Hủy
Tài Chính

VN-Index rộng đường tăng trưởng

Vũ Hoài Thứ Ba | 06/09/2022 07:30

Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.225-1.398 điểm. Ảnh: Quý Hoà.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước nhiều động lực tăng trưởng.
 

Kể từ khi được thành lập vào năm 2000, thị trường chứng khoán Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, quy mô huy động vốn qua thị trường chứng khoán giai đoạn 2011- 2020 (tính đến tháng 6/2020) đạt trên 2,4 triệu tỉ đồng, gấp 8,2 lần so với giai đoạn 2000-2010, đóng góp bình quân 20% tổng vốn đầu tư xã hội.

Nhiều trợ lực quan trọng 

Năm 2022, mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua không ít thăng trầm, do tác động từ cuộc chiến tranh giữa Nga - Ukraine, tình hình lạm phát, lãi suất và vĩ mô trên thế giới nhưng đã hồi phục mạnh mẽ sau khi “chạm đáy” vào giữa tháng 7/2022 và đang nhận được nhiều trợ lực từ những quy chế mới. 

Ngày 29/8, quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán đã chính thức được áp dụng. Theo đó, nhà đầu tư có thể bán chứng khoán mua ngày T+0 ngay trong phiên giao dịch chiều ngày T+2 thay vì chờ đến ngày T+3 như trước đây. 

 

Ngoài giao dịch T+2, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, mới đây cho biết, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã báo cáo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước về việc chốt thời hạn ngày 12/9 để thực hiện giao dịch lô lẻ. Nếu lô lẻ được áp dụng trở lại, thị trường chứng khoán sẽ thực sự trở thành kênh đầu tư “không rào cản về vốn”. Thời điểm trước khi lô 100 cổ phiếu được áp dụng trên sàn HOSE, với 200.000-500.000 đồng nhà đầu tư đã có thể sở hữu cổ phiếu blue-chip. 

Ông Nguyễn Triệu Vinh, CFA, Phó Giám đốc Đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF), cho rằng đây là những bước tiến tốt của thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt khi quy mô thị trường đã tăng khá nhanh trong thời gian qua. Tại khu vực Đông Nam Á, giá trị giao dịch bình quân ngày của chỉ số VN-Index chỉ còn thấp hơn chỉ số của Thái Lan và Indonesia. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề ra mục tiêu là nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian sớm nhất có thể. 

”Vì vậy, tôi tin rằng việc đầu tư nâng cấp hạ tầng của thị trường là cần thiết và điều này sẽ tác động tích cực đến sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam không chỉ trong ngắn hạn mà cả trong dài hạn”, ông Vinh nói. 

Một tín hiệu tích cực về hạ tầng công nghệ thông tin là hệ thống KRX đang được cấp tốc triển khai và thời hạn vận hành chính thức chỉ còn tính theo tháng. “Vấn đề hệ thống công nghệ cho thị trường phải đảm bảo tính liên tục, cập nhật, hiện đại. Do đó, Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu, đề xuất để xây dựng thêm các dự án công nghệ khác, đáp ứng được nhu cầu phát triển lâu dài của thị trường trong tương lai”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chia sẻ trong buổi gặp mặt các thành viên thị trường tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM cuối tháng 7 vừa qua.

Lạc quan trong thận trọng 

Sau một chuỗi giảm mạnh từ vùng đỉnh tháng 4/2022, thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào giai đoạn hồi phục mạnh mẽ với sự dẫn dắt của nhiều nhóm ngành. Từ vùng đáy tháng 7 đến nay, chỉ số VN-Index đã tăng hơn 120 điểm, lên vùng 1.270 điểm như hiện tại. 

Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.225-1.398 điểm. Đồng thời, giá trị khớp lệnh bình quân trên sàn HOSE có thể tăng 20% so với mức bình quân của quý II/2022 lên 17.000-19.000 tỉ đồng/phiên trong những tháng còn lại của năm. 

Dù vậy, với định hướng chính sách tiền tệ thắt chặt hiện tại, VDSC cho rằng quá trình hồi phục của thị trường sẽ diễn ra trong xu thế giằng co. Chiến lược giải ngân do vậy cũng được khuyến nghị thận trọng, không mua đuổi trong những nhịp tăng bất ngờ và luôn để dành sức mua cho những nhịp sụt giảm mạnh của thị trường. Đối với nhà đầu tư dài hạn và có tính phòng thủ cao, tỉ lệ cổ phiếu: tiền mặt có thể duy trì ở mức 70:30.

Những nhóm ngành dự báo có triển vọng kinh doanh khả quan trong nửa cuối năm bao gồm khu công nghiệp, hàng không, công nghệ thông tin, ngân hàng, dược phẩm, săm lốp, thủy sản, thực phẩm và đồ uống.

 

Chia sẻ tại Talkshow Phố Tài chính, ông Nguyễn Triệu Vinh, thuộc VCBF cho rằng Chính phủ Việt Nam đang làm rất tốt các chính sách vĩ mô để kiểm soát lạm phát. Bên cạnh đó, giá dầu cũng như một số loại hàng hóa khác trên thế giới đã hạ nhiệt trong giai đoạn vừa qua và đây là các điểm tích cực cho vĩ mô. Thứ 2 là về định giá thị trường. Hiện nay hệ số P/E của VN-Index vào khoảng 12,3 lần. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý là có sự phân hóa giữa các nhóm ngành, cụ thể là nhóm ngành ngân hàng thì chỉ số P/E của nhóm ngành này hiện nay ở mức thấp, từ khoảng 7,8 lần.

Tiếp theo là kỳ vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp, trong 6 tháng đầu năm các doanh nghiệp niêm yết đạt mức tăng trưởng 17% và kỳ vọng cho năm 2022 là khoảng 20% và cho năm tiếp theo là khoảng 19%. Theo khảo sát Bloomberg, với một mức tăng trưởng lợi nhuận như vậy, P/E của thị trường vào năm 2023 sẽ thấp hơn nữa và rơi vào khoảng 10,2 lần. Đây đều là những điểm rất thuận lợi cho thị trường chứng khoán trong giai đoạn hiện nay. 

Tuy nhiên, ông Vinh cho rằng nhà đầu tư cần lưu ý vẫn còn rất nhiều thách thức vĩ mô trên thế giới trong ngắn hạn. “Về dài hạn, tôi tin rằng nền kinh tế của Việt Nam vẫn có tiềm năng tăng trưởng, có rất nhiều cơ hội để chúng ta đầu tư”, ông Vinh nói.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới