Số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán tiếp tục giảm
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực trong phần còn lại của năm 2024. Ảnh: TL.
Thống kê của FiinTrade từ báo cáo tài chính quý III/2024 của 68 công ty chứng khoán (đại diện 99% quy mô vốn chủ sở hữu của toàn ngành) cho thấy dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) đạt hơn 228.000 tỉ đồng tại thời điểm 30/9/2024, tăng nhẹ so với cuối quý II, tăng 4% so với quý trước.
Về “lực cầu tiềm năng”, dữ liệu cho thấy số dư tiền gửi của nhà đầu tư giảm quý thứ hai liên tiếp, xuống chỉ còn hơn 91.100 tỉ đồng. Kết quả này khá trái ngược với những con số “nhảy vọt” của số lượng tài khoản chứng khoán mở mới.
Cụ thể, tại ngày 30/9, trên hệ thống của VSDC đang quản lý hơn 8,81 triệu tài khoản của nhà đầu tư trong nước, trong đó chủ yếu là của nhà đầu tư cá nhân. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán, riêng trong quý III, con số này là hơn 819.000 tài khoản.
Trái với sự tăng trưởng mạnh của số tài khoản mở mới, thị trường chứng khoán trong quý III cũng khá trầm lắng, VN-Index tăng hơn 3,3% trong quý này với thanh khoản thấp hơn mức trung bình. Giá trị giao dịch khớp lệnh ở sàn HOSE trong quý III/2024 chỉ đạt hơn 14.600 tỉ đồng.
Trong khi đó, mặc dù lãi suất tiền gửi xuống thấp chỉ dao động từ 4-6%/năm nhưng lượng tiền người dân gửi ở hệ thống ngân hàng vẫn liên tục tăng. Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tại thời điểm cuối tháng 7/2024, đã có hơn 6,83 triệu tỉ đồng được người dân gửi ở các tổ chức tín dụng, tăng 4,68% so với thời điểm cuối năm 2023. So với tháng 6/2024, lượng tiền gửi của người dân vào các tổ chức tín dụng đã tăng hơn 21.174 tỉ đồng.
Trên thực tế, từ đầu năm 2024 đến nay, chỉ số VN-Index tăng khoảng 14%, trong khi dòng tiền lại phân hóa khiến việc lựa chọn được các cơ hội đầu tư không hề dễ dàng. Trong khi đó, vàng, vốn luôn được người dân ưa chuộng để “phòng thủ” lại liên tục tăng giá trong thời gian qua. Lũy kế từ đầu năm 2024 đến nay, giá vàng nhẫn đã tăng hơn 40%, trong khi vàng miếng tăng hơn 21%.
Nghiên cứu người tiêu dùng của Hội đồng Vàng Thế Giới (công bố năm 2021) cho thấy 81% người Việt Nam coi vàng là biện pháp bảo vệ trước sự bất ổn về chính trị và kinh tế. Một số lượng tương tự người tham gia phỏng vấn cho rằng vàng mang lại sự an toàn về tài chính trong dài hạn và phần lớn những người được khảo sát tin tưởng vàng hơn tiền gửi tiết kiệm.
Với nền tảng vĩ mô vững chắc, Công ty Chứng khoán VNDirect kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2024 nhờ hoạt động sản xuất cải thiện, triển vọng xuất khẩu tích cực và chính sách tài khóa mở rộng. Trong khi đó, các thách thức kinh tế như lạm phát và áp lực tỉ giá có thể dần hạ nhiệt vào cuối năm nay.
Nền tảng kinh tế vĩ mô và thị trường vẫn hỗ trợ cho một cách tiếp cận chủ động và chấp nhận rủi ro trong nửa cuối năm 2024, triển vọng cổ phiếu vẫn khá tích cực. Mặc dù đà tăng của chỉ số chung có thể bị hạn chế do đợt tăng mạnh trước đó vào nửa đầu năm 2024, nhưng thị trường vẫn chứa đựng một số cơ hội đầu tư nổi bật trong một số ngành.
Theo VNDirect, vàng miếng có thể mất đi sức hấp dẫn khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hành động mạnh mẽ để quản lý kênh đầu tư này.
“Tiền gửi sẽ vẫn là lựa chọn của phần lớn các nhà đầu tư không chuyên, đặc biệt khi lãi suất có xu hướng tăng dù ở mức độ vừa phải. Trong khi đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản đang bước vào giai đoạn phục hồi ban đầu và sẽ cần những cách tiếp cận chuyên nghiệp và đầu tư dài hạn”, VNDirect nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Dư nợ margin tăng cao kỷ lục nhưng vẫn lành mạnh
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Nhật Lệ
-
Minh Đức
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Thái Huệ