Hủy
Tài Chính

Nguyên nhân sâu xa của vấn đề nợ xấu

Nhật Anh Chủ Nhật | 25/02/2024 18:58

Dòng tiền của một số doanh nghiệp bất động sản vẫn có thể còn gặp khó khăn. Ảnh: TL.

Với giả định dư nợ tái cơ cấu không thay đổi đáng kể trong quý IV/2023, các khoản vay có vấn đề tương đương với 4,48% tổng dư nợ.
 

Từ cuối năm 2022 cho đến nay, các quy định được ban hành chủ yếu theo hướng cho ngân hàng cơ chế trì hoãn trong việc ghi nhận và trích lập dự phòng cũng như tạo điều kiện gia hạn thêm thời gian cho các chủ đầu tư bất động sản giải quyết các nghĩa vụ nợ sắp đến hạn. Tuy nhiên, kể cả với những cơ chế như vậy, nợ xấu và nợ cần chú ý tại các ngân hàng vẫn có xu hướng tăng. 

Cụ thể, nợ xấu và nợ cần chú ý của nhóm ngân hàng trong danh sách nghiên cứu của Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán SSI Research đã tăng lần lượt là 40% và 24% so với đầu năm tính tại thời điểm cuối tháng 12/2023. Tỉ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 tăng lên lần lượt là 1,68% và 1,99% tính tại thời điểm cuối năm 2023. Và dư nợ tái cơ cấu tăng 0,8% tính tại thời điểm cuối quý III/2023. Với giả định dư nợ tái cơ cấu không có thay đổi đáng kể trong quý IV/2023, các khoản vay có vấn đề này tương đương với 4,48% tổng dư nợ. 

Tỉ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 tăng lên lần lượt là 1,68% và 1,99% tính tại thời điểm cuối năm 2023. Nguồn: SSI Research.
Tỉ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 tăng lên lần lượt là 1,68% và 1,99% tính tại thời điểm cuối năm 2023. Nguồn: SSI Research.

Theo SSI Research, tỉ lệ nợ xấu có thể sẽ tăng trở lại trong nửa đầu năm 2024 khi tăng trưởng tín dụng chậm lại và các yếu tố vĩ mô chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, tỉ lệ nợ xấu cuối năm 2024 sẽ tăng nhẹ so với năm 2023 (1,63% so với 1,68%), do cuối năm dự kiến các ngân hàng sẽ đẩy mạnh xóa nợ xấu và nền kinh tế phục hồi mạnh hơn. 

Tuy nhiên, SSI Research cho rằng các khoản nợ có vấn đề (bao gồm các khoản nợ nhóm 2, các khoản vay tái cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp quá hạn và các khoản vay cũ) vẫn tiếp tục cần được giám sát chặt chẽ. Bên cạnh đó, nếu dự thảo sửa đổi Thông tư 16 nới lỏng việc hạn chế đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng được thông qua, không loại trừ khả năng một phần rủi ro tín dụng sẽ quay trở lại đối với các ngân hàng tích cực mua lại trái phiếu doanh nghiệp.

 

“Nguyên nhân sâu xa của vấn đề nợ xấu là tình trạng pháp lý của các dự án bất động sản chưa hoàn thiện. Vấn đề này không thể giải quyết một cách nhanh chóng mà có thể kéo dài trong thời gian dài mặc dù có 3 luật mới sẽ có hiệu lực vào năm 2025. Điều này không chỉ đòi hỏi ý chí mạnh mẽ mà còn cần hành động kịp thời từ các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý”, SSI Research nhận định. 

SSI Research kỳ vọng vấn đề sẽ được giải quyết theo từng trường hợp cụ thể tương tự như trong năm 2023. Theo đó, dòng tiền của một số doanh nghiệp bất động sản vẫn có thể còn gặp khó khăn. Chưa kể đến khoản trái phiếu doanh nghiệp trị giá 218.000 tỉ đồng (con số này tương đương với 20% tín dụng cho chủ đầu tư bất động sản năm 2023) sẽ đáo hạn trong năm 2024. 

Theo quan điểm của SSI Research, tài trợ cho các dự án có đầy đủ thủ tục pháp lý để các chủ đầu tư có thể hoàn thiện và bàn giao nhà cho người mua sẽ tốt hơn là thu giữ tài sản và xóa nợ. Tuy nhiên, đối với những dự án đang có vướng mắc về mặt pháp lý, việc trích lập dự phòng đầy đủ là cần thiết kể cả khi các khoản vay này vẫn trong thời gian tái cơ cấu.

Có thể bạn quan tâm 

Sau phiên rung lắc mạnh cuối tuần, nhà đầu tư nên làm gì?


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới