Thông điệp tích cực nhất khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất
Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán SSI. Ảnh: TL.
Bám sát nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, người dân để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh đó lạm phát trong nước được kiểm soát, đồng thời tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng đã nỗ lực tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất huy động, do đó để tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ 15/3/2023.
Theo đánh giá của ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng, Công ty Chứng khoán SSI, nếu chỉ nhìn đơn thuần về mặt tin tức thì mọi người sẽ thấy Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất và điều đó là rất tốt cho thị trường tài chính. Bởi lẽ, khi lãi suất giảm thì những hoạt động đầu tư sẽ tốt hơn.
Tuy nhiên theo ông Hưng, nếu nhìn một cách kỹ hơn thì chúng ta sẽ thấy hầu hết các mức lãi suất chủ đạo vẫn giữ nguyên như cũ. Ví dụ như là lãi suất tái cấp vốn hay trần lãi suất tiền gửi vẫn giữ nguyên. Hay mức lãi suất trên thị trường OMO (Nghiệp vụ ngân hàng mở là việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện mua bán giấy tờ có giá trị với các thành viên để kiểm soát cung tiền) vẫn quanh mức 6%.
“Các mức lãi suất được thay đổi theo quan sát của tôi nó cũng không phải là những lãi suất quá quan trọng trên thị trường. Như thế thì thông điệp ở đây có thể đưa ra là khả năng tăng lãi suất là không có. Cho nên thông điệp chúng ta có thể hiểu một cách tích cực nhất, đấy là chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ có thể đã qua rồi, tức là qua một mức đỉnh của lãi suất”, ông Hưng chia sẻ.
Chia sẻ thêm về động thái của các ngân hàng thương mại sau khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra quyết định giảm lãi suất, ông Hưng đánh giá "Thực ra về mặt ảnh hưởng trong ngắn hạn thì tôi cũng chưa thấy nhiều, ví dụ như là trần lãi suất tiền gửi thì không thay đổi". Theo ông Hưng, có thể là các ngân hàng đang tương đối thừa vốn ở thời điểm này do đây là thời điểm thấp điểm của hoạt động vay. Cho nên một số ngân hàng chưa cần đến động thái này thì họ đã bắt đầu giảm lãi suất tiền gửi rồi. C
Còn về lãi suất cho vay thì đợt này chỉ có lãi suất cho vay dành cho khối các ngành nghề ưu tiên là được giảm 0,5%. Nhưng mà đây cũng không phải là những ngành mà thị trường quá quan trọng. Bởi vì ví dụ như bây giờ mọi người quan tâm đến bất động sản có được giảm lãi suất hay không chẳng hạn, thì hiện nay là chưa có động thái gì. “Tôi nghĩ rằng sau Nghị quyết từ phía Chính phủ thì cần các văn bản hướng dẫn từ phía Ngân hàng Nhà nước thì chúng ta mới biết được chuyện này”, ông Hưng nói thêm.
Bài viết được trích dẫn từ chia sẻ của ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán SSI tại Chương trình Bí mật đồng tiền.
Có thể bạn quan tâm:
“Mua trước trả sau” có nhiều dư địa phát triển
Nguồn Theo Bí mật đồng tiền
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư