Hủy
Tài Chính

Thiết bị y tế Việt - Nhật còn cửa thoát hiểm?

Nam Minh Thứ Ba | 02/11/2021 14:00

JVC từng là ngôi sao đáng chú ý trong ngành y tế Việt Nam với các hoạt động cung ứng trang thiết bị y tế và khám chữa bệnh. Ảnh: vnr500.com.vn.

 
 
Ngôi sao một thời của ngành y tế đang tìm đường trở lại quỹ đạo tăng trưởng trước đây.

Cổ phiếu JVC của Công ty Thiết bị Y tế Việt - Nhật gần đây tăng hơn gấp đôi lên mức 7.000-8.000 đồng/cổ phiếu. Dù vẫn còn dưới mệnh giá nhưng điều này có thể phản ánh Công ty đang tìm đường trở về quỹ đạo bình thường với triển vọng ổn định hơn, đi cùng đầu tư mô hình khám chữa bệnh lưu động bằng xe buýt.

JVC từng là ngôi sao đáng chú ý trong ngành y tế Việt Nam với các hoạt động cung ứng trang thiết bị y tế và khám chữa bệnh. Nhưng hành vi thao túng sổ sách tài chính của dàn lãnh đạo cũ đã khiến doanh nghiệp lao đao.

Trong các năm qua, dưới thế hệ lãnh đạo mới, JVC đã giành thời gian để rà soát lại sổ sách, nhận diện những khoản chi phí chưa được hạch toán đầy đủ mà quá khứ để lại, đồng thời tăng trích lập dự phòng đối với khoản phải thu, hàng tồn kho để đảm bảo phản ánh đúng giá trị có thể thu hồi trong tương lai. Kết quả là lợi nhuận ròng năm 2020 tiếp tục âm 77 tỉ đồng.

 

Mặc dù kết quả kinh doanh không theo kỳ vọng của cổ đông, Ban lãnh đạo Công ty, nhưng ghi nhận từ JVC cũng cho thấy những triển vọng phát triển dài hạn. “JVC có nền tảng hệ thống cơ bản, có mối quan hệ tốt với nhà phân phối, sẽ phát huy tối đa lợi thế sẵn có và nghiên cứu mở rộng các mảng kinh doanh mới liên quan đến y tế do tiềm năng nhu cầu của người dân rất cao”, ông Nguyễn Huy Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị JVC, chia sẻ.

Đáng chú ý, JVC đang chuyển mình từ một công ty thương mại về thiết bị y tế cao cấp thành công ty cung ứng các giải pháp toàn diện về y tế với tiêu chuẩn Nhật và mức chi phí phù hợp, giúp người dân dễ dàng tiếp cận được các dịch vụ y tế chất lượng cao bằng xe lưu động.

Đại dịch COVID-19 cho thấy nhu cầu và tiềm năng của loại hình cung ứng khám chữa bệnh, tiêm vaccine tại nhà do tâm lý e ngại lây nhiễm chéo. Tận dụng xu thế này, JVC đã phát triển hệ thống xe buýt khám lưu động với quy mô 20 xe, nhiều nhất cả nước. Các xe buýt này bao gồm hệ thống siêu âm và máy chụp X-quang, máy chụp CT, có sử dụng phần mềm PACS kết nối dữ liệu hình ảnh chụp với hệ thống máy chủ tại bệnh viện/phòng khám.

Ảnh: vnr500.com.vn.
Đại dịch COVID-19 cho thấy nhu cầu và tiềm năng của loại hình cung ứng khám chữa bệnh, tiêm vaccine tại nhà do tâm lý e ngại lây nhiễm chéo. Ảnh: vnr500.com.vn.

Kết quả ban đầu khá tích cực. JVC đã phối hợp với Bệnh viện K, Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Cục Y tế, Bệnh viện Phổi Trung Ương - Chương trình phòng chống lao quốc gia và với các bác sĩ, chuyên gia hàng đầu Việt Nam thực hiện: chụp X-quang cộng đồng cho 700.000 người, tầm soát UT vú cho 5.000 người, khám sức khỏe cho 800.000 người.

Các xe khám lưu động đã triển khai hình thức chụp X-quang phổi kỹ thuật số nhằm sàng lọc các bệnh về phổi, chẩn đoán hình ảnh kịp thời các ca nhiễm bệnh liên quan đến dịch bệnh. JVC còn phối hợp cùng các bệnh viện và địa phương đặt xe khám bệnh lưu động chụp X-quang nhằm tầm soát người bệnh trước khi vào bệnh viện, ra vào các khu vực cách ly. Trong vòng 2-5 năm tới, JVC có tham vọng phủ kín 63 tỉnh, thành.

Các phòng khám lưu động được đánh giá có tiềm năng và chưa được khai phá nhìn từ diễn biến của dịch bệnh sau khi chứng kiến các bệnh viện quá tải. Tại Mỹ, các phòng khám sức khỏe di động đã đóng vai trò quan trọng, mặc dù chưa chiếm quy mô lớn trong hệ thống chăm sóc sức khỏe. Chúng cung cấp khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe đặc biệt cho những cá nhân khó di chuyển hay đang bị cô lập.

Tính linh hoạt và khả năng thích ứng của các phòng khám di động khiến chúng trở thành đối tác lý tưởng trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19. Tại Ấn Độ, một số xe buýt của Tổng Công ty Vận tải Đường bộ bang Karnataka (KSRTC) đã được chuyển đổi thành các phòng khám sức khỏe di động để kiểm tra sức khỏe tổng quát và kiểm tra COVID-19.

Có thể thấy phòng khám lưu động sẽ lấp đầy những khoảng trống trong mạng lưới an toàn chăm sóc sức khỏe, tiếp cận các nhóm dân cư cả khu vực thành thị và nông thôn. Ở những khu vực mà người dân không được tiếp cận thuận tiện với các cơ sở chăm sóc ban đầu hoặc không có khả năng đến gặp bác sĩ, mô hình y tế này có thể đặc biệt thành công. Chăm sóc ban đầu, dịch vụ phòng ngừa bệnh và nha khoa sẽ là những dịch vụ phổ biến được cung cấp bởi các phòng khám sức khỏe di động.

 

Hãng nghiên cứu Absolute Markets Insights ghi nhận thị trường phòng khám sức khỏe di động toàn cầu đạt giá trị 1,99 tỉ USD năm 2019 và dự kiến đạt 12,77 tỉ USD vào năm 2028, tương đương tốc độ tăng trưởng CAGR là 23,1%. Khu vực Bắc Mỹ sẽ dẫn đầu thị trường nhờ khả năng chi tiêu cao cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Châu Âu dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh thứ 2 do mức độ phổ biến ngày càng tăng và được người dân chú ý tới.

Tại Việt Nam, thị trường dịch vụ cung ứng thiết bị y tế và khám chữa bệnh là lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng lạc quan. Theo Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA), Việt Nam đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số từ năm 2011. Dự báo của Tổng cục Thống kê cho thấy đến năm 2038, có khoảng 21 triệu người nằm trong nhóm 60 tuổi trở lên, chiếm 20% tổng dân số và con số này trong khoảng 27 triệu người, chiếm 25% tổng dân số tới năm 2050.

Đây là thị trường để JVC có thể mở ra cơ hội mới. Mặc dù vẫn còn chặng đường dài để có thể quay trở lại giai đoạn phát triển ổn định như trước đây, nhưng quá trình tái cấu trúc hiện tại mang lại những kỳ vọng ban đầu. Mức lỗ quý I/2021 đã thấp hơn đáng kể so với năm 2020, chỉ 364 triệu đồng.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới