Nhà đầu tư đang “bỏ quên” yếu tố cơ bản?
Đi cùng diễn biến tích cực của cả thị trường chung, cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp đã bứt phá mạnh mẽ. Ảnh: booking.com
Kể từ tháng 3/2020 đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã liên tục bùng nổ khi chỉ số, thanh khoản và số lượng tài khoản nhà đầu tư mới không ngừng lập các kỷ lục mới. Đi cùng diễn biến tích cực của cả thị trường chung, cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp đã bứt phá mạnh mẽ. Và phía sau đà tăng ấy, luôn có những câu chuyện đủ hấp dẫn để có thể thu hút dòng tiền của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, luôn xuất hiện những nghịch lý giữa đà tăng của thị giá cổ phiếu và những yếu tố cơ bản của chính doanh nghiệp đó. Không phải cứ doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng thì giá cổ phiếu sẽ tăng và ngược lại. Phải chăng nhà đầu tư đang “bỏ quên” những yếu tố cơ bản?
Thời gian qua, nhóm chứng khoán đã hưởng lợi rất rõ từ diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán và các công ty ngành này đã có một mùa kinh doanh bội thu với sự tăng trưởng ở cả 3 lĩnh vực môi giới, tự doanh và cho vay ký quỹ. Và cũng không quá bất ngờ khi phần lớn các công ty chứng khoán đều báo lãi tăng trưởng tính bằng lần trong nửa đầu năm 2021, kéo theo giá cổ phiếu liên tục phá đỉnh.
Trong bức tranh chung của ngành lại có những ngoại lệ. Một ví dụ là Công ty Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VICS). Trong bối cảnh thuận lợi của thị trường, VICS vẫn báo lỗ hơn 3,7 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2021. Theo giải trình kết quả kinh doanh, mặc dù doanh thu tăng trưởng trong nửa đầu năm 2021, nhưng các khoản chi phí tăng cao cùng việc phát sinh chi phí lãi của khoản nợ vay Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội đã khiến VICS thua lỗ trong cùng thời kỳ.
Đáng nói là kể từ năm 2019 đến nay, doanh nghiệp này đã liên tục báo lỗ. Đỉnh điểm là năm 2019, VICS lỗ sau thuế lên tới gần 24 tỉ đồng. Nguyên nhân là các khoản chi phí tăng cao, liên quan đến chi phí trích lập dự phòng các khoản phải thu khách hàng hợp tác kinh doanh đã khiến VICS lỗ nặng. Từ năm 2019 đến hết quý II/2021, công ty này lỗ lũy kế hơn 31,1 tỉ đồng.
Có lẽ câu chuyện sẽ không đáng nói nếu giá cổ phiếu VIG của VICS không có gì đặc biệt. Trái ngược hoàn toàn với kinh doanh thua lỗ, cổ phiếu VIG lại liên tục dậy sóng. Kết thúc phiên giao dịch 25/8, VIG đóng cửa ở mức giá 5.900 đồng/cổ phiếu, gấp gần 2,5 lần so với đầu năm 2021. Câu hỏi đặt ra là đà tăng của cổ phiếu này đến từ đâu?
Tương tự như VIG, cổ phiếu RIC của Công ty Cổ phần Quốc tế Hoàng Gia, đơn vị vận hành Royal Casino Hạ Long, cũng liên tục dậy sóng bất chấp việc làm ăn thua lỗ. Thị giá tại thời điểm ngày 25/8 của RIC đã gấp hơn 4 lần so với đầu năm 2021. Trong khi đó, nửa đầu năm nay Công ty báo lỗ hơn 45,1 tỉ đồng sau thuế. Trên thực tế, kể từ năm 2019 đến nay, doanh nghiệp này liên tục báo lỗ. Phía Công ty từng cho biết, sòng bài là hoạt động trò chơi có thưởng mang tính chất thời vụ, doanh thu phát sinh phụ thuộc nhiều vào số lượng khách và tiền trả thưởng nên kết quả không ổn định. Dịch COVID-19 hoành hành từ đầu năm 2020 càng khiến tình hình kinh doanh thêm khó khăn. Từ năm 2019 đến hết quý II/2021, Công ty đã lỗ lũy kế hơn 199,4 tỉ đồng.
Ở chiều ngược lại, nếu xét tương quan giữa tăng trưởng lợi nhuận và tăng trưởng về giá cổ phiếu thì BIDV lại là ví dụ điển hình của nhóm ngân hàng. Trong 6 tháng đầu năm 2021, BIDV ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt 31.661 tỉ đồng, tăng 42,9% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế hơn 6.510 tỉ đồng, tăng 86,3%. Dù doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh nhưng giá cổ phiếu BID của BIDV vẫn giảm hơn 17,6% so với đầu năm 2020. Rõ ràng, trên thị trường chứng khoán luôn có sự lệch pha giữa kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và diễn biến giá cổ phiếu.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Đầu tư của Công ty Quản lý Quỹ SSI (SSIAM), thị trường chứng khoán thường phản ánh những điều diễn ra trong tương lai. Có những doanh nghiệp hiện tại đang thua lỗ, nhưng trong tương lai, có thể là 6 tháng đến 1 năm, khi khó khăn qua đi, doanh nghiệp sẽ tăng trưởng trở lại, lúc đó giá trị tương lai của doanh nghiệp sẽ tăng trưởng rất nhiều. Đây cũng là lý do khi nhìn vào báo cáo tài chính tại thời điểm hiện tại, nhà đầu tư cũng phải đánh giá tiềm năng của doanh nghiệp đó trong tương lai như thế nào.
Lấy ví dụ, khi dịch bệnh đang diễn ra rất phức tạp từ năm 2020 đến nay, thời điểm tháng 3/2020, thị trường chứng khoán giảm khá sâu. Tuy nhiên, sau đó, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp lại tăng rất mạnh nhờ kỳ vọng tăng trưởng trở lại sau dịch.
Bên cạnh đó, ông Minh cho rằng một yếu tố chi phối đến thị trường chứng khoán là dòng tiền. Do đó, khi nhìn nhận một doanh nghiệp, cũng cần xem xét bản thân doanh nghiệp đấy có đủ câu chuyện để thu hút dòng tiền của nhà đầu tư hay không. Đặc biệt trong môi trường lãi suất thấp như hiện nay, dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân sẽ rất dồi dào và có nhu cầu để đầu tư. “Khi cổ phiếu có những câu chuyện đủ hấp dẫn, nhà đầu tư sẽ bỏ tiền để đầu tư và sẵn sàng bỏ qua những rủi ro trong ngắn hạn như việc kinh doanh thua lỗ của doanh nghiệp đó”, ông Minh nhận định.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư