Hủy
Tài Chính

Tài chính tiêu dùng xốc lại sau cú sốc

Hà Cúc Thứ Hai | 12/05/2025 14:00

Theo Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam hiện có 16 công ty tài chính được phép hoạt động. Ảnh: VGP/PD.

 
 
Các công ty tài chính tiêu dùng phát đi tín hiệu phục hồi và đang chuẩn bị cho chu kỳ tăng trưởng mới.

Bức tranh lợi nhuận các công ty tài chính năm 2024 phân cực khá rõ nét trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam lấy lại đà phục hồi. Chẳng hạn, cả năm 2024 VietCredit lỗ trước và sau thuế gần 156 tỉ đồng, mức lỗ nặng nhất từ trước đến nay. Mcredit có lợi nhuận sau thuế chỉ còn hơn 51 tỉ đồng, thấp nhất 4 năm trở lại đây. Trong khi đó, năm 2024 Home Credit có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao nhất, lập đỉnh cao nhất 4 năm với 1.618 tỉ đồng lãi trước thuế và 1.291 tỉ đồng lãi sau thuế. HD Saison đứng thứ 2 khi đạt 1.200 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng mạnh 84%. Sang năm 2025, HD Saison đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.500 tỉ đồng, tăng 25% so với kết quả năm 2024.

Theo Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam hiện có 16 công ty tài chính được phép hoạt động. Dư nợ của nhóm công ty tài chính ước tính khoảng 160.000 tỉ đồng vào cuối quý III/2024. Trong đó, FE Credit dẫn đầu khi kiểm soát hơn 30% thị phần. Ngành tài chính tiêu dùng gặp khó khăn từ năm 2022 trong bối cảnh cầu tín dụng yếu và áp lực trích lập dự phòng tăng cao do nợ xấu gia tăng khi thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và xuất khẩu giảm mạnh năm 2023. Năm này, lần đầu tiên tăng trưởng tín dụng của các công ty tài chính tiêu dùng -9,1%, tỉ lệ nợ xấu (NPL) toàn ngành lên tới 11% (theo FiinGroup).

 

Trước tình hình trên, nhiều công ty tài chính phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh cho phù hợp với bối cảnh mới, đặc biệt điều chỉnh chiến lược trung và dài hạn. Chẳng hạn, FE Credit đang trong giai đoạn tái cơ cấu hoạt động, bắt đầu giảm dư nợ từ năm 2022, tập trung tái cấu trúc mô hình kinh doanh, rà soát, cải tiến thiết kế sản phẩm, quy trình thẩm định tín dụng, kênh bán hàng, chính sách tín dụng và thu hồi nợ... VietCredit tái cấu trúc mô hình kinh doanh với sản phẩm cho vay truyền thống cũ được tạm dừng để tập trung nguồn lực cho sản phẩm vay kỹ thuật số “TIN VAY” trên nhiều nền tảng như MoMo, Viettel Money, Zalo, Grab...

Quá trình điều chỉnh một mặt giúp các công ty tài chính lớn cải thiện nhưng mặt khác vẫn có những công ty chưa thoát khỏi khó khăn. Dù vậy, từ năm 2024 thị trường đã xuất hiện một số tín hiệu khởi sắc và đang chuẩn bị cho chu kỳ tăng trưởng mới. Công ty Chứng khoán SHS kỳ vọng hoạt động cho vay tiếp tục phục hồi trong năm 2025 trên cơ sở tăng trưởng GDP mục tiêu đạt 8% với chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa tiếp tục mở rộng, tạo điều kiện tăng việc làm và thu nhập của người lao động... 

 

Phó Giáo sư - Tiến sĩ  Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, đánh giá, sau giai đoạn trầm lắng, cho vay tiêu dùng được kỳ vọng sẽ khởi sắc trong năm 2025. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên, làm tiền đề cho tăng trưởng cao 2 con số trong giai đoạn tiếp theo. Là trụ cột của tăng trưởng, tiêu dùng theo đó sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ.

Nhiều năm qua, vấn đề quan trọng đối với hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng là khả năng thu hồi nợ. Hiện nay, việc tích hợp định danh điện tử đang hỗ trợ rất lớn cho các ngân hàng, công ty tài chính trong việc chấm điểm tín dụng với khách hàng cá nhân, góp phần đánh giá rủi ro khách hàng và nâng cao ý thức trả nợ của người vay. Thuận lợi hơn khi tín dụng tài chính tiêu dùng sẽ phục hồi trong năm 2025, nhờ sự phục hồi của nền kinh tế và chính sách cho vay dưới 100 triệu đồng của Thông tư 12/2024.

Dù trải qua khó khăn nhưng dư địa của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam vẫn còn lớn. Thị trường này có tổng dư nợ phục vụ đời sống tiêu dùng đạt 2,8 triệu tỉ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Sức hút này thúc đẩy các tập đoàn tài chính đa quốc gia tham gia những thương vụ mua bán - sáp nhập, góp vốn mua cổ phần tại các ngân hàng thương mại trong nước để mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng. SeABank mới đây đã được chấp thuận chuyển nhượng 100% vốn góp tại Công ty Tài chính Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Bưu điện (PTF) cho Tập đoàn Aeon (Nhật). Trước đó, Krungsri của Thái Lan hoàn tất mua nốt 50% vốn điều lệ còn lại tại SHBFinance từ Ngân hàng SHB; Home Credit chuyển nhượng 100% vốn góp trong Công ty Tài chính Home Credit Việt Nam cho Tập đoàn Công nghệ tài chính SCBX của Thái Lan... 

Bên cạnh các đối thủ nước ngoài, nhiều doanh nghiệp lớn trong nước như Masan, FPT, Viettel, Bamboo... cũng đầu tư mạnh cho mảng tài chính tiêu dùng. Có thể thấy, thị trường này ngày càng cạnh tranh quyết liệt với sự tham gia của nhiều công ty tài chính, công nghệ tài chính, ví điện tử..., đòi hỏi tính chuyên môn và quy mô nhằm tạo ra lợi thế của các công ty tài chính thông qua gia tăng hiệu quả hoạt động, giảm nợ xấu, phát triển sản phẩm mới và tạo mức sinh lời tốt trong trung và dài hạn. 

Có thể bạn quan tâm 

Giảm cồn, tăng giá


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới