Hủy
Tài Chính

Ngân hàng ngóng room tín dụng

Ngọc Thủy Thứ Ba | 12/07/2022 07:30

Ngân hàng Vietcombank. Ảnh: Quý Hòa.

 
 
Việc nới room tín dụng được dự báo sẽ không đồng đều giữa các ngân hàng.

Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, các ngân hàng sẽ được nới hạn mức tín dụng ngay quý III này. Tuy nhiên, theo Yuanta, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ nới room tín dụng trong tháng 8 thay vì tháng 7 như thị trường kỳ vọng. Nếu đúng như vậy, đây chắc chắn là tin không vui cho các ngân hàng, bởi hầu hết các ngân hàng đều đã chạm trần hạn mức tín dụng được cấp. 

 

Trả lời báo giới, ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, cho biết, trong 5 tháng đầu năm, tín dụng Vietcombank đã tăng trưởng trên 9%. So với mức tín dụng được cấp chính thức là 10%, Vietcombank đã gần đụng trần từ hơn 1 tháng trước. Tương tự, ACB cũng đạt mức tăng trưởng tín dụng 8% chỉ sau 5 tháng. Điều tương tự cũng xảy ra ở HDBank, Sacombank, BIDV, VietinBank…

Tính đến ngày 30/6/2022, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,4 triệu tỉ đồng, tăng  9,35%, một mức tăng rất mạnh so với mức tăng 6,47% của cùng kỳ năm ngoái và so với mục tiêu tăng trưởng khoảng 14% cho cả năm 2022 của toàn ngành ngân hàng. Ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc BIDV, giải thích: “Từ quý IV năm ngoái, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp tăng mạnh, nhất là các khách hàng tốt. Vì thế, room tín dụng 10% là không thể đáp ứng”. 

Các ngân hàng đều đồng loạt đề xuất được nới room tín dụng một cách phù hợp với mức mong muốn là trên 20%. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, khi trả lời chất vấn trước Quốc hội đã nhấn mạnh: “Nếu chiều theo nhu cầu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại, áp lực lạm phát là rất lớn, áp lực tăng lãi suất huy động cũng rất cao, dẫn tới lãi suất cho vay và nợ xấu tăng theo”.

Bà Hồng cũng cho biết: “Ngân hàng Nhà nước sẽ phân bổ tín dụng tới các ngân hàng thương mại dựa trên nguyên tắc chung: ngân hàng nào lành mạnh, quản trị tốt hơn thì được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Ngân hàng Nhà nước sẽ phải căn cứ vào mức độ tuân thủ của các tổ chức tín dụng về an toàn vốn (CAR), rà soát kỹ hoạt động tín dụng, cũng như tình hình tài chính của các ngân hàng”. Như vậy, việc nới room cho các ngân hàng chắc chắn sẽ không đều.

Hiện một số ngân hàng có tỉ trọng cho vay bất động sản cao trong danh mục tín dụng gồm Techcombank, Eximbank, MSB, OCB, SHB.
Hiện một số ngân hàng có tỉ trọng cho vay bất động sản cao trong danh mục tín dụng gồm Techcombank, Eximbank, MSB, OCB, SHB. Ảnh: Quý Hòa. 

Vậy ai sẽ được nới room tín dụng? Năm ngoái, TPBank được cấp room tín dụng cao nhất, lên đến 23,4%. Techcombank, MSB, MB cũng được cấp ở mức cao, lần lượt là 22,1%, 22% và 21%. Năm nay, với kinh tế bắt đầu phục hồi sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các ngân hàng kỳ vọng được cấp room tín dụng cao hơn, nhằm mở rộng cho vay, hỗ trợ khách hàng. 

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Vietcombank và MB sẽ có cơ hội nhiều hơn nhờ tiếp nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng. Hạn mức tăng trưởng tín dụng mà MB được cấp có thể từ 30-35%.

Bà Nguyễn Thu Hà, Trưởng phòng Phân tích của SSI Research, cho rằng: “Điều quan trọng nhất không phải là tín dụng được nới bao nhiêu mà là room tín dụng được mở ra sẽ được cấp cho những ngành nghề nào để đảm bảo nền kinh tế có thể hồi phục và phát triển bền vững. Một mức room là phù hợp nếu ngân hàng có thể tận dụng được tối ưu các nguồn lực trong hoạt động và đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn (CAR, thanh khoản, chất lượng tài sản…)”. 

 

Báo cáo của VCBS  cho hay các ngân hàng trong diện cảnh báo có tỉ trọng cho vay những lĩnh vực rủi ro như đầu cơ bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… có thể bị hạn chế room tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải hơn để bảo đảm an toàn hệ thống. 

Hiện một số ngân hàng có tỉ trọng cho vay bất động sản cao trong danh mục tín dụng gồm Techcombank, Eximbank, MSB, OCB, SHB. Còn các ngân hàng nắm giữ nhiều trái phiếu doanh nghiệp phải kể đến Techcombank, TPBank, MB, VPB.

Trong khi nhiều ngân hàng rót vốn mạnh cho trái phiếu doanh nghiệp thì ACB lại không mặn mà. Theo đại diện ACB, chiến lược của Ngân hàng là tập trung vào bán lẻ, chiếm khoảng 93% danh mục tín dụng của ACB. Đối với cho vay bất động sản, ACB chủ yếu cho vay mua nhà khách hàng cá nhân. Vì thế, Ngân hàng không chịu tác động đáng kể nào trước động thái giám sát chặt chẽ thị trường địa ốc thời gian qua. 

Theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, việc giám sát, kiểm soát tín dụng của Ngân hàng Nhà nước là cần thiết để đưa hoạt động cho vay ở các ngân hàng về chuẩn mực. Đây không phải là thắt chặt tiền tệ. Ông Hiển cho rằng, ngân hàng thương mại cổ phần với bản chất huy động vốn ngắn hạn chỉ nên tập trung tín dụng ngắn hạn (vốn lưu động, cho vay cá nhân, vay thanh toán...) và dịch vụ tài chính (quản lý tiền, thanh toán, ...). Với dòng vốn dài hạn, cần có các định chế tài chính như ngân hàng đầu tư, quỹ tương hỗ, quỹ tín thác.
 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới