Hủy
Tài Chính

Nghị định 65 sẽ tháo gỡ nút thắt huy động vốn thông qua trái phiếu doanh nghiệp

Nhật Lệ Thứ Tư | 21/09/2022 08:57

Hình ảnh minh họa: TL.

 
 
Qua nhiều tháng chờ đợi thì Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ đã được chính thức ban hành vào ngày 16/9/2022.

Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ (“Nghị định 65”) đã chính thức được ban hành. Với nhiều quy định mới, Nghị định được kỳ vọng sẽ góp phần gỡ khó cho các nhà phát hành và khai thông dòng vốn từ kênh huy động này cho các hoạt động kinh tế - xã hội.

 

Nhân sự kiện này, mới đây nhóm phân tích của FiinRatings đã công bố báo cáo “Đánh giá tác động của Nghị định 65/2022/NĐ-CP”, nhằm đưa ra những đánh giá tác động đến với thị trường với tư cách là một đơn vị xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam. Trong báo cáo lần này, FiinRatings chỉ ra 4 điểm thay đổi chính của Nghị định 65. 

Thứ nhất, nâng cao tiêu chuẩn về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp

Nghị định 65 bổ sung quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bên cạnh việc nắm giữ danh mục ít nhất 2 tỉ đồng còn cần phải duy trì con số này bình quân trong 180 ngày liền kề. Điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn tới cơ cấu nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp hiện nay. 

Thứ hai, tăng cường minh bạch thông tin, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư

Các quy định chặt chẽ, hướng tới việc báo cáo và công bố thông tin minh bạch và rõ ràng. FiinRatings đặc biệt đánh giá cao quy định liên quan đến quyền biểu quyết và tỉ lệ thông qua tối thiểu 65% tổng số trái phiếu đang lưu hành giúp các trái chủ chủ động nắm bắt thông tin về doanh nghiệp và dự án mà mình đang đầu tư.

 

Thứ ba, không siết điều kiện chào bán, nhưng yêu cầu chặt chẽ hơn về hồ sơ chào bán và phương thức phát hành

Quy định mới giải tỏa nỗi lo của thị trường khi các doanh nghiệp được phát hành trái phiếu để cơ cấu lại nợ, FiinRatings cho rằng đây là một hướng đi đúng đắn và phù hợp với thông lệ quốc tế về trái phiếu. Mặc dù vậy, hồ sơ chào bán và phương thức phát hành được yêu cầu cao hơn, do đó nhà phát hành phải thực sự có năng lực và hồ sơ minh bạch thì mới có thể tham gia hoạt động phát hành trái phiếu. 

Thứ tư, xếp hạng tín nhiệm bắt buộc trong một số trường hợp

FiinRatings cho rằng đây là một quy định thích hợp và phù hợp với bối cảnh thị trường Việt Nam, cũng như hướng tới hoạt động thị trường hiệu lực và hiệu quả. Việc áp dụng xếp hạng tín nhiệm bắt buộc với một số trường hợp sẽ đem lại nhiều lợi ích cho không chỉ nhà đầu tư mà với chính nhà phát hành và thị trường nói chung.

Về tác động, FiinRatings đánh giá với tình trạng dồn nén và chờ đợi định hướng chính sách trong nhiều tháng, Nghị định 65 sẽ tháo gỡ nút thắt huy động vốn thông qua trái phiếu doanh nghiệp. “Mặc dù kênh vốn tín dụng ngân hàng cũng được nới ở mức độ nhất định nhưng không thể đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, nhất là các ngành có nhu cầu vốn trung và dài hạn như bất động sản và năng lượng. Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp của ngành đang rất yếu, thậm chí có những tháng chỉ có 1, 2 đợt phát hành của ngành, bởi vậy Nghị định 65 ra đời sẽ tạo động lực cho các nhà phát hành đủ điều kiện nhanh chóng xây dựng phương án chào bán trái phiếu”, FiinRatings nhìn nhận. 

Có thể bạn quan tâm 

Ngân hàng mua chéo trái phiếu


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới