PPC: Sáng cổ phiếu điện
Dù nhiều ngành nghề và lĩnh vực của nền kinh tế chịu tác động bởi dịch COVID-19, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC) vẫn có quý I kinh doanh hiệu quả nhờ cường độ huy động sản lượng cao - xu thế dự kiến tiếp tục duy trì trong những quý tới. Do ảnh hưởng bởi điều kiện thủy văn không thủy lợi, đặc biệt là hiện tượng nắng nóng kéo dài, Nhiệt điện Phả Lại thuộc diện nằm trong nhóm được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) huy động tối đa.
Ngoài thời tiết, yếu tố khác khiến sản lượng huy động từ nhiệt điện tăng còn đến từ nhu cầu tiêu thụ điện tăng đột biến trong sản xuất và đời sống. Trong tháng 6, do phải đối diện nền nhiệt ở mức cao từ 38-40oC, Hà Nội đã có lượng điện tiêu thụ cao đột biến, phá vỡ kỷ lục về tiêu thụ điện trong các đợt nắng nóng trước đó.
Theo số liệu từ World Bank, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu chào đón những tín hiệu hồi phục tích cực, sau thời gian phải giãn cách xã hội để phòng chống dịch. Theo đó, sau thời gian đặc thù trong tháng 4, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tháng 5 bật tăng 11% so với tháng trước đó. Số liệu của Google thể hiện tần suất đi lại trong xã hội bắt đầu phục hồi mạnh mẽ, từ mốc âm 30% giữa tháng 4 lên âm 5% trong tuần từ 25.5 so với các mốc trước dịch bệnh.
Tính đến tháng 5, vận tải hành khách và hàng hóa tăng lần lượt 116% và 32% trong tháng 5 so với tháng 4, nhờ các biện pháp hạn chế đi lại được nới lỏng. Đây là tín hiệu rất khả quan đối với các ngành du lịch, vận tải và hàng không.
Guồng máy của nền kinh tế đã bắt đầu hoạt động trở lại, khiến mức tiêu thụ điện dành cho sinh hoạt và sản xuất tiếp tục tăng cao. Cũng cần nói thêm, trong khoảng thời gian dịch gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, sản lượng tiêu thụ điện vẫn ước tăng nhẹ.
Ngoài yếu tố kinh tế vĩ mô, tình hình thủy văn kém thuận lợi cũng khiến triển vọng ngành nhiệt điện trở nên nổi bật hơn. Qua quan trắc của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong tháng 6.2020, tình hình khô hạn tiếp tục xảy ra ở tất cả khu vực trong cả nước. Tại miền Bắc, dù bước vào mùa lũ nhưng lượng nước về vẫn ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 25-70%. Tại miền Trung, tình hình khô hạn vẫn xảy ra gay gắt khi lượng nước về thiếu hụt từ 40-70%. Riêng tại miền Nam, do được bổ sung bởi những cơn mưa đột biến từ đầu tháng 6 đến nay, tỉ lệ thiếu hụt có phần ít nghiêm trọng so với mặt bằng chung, với biên độ 20-40%.
Dựa trên các cơ sở đó, EVN xác định sẽ tiếp tục huy động tối đa sản lượng điện từ các nguồn nhiệt điện than và khí. Cơ quan này xác định sản lượng điện tiêu thụ bình quân mỗi ngày trong tháng 6.2020 dự kiến ở mức 739 triệu kWh/ngày, công suất phụ tải lớn nhất khoảng 39.740 MW. Theo đó, nguồn than đầu vào cho nhiệt điện được bảo đảm cung cấp tối đa theo tình huống thực tế bởi Tổng Công ty Khoáng sản và Tổng Công ty Đông Bắc, một yếu tố thuận lợi bảo đảm công suất sản xuất tiệm cận mức tối đa theo thiết kế của Nhiệt điện Phả Lại.
Theo tính toán của VNDirect, dự phóng sản lượng của Nhiệt điện Phả Lại năm 2020 sẽ tăng thêm 4% so với cùng kỳ, đạt 5.728 triệu kWh. Doanh thu ước đạt 8.276 tỉ đồng, tăng 1,1% so với cùng kỳ. Với tham số đầu vào doanh thu như trên, định giá mục tiêu của PPC là 27.400 đồng/cổ phiếu, với khuyến nghị là khả quan. Tỉ suất cổ tức chi trả bởi cổ phiếu này ước tính là 8,2%. Các yếu tố tích cực khác về Nhiệt điện Phả Lại còn bao gồm việc nhà máy khấu hao đã gần hết và doanh nghiệp duy trì tỉ trọng cơ cấu nợ thấp, sức khỏe tài chính tốt.
Từ năm 2020, doanh nghiệp này sẽ không còn phải ghi nhận chi phí do chênh lệch tỉ giá bởi toàn bộ khoản vay nợ 2,5 tỉ yen đã được trả hết. Chi phí lãi vay cũng đã giảm một nửa trong năm 2019, xuống còn hơn 12 tỉ đồng và sẽ còn giảm tiếp khi Công ty chỉ còn đi vay ngắn hạn ngân hàng hơn 126 tỉ đồng, giảm hơn 400 tỉ đồng trong một năm qua.
Về yếu tố bất lợi, các tác nhân tiêu cực có thể ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của Nhiệt điện Phả Lại gồm (1) sự cố kỹ thuật trong quá trình vận hành; (2) giá mua điện cạnh tranh (CGM) thấp hơn so với kỳ vọng.
Do ảnh hưởng chung của dịch COVID-19, giá bán trên thị trường điện cạnh tranh có thể điều chỉnh giảm vì nhu cầu kích cầu và yếu tố tâm lý khi giá dầu thế giới có xu hướng giảm sâu. Theo đó, dự phóng giá bán trung bình (ASP) năm 2020 giảm 2,5% so với cùng kỳ, kéo theo doanh thu năm 2020 dự báo đi ngang (tăng 1,1%) dù sản lượng điện tăng mạnh (15%), các tham số trên đã được hoạch định vào dự phóng doanh thu kể trên của doanh nghiệp.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư