Sau địa chấn chứng khoán tháng 10
→Sợi Thế Kỷ: "Ngư ông" đắc lợi
→Ngân hàng quý III: Nợ xấu có chiều hướng tăng
Chớm đông của tháng 10, nhà đầu tư “lạnh giá” hơn khi VN30 giảm hơn 70 điểm trong một tháng và VN-Index lao dốc từ mốc 1.020 điểm vào ngày 5.10 xuống còn 888 điểm vào ngày 26.10. Từ đó đến nay, việc vượt lại mốc 1.000 điểm vẫn là thử thách với thị trường chứng khoán Việt Nam. Thị trường sẽ chứng kiến những biến động kích hoạt sự tái cơ cấu danh mục đầu tư. Một số lời khuyên đầu tư được chuyên gia đưa ra với niềm tin mùa đông sẽ không còn “lạnh” nữa trong tháng cuối năm.
Địa chấn tháng 10
Như thường lệ, rạng sáng ngày 10.10, những nhà giao dịch của sàn chứng khoán Nasdaq vẫn vui vẻ mua cà phê sáng tại cửa hàng Starbucks Coffee ở số 14 phố Wall. Với họ, cà phê là một thứ kích thích tuyệt vời, giúp họ tập trung thao tác nghiệp vụ chứng khoán với các tickers qua đêm từ phiên trước và lệnh giao dịch hôm nay. Trong suốt khoảng thời gian từ lúc 4-7 giờ sáng của trước phiên mở cửa thị trường New York, mọi thứ dường như có vẻ ổn.
Song ngay khi bình minh ló dạng, mọi thứ bắt đầu sụp đổ, lệnh giao dịch giá mở cửa liên tục bán ra để bán tháo cổ phiếu. Trong đó, cổ phiếu nhóm ngành công nghệ là bị ảnh hưởng nhiều nhất. Cuối phiên, một số định chế đình đám bị ảnh hưởng nhiều nhất gồm: Netflix (giảm 8%), Amazon (giảm 6%), công ty mẹ của Google - Alphabet (giảm 4%).
Ngày kế tiếp, 11.10, cơn quẫn trí của thị trường vẫn chưa chấm dứt. Cơn gió lạnh của mùa đông lại cuốn đi thêm 500 điểm, nâng tổng số điểm bị mất trong 2 ngày của Dow Jones lên 1.300 điểm. Chỉ số này lập đáy kỷ lục tại 25.052 điểm. Chứng khoán lao dốc khiến hầu bao của 500 người giàu nhất thế giới mất hơn 99 tỉ USD, theo thống kê của Bloomberg Billionaires Index, chỉ số theo dõi tài sản của 500 người giàu nhất thế giới. Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet cũng nằm trong nhóm mất nhiều nhất khi tài sản giảm 4,5 tỉ USD, tương đương 4,9%.
Phía bên kia đại dương, thị trường Việt Nam cũng rối loạn không kém khi nhà đầu tư tháo chạy trên thị trường khi chứng kiến phiên giảm điểm sâu của thị trường Mỹ. Kết thúc phiên giao dịch ngày 11.10, VN-Index giảm hơn 48,07 điểm (-4,84%) xuống 845,89 điểm, HNX-Index giảm 6,59 điểm, xuống 107,17 điểm.
Toàn thị trường ghi nhận 580 mã giảm, 107 mã tăng và 101 mã tham chiếu. Khối lượng giao dịch đạt 490 triệu đơn vị (9.776 tỉ đồng). Trong đó, giao dịch thỏa thuận khoảng 9,5 triệu đơn vị (421 tỉ đồng). Theo quan sát, nhiều cổ phiếu trụ cột trên thị trường đều đồng loạt lao dốc, trong đó, các mã như BID, CTG, GAS, HSG, MSN, PVD, SSI, STB, VPB... đều bị kéo xuống mức giá sàn. Nhiều chuyên gia nhận định vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đã “bốc hơi” khoảng 7,2 tỉ USD chỉ trong một phiên giao dịch.
Vậy lý do phía sau cơn địa chấn này là gì? Theo ông Anirban Lahiri, tác giả của báo cáo “Góc nhìn: mùa đông đang đến” của VNDirect, những yếu tố khiến thị trường rạn nứt có thể kể đến gồm: Mỹ là nền kinh tế lớn duy nhất cho thấy tốc độ tăng trưởng tích cực, nhưng gia tốc tăng trưởng sẽ sớm trở về chu kỳ 2%/năm, khi mà liều thuốc “tăng lực” giảm thuế chấm dứt; nỗ lực kích thích tăng trưởng có phần kém bền vững của Trung Quốc, việc sử dụng đầu tư cơ sở hạ tầng như đòn bẩy kích cầu chính có thể đe dọa đến thành quả giảm dư nợ địa phương; đà phục hồi của giá dầu và các hàng hóa cơ bản với gia tốc tương đối yếu, các nước xuất khẩu ròng hàng hóa khó có thể tạo ra sự bù đắp cho việc giảm cầu từ các quốc gia nhập khẩu.
Nổi bật nhất là phần nhận định về Trade War (chiến tranh thương mại Mỹ - Trung), báo cáo tháng 10 của VNDirect có đoạn viết: “Khi chính quyền Trump đánh thuế đối với 200 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, một vài nhà phân tích đã coi nhẹ ảnh hưởng sự kiện Mỹ “nhập khẩu” lạm phát… các khoản thuế nhập khẩu sẽ được gia tăng bắt đầu từ quý I năm sau... Cuối cùng, chi phí cao hơn với hoạt động tiêu dùng, cùng với tỉ lệ thất nghiệp thấp sẽ kéo theo chi phí lương gia tăng”.
Giữ ấm cho mùa đông 2018
Quan trọng nhất, sau tất cả là câu hỏi: nhà đầu tư cần chuẩn bị như thế nào để qua một “mùa đông” của thị trường? Theo nhận định của VNDirect, nhà đầu tư có thể cân nhắc một số lời khuyên sau: chuyển danh mục đầu tư sang các cổ phiếu phòng thủ như tiêu dùng và tiện ích (điện - năng lượng); đầu tư các cổ phiếu có lợi suất cổ tức cao nhưng hãy lựa chọn những cổ phiếu có định giá rẻ nhằm hạn chế rủi ro điều chỉnh từ thị trường; tích lũy tiền mặt và chờ đợi cơ hội đến từ một đợt sụt giảm lớn; đưa ra tầm nhìn dài hạn khi biến động giá cổ phiếu xảy ra trong ngắn hạn, có thể lựa chọn đầu tư hưởng lợi từ chiến tranh thương mại và sự mất giá của tiền đồng; và nếu bạn là người ưa thích mạo hiểm, có thể cân nhắc hợp đồng tương lai VN30 để kiếm lời từ sự sụt giảm của thị trường.
Đúc kết lại bài học của tháng 10, ông Anirban Lahiri, chuyên gia phân tích của VNDirect, nhận định: “Tôi nghĩ sẽ là mạo hiểm để thử và kỳ vọng vào chuyến tàu cuối của chu kỳ tăng giá của thị trường. Lãi suất tiếp tục gia tăng và tốc độ tăng trưởng GDP chậm lại sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế thực và làm sụt giảm giá trị tài sản. Chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì quan điểm của mình rằng lãi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam đang thấp một cách bất hợp lý và sẽ tiếp tục tăng lên. Lãi suất cho vay tăng lên của một số ngân hàng thời gian gần đây là tiền đề rõ ràng cho việc tăng lãi suất điều hành, đặc biệt là khi hiện tại lạm phát gần như sẽ chắc chắn vượt mục tiêu 4%”.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Vũ Hoài
-
Phi Vũ