P. Việt Nam, Phú Mỹ Hưng, AEON Việt Nam...
![]() |
Những thông tin tích cực này đến vào thời điểm năm ngoái, với việc chỉ có 1 thương vụ diễn ra khiến Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng IPO thị trường Đông Nam Á của Deloitte. Để gỡ khó cho vấn đề này, về pháp lý, sắp tới đây, việc IPO và niêm yết sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi nghị định mới có nội dung tích hợp vấn đề niêm yết của doanh nghiệp FDI sẽ được Chính phủ ban hành.
Trong giai đoạn 2003-2008, thị trường chứng khoán từng có một làn sóng các doanh nghiệp FDI lên sàn. Tuy nhiên, kể từ năm 2017 đến nay, ngoài 11 doanh nghiệp FDI đã niêm yết, không có thêm một cái tên mới nào. Thời gian qua, bức tranh niêm yết của các doanh nghiệp FDI có phần mờ nhạt so với sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tại thời điểm 31/12/2024, vốn hóa thị trường của 10 doanh nghiệp FDI trên sàn đạt gần 14.470 tỉ đồng, chỉ chiếm khoảng 0,2% vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tình trạng kinh doanh yếu kém của nhóm doanh nghiệp FDI phần nào lý giải cho sự mờ nhạt của họ trên sàn chứng khoán Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Tài chính, đến cuối năm 2023, có hơn 50% doanh nghiệp FDI trong tổng số 29.000 doanh nghiệp, báo lỗ với tổng giá trị lỗ lũy kế gần 1 triệu tỉ đồng. Bên cạnh đó, việc hiện tượng chuyển giá không chỉ làm thất thu thuế, mà còn làm méo mó hoạt động kinh doanh của khối này.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp FDI hoạt động hiệu quả có nhu cầu niêm yết cổ phiếu trong bối cảnh thu hút FDI vẫn tăng trưởng tích cực. Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), 2 tháng đầu năm 2025 vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đạt 6,90 tỉ USD, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm 2024. Đây được đánh giá là dòng vốn đầu tư nước ngoài thực hiện cao nhất trong 2 tháng của 5 năm vừa qua, chứng tỏ môi trường đầu tư Việt Nam vẫn có sức hút rất lớn đối với các doanh nghiệp nước ngoài.
![]() |
“Cần khẩn trương cho phép các doanh nghiệp FDI có điều kiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và lãnh đạo Chính phủ đã nhận được rất nhiều văn bản của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đề nghị sớm triển khai nội dung này vì Luật Chứng khoán năm 2019 đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2021”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Doanh nghiệp FDI đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu, chiếm khoảng 70-74% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nếu các doanh nghiệp FDI đang đẩy nhanh kế hoạch niêm yết sẽ giúp họ thu hút dòng vốn mạnh mẽ có thể chảy vào thị trường trong thời gian tới, tạo lợi thế cạnh tranh trong huy động vốn.
Những doanh nghiệp FDI lớn sẽ trở thành lượng hàng hóa bổ sung chất lượng cho thị trường chứng khoán nếu đủ điều kiện và đủ cơ chế, pháp lý cho các doanh nghiệp thực hiện. Chẳng hạn, doanh nghiệp như C.P. Group có quy mô doanh thu hơn 3,5 tỉ USD đang dẫn đầu trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. Còn quỹ đất công nghiệp của BW Industrial khoảng 1.000 ha phân bổ ở 58 dự án tại 12 tỉnh, thành Việt Nam, đang gặp nhiều thuận lợi trong làn sóng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam.
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, đánh giá các quỹ đầu tư hiện chỉ tập trung vào rổ VN30 và một số doanh nghiệp lớn. Trong nhiều trường hợp, các nhà đầu tư nước ngoài lại bị cơ chế hết room nên không giải ngân được, do đó việc bổ sung doanh nghiệp FDI sẽ tạo ra lựa chọn phong phú hơn cho dòng vốn ngoại. Điều này trở nên quan trọng khi cùng với triển vọng nâng hạng thị trường, vào thời điểm quý III, quý IV/2025, khả năng cao dòng vốn ngoại sẽ quay lại, thị trường kỳ vọng đạt 1.500 điểm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng làn sóng IPO và niêm yết lên sàn chứng khoán sẽ là chất xúc tác mạnh thu hút dòng vốn ngoại quay trở lại, bên cạnh các yếu tố thường được nhắc đến như nâng hạng, triển khai KRX và làn sóng FDI.
Bên cạnh đó, với hiệu quả sử dụng vốn cao, việc đầu tư vào các doanh nghiệp FDI có thể mang lại lợi nhuận tốt hơn cho nhà đầu tư, góp phần nâng cao vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam trên bản đồ tài chính quốc tế.
Có thể bạn quan tâm
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư

Tin cùng chuyên mục
-
Kim Dung
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Kim Dung