Hủy
Góc nhìn chuyên gia

Góc nhìn về hơn 300.000 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn năm 2024

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc Thứ Năm | 15/02/2024 16:06

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Bộ Tài chính.

 
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định thị trường trái phiếu doanh nghiệp (trái phiếu doanh nghiệp) năm 2024 sẽ dần lấy lại niềm tin của đầu tư.

Theo chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, khối lượng trái phiếu đáo hạn năm 2024 cũng ở mức tương đối cao, khoảng 301.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, so với bối cảnh giai đoạn cuối năm 2022 và các tháng đầu năm 2023 khi vụ việc ngân hàng SCB xảy ra, kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính, tiền tệ hiện nay đều ổn định hơn rất nhiều. Đây là các điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, có dòng tiền để thực hiện nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi với nhà đầu tư. Đối với từng ngành, lĩnh vực có đặc điểm hoạt động riêng, theo đó mức độ phục hồi, phát triển khác nhau. 

 

Riêng đối với lĩnh vực bất động sản, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng thị trường đã có dấu hiệu phục hồi, số lượng dự án đã hoàn thành quý IV/2023 là 29 dự án, cao hơn so với số dự án đã hoàn thành trong quý III/2023 là 21 dự án, quý II/2023 là 7 dự án, quý I/2023 là 14 dự án. Sau khi Luật kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai được Quốc hội thông qua, các khó khăn pháp lý cho thị trường bất động sản đã từng bước được tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm hoàn thành dự án, có dòng tiền để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà đầu tư.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp nằm trong tổng thể thị trường tài chính, có mối quan hệ chặt chẽ với diễn biến kinh tế vĩ mô trong, ngoài nước và các chính sách điều hành vĩ mô tổng thể, các giải pháp tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản, tín dụng ngân hàng, chứng khoán. Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ, kể từ quý II/2023 tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu cải thiện và tâm lý nhà đầu tư đã dần ổn định trở lại, một số tổ chức chủ động mua lại trái phiếu để cơ cấu lại nguồn vốn, hoạt động đàm phán cơ cấu lại trái phiếu tiếp tục được triển khai giúp tổ chức phát hành trước mắt có thêm thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh và tạo ra dòng tiền trả nợ, tháo gỡ áp lực thanh khoản.

Một số yếu tố ảnh hưởng tích cực đến sự phục hồi của thị trường như các doanh nghiệp đang tiếp tục thực hiện quy định về hoán đổi, đàm phán để thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác và các trái phiếu đã phát hành trước ngày 16/9/2022 được đàm phán để kéo dài kỳ hạn tối đa không quá 02 năm. Qua đánh giá tình hình triển khai Nghị định 08/2023/NĐ-CP, chính sách này đang tương đối hiệu quả. Tính đến hết năm 2023, 57,3% khối lượng trái phiếu chậm trả nợ đã có phương án đàm phán, trong đó 6,8% đã thanh toán một phần gốc, lãi cho nhà đầu tư, 50,4% đã đàm phán để cơ cấu lại nợ trái phiếu.

 

Kinh tế vĩ mô phục hồi, các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính tốt, hoạt động sản xuất-kinh doanh ổn định, có khả năng thanh toán nợ đến hạn phát hành mới, từ đó xây dựng lại niềm tin cho nhà đầu tư và củng cố tâm lý cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng và thị trường vốn nói chung. 

Với các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và tác động của 02 Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai vừa được Quốc hội thông qua, dự kiến năm 2024 sẽ có thêm nhiều dự án được hoàn thành và bàn giao, tạo dòng tiền cho doanh nghiệp bất động sản. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất hiện nay ở mức tương đối thấp, các doanh nghiệp có dự án tốt, phương án kinh doanh khả thi có thể tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo dòng tiền để thực hiện các nghĩa vụ nợ, trong đó có nghĩa vụ nợ trái phiếu doanh nghiệp.

Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng tích cực đến sự phục hồi của thị trường là các doanh nghiệp còn dư nợ trái phiếu có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu, chủ động minh bạch hóa thông tin tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp thông qua kết quả xếp hạng tín nhiệm, kiểm toán báo cáo tài chính, công bố đầy đủ thông tin về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu, tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu, có trách nhiệm thanh toán đầy đủ nghĩa vụ nợ trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố thông tin cho nhà đầu tư để đảm bảo uy tín trên thị trường.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về khung khổ pháp lý và tăng cường công tác thanh tra, giám sát, cùng với tình hình kinh tế vĩ mô được cải thiện, thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 sẽ dần lấy lại niềm tin của đầu tư, tiếp tục đóng vai trò là kênh huy động vốn trung dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp. 

Có thể bạn quan tâm 

10 chủ đề lớn cần lưu tâm trong năm 2024: Nắm bắt cơ hội trong một thế giới phức tạp

Nguồn Theo Bộ Tài chính


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới