Hủy
Góc nhìn chuyên gia

Kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023

Ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng VinaCapital Chủ Nhật | 23/04/2023 07:54

 
 
Nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng đã được thực hiện giúp kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội phục hồi.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm từ 8% vào năm 2022 xuống chỉ còn 3,3% trong quý I, buộc Chính phủ phải đưa ra nhiều giải pháp​​ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chúng tôi tin rằng các nhà hoạch định chính sách có thể khắc phục tình trạng tăng trưởng chậm và kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023 mặc dù sẽ khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay. 

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện nay chậm lại một phần là do nhu cầu đối với các sản phẩm “Made in Vietnam” của người tiêu dùng Mỹ giảm. Đơn đặt hàng tại các nhà máy FDI ở Việt Nam có khả năng phục hồi trong nửa cuối năm và sẽ giúp thúc đẩy kinh tế phục hồi vào cuối năm nay. Sản xuất đóng góp gần 1/4 GDP của Việt Nam và sản lượng giảm nhẹ trong quý I2023 so với mức tăng trưởng 9% vào năm 2022 do hầu hết các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam được xuất khẩu sang Mỹ và các nước phát triển khác.

Điều đáng chú ý là tỉ  lệ thương mại quốc tế trên GDP của Việt Nam cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong lịch sử hiện đại (ngoại trừ các nền kinh tế nhỏ như Hồng Kông & Singapore), vì vậy nhu cầu sụt giảm ở phần còn lại của thế giới gây áp lực khá lớn lên nền kinh tế Việt Nam.

Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam giảm 12% so với cùng kỳ trong quý I, do xuất khẩu sang Mỹ giảm 20%. Trong khi đó,hàng tồn kho tại các nhà bán lẻ Mỹ và các doanhnghiệp tiêu dùng khác như Nike và Lululemon hiện đang giảm, vì vậy chúng tôi kỳ vọng đơn đặt hàng tại các nhà máy FDI sẽ bắt đầu phục hồi vào nửa cuối năm nay (tăng trưởng hàng tồn kho tại các nhà bán lẻ của Mỹ ở mức hơn 20% so với cùng kỳ vào cuối năm 2022, hiện ở mức khoảng 10% và có vẻ như sẽ giảm xuống mức tăng trưởng 0% so với cùng kỳ năm ngoái trong nửa cuối năm – điều này sẽ làm phục hồi tăng trưởng đơn hàng trở lại cho các nhà máy FDI tại Việt Nam).

Bộ Tài chính Việt Nam đã hoàn tất kế hoạch cắt giảm thuế GTGT của Việt Nam từ 10% xuống 8% trong nửa cuối năm 2023, tương đương với việc kích thích khoảng 1,5 tỉUSD cho nền kinh tế 450 tỉUSDcủa Việt Nam. Chính phủ cũng sẽ cho phép các cá nhân và tổ chức trì hoãn từ 3 đến 6 tháng trong việc thanh toán các loại thuế khác nhau. Tháng trước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cắt giảm lãi suất chính sách ở Việt Nam từ 50-100 điểm cơ bản. 

Phát triển bất động sản (chiếm gần 10% GDP của Việt Nam) về cơ bản đã bị đình trệ, phần lớn là do những khó khăn mà các công ty bất động sản đang gặp phải khi xin phê duyệt để tiến hành dự án. Chính phủ cũng đưa ra gói cho vay trợ cấp trị giá 5,1 tỉUSD để hỗ trợ phát triển hơn một triệu nhà ở xã hội mới (các khoản vay hỗ trợ lãi suất sẽ được cung cấp cho người mua nhà và chủ đầu tư thông qua các ngân hàng thương mại nhà nước) và thành lập tổ nhóm công tác mới để xem xét và loại bỏ những trở ngại mà các nhà phát triển bất động sản gặp phải khi tiến hành dự án.

Với mục tiêu tăng giải ngân cho đầu tư công khoảng 40% vào năm 2023 (lên 30 tỉUSD), Chính phủ cũng đã thành lập Tổ công tác đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công trong năm nay. Dẫu vậy, chi tiêu cho đầu tư công chỉ tăng chưa đến 20% so với cùng kỳ trong quý I.

Cuối cùng, ngoài các biện pháp hành chính nêu trên, Chính phủ cũng đưa ra một số định hướng cho các ngân hàng nhằm tạo điều kiện trong việc cơ cấu lại thời gian trả nợ dành cho các nhà phát triển bất động sản cũng như cho những doanh nghiệp khác, mặc dù chi tiết của những đề xuất hoãn trả nợ này vẫn đang được xem xét thêm.

Với chính sách nới lỏng tiền tệ, chúng tôi tin rằng mức trung bình của lãi suất huy động 12 tháng giảm 200 điểm cơ bản so với lãi suất của đầu năm nay (xuống khoảng 6%) để thúc đẩy thị trường bất động sản Việt Nam phục hồi và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nói chung. NHNN gần đây đã cắt giảm lãi suất chính sách 50-100 điểm cơ bản và đã gây áp lực giảm lên lãi suất huy động dài hạn – vốn đã giảm khoảng 50 điểm cơ bản so với đầu năm – nhưng để lãi suất tiền gửi giảm hơn nữa, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ cần phải cải thiện đáng kể.

 

Tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam cao hơn tăng trưởng tiền gửi khoảng 3% hàng năm trong vài năm qua. Điều này đã đẩy lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) của các ngân hàng lên mức quá cao, khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất tiết kiệm để tăng lượng tổng huy động. Chính phủ đang giải quyết tình trạng thiếu hụt thanh khoản bằng một số cách, trong đó cách quan trọng nhất là mua USD từ các ngân hàng thương mại để tăng dự trữ ngoại hối.

Chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ mua khoảng 25 tỉ USD dự trữ ngoại hối trong năm nay, điều này sẽ bơm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng một cách đáng kể có khả năng thúc đẩy tiền gửi trên toàn hệ thống tăng trưởng thêm 4% trong năm nay, giả thiết các điều kiện khác không đổi, vì NHNN thường mua USD từ các ngân hàng thương mại trong nước. 

Cuối cùng, NHNN đã cắt giảm 50 điểm cơ bản đối với mức lãi suất huy động tối đa áp dụng cho kỳ hạn dưới 6 tháng vào tháng trước. Lãi suất tiền gửi ngắn hạn ở Việt Nam đã đạt đỉnh vào cuối năm 2022 và việc cắt giảm lãi suất chính sách vào tháng 3 sẽ gây thêm áp lực cho lãi suất huy động giảm. Do đó, trong quý II và quý IIIsẽ có nhiều khoản tiền gửi ngân hàng đáo hạn và người gửi tiết kiệm sẽ phải lựa chọn tái tục tiền gửi với lãi suất thấp hơn hoặc dùng số tiền đó đầu tư vào thị trường chứng khoán (phần lớn tiền gửi ở Việt Nam có kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng).


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới