VN-Index tăng điểm ngoạn mục trong phiên giao dịch cuối tuần
Ảnh: Quý Hòa.
Trong tuần giao dịch đầu tiên của tháng 5.2020, chỉ số VN-Index đã tăng 55 điểm, vượt ngưỡng kháng cự gần quanh khu vực 800 điểm.
Đặc biệt, phiên giao dịch cuối tuần là sự bứt phá mạnh của thị trường với khối lượng giao dịch lớn nhất trong tuần qua. Giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt hơn 6.600 tỉ đồng trong phiên giao dịch 8.5.
Kết phiên, VN-Index tăng 16,5 điểm, đóng cửa tại ngưỡng 813 điểm. Trong phiên, đã có lúc chỉ số bật tăng gần 30 điểm với đà tăng mạnh của nhiều cổ phiếu. Trong đó, nhóm VN30 có nhiều mã tăng trần như VJC, TCB, VPB, HDB,…
Chỉ số VN-Index tăng mạnh vào cuối tuần với khối lượng giao dịch cao nhất kể từ đầu tháng 5. Ảnh: FireAnt. |
Tuy nhiên, càng về cuối phiên chiều, áp lực chốt lời bắt đầu xuất hiện mạnh, khiến VN-Index thu hẹp đà tăng.
Đóng góp chính đà tăng điểm của VN-Index hôm nay chủ yếu đến từ cổ phiếu VHM, VCB, TCB, VPB và VIC. Trong đó, VHM và VCB đóng vai trò dẫn dắt chính. Về kết quả kinh doanh, đây tiếp tục là 2 cái tên lãi lớn nhất sàn trong quý I/2020.
CTCP Vinhomes (HOSE: VHM) với khoản lãi sau thuế hơn 7.645 tỉ đồng trong quý I/2020, tăng 185% so với cùng kỳ năm trước đã trở thành quán quân trong bảng xếp hạng lợi nhuận quý I.
Ngân hàng Vietcombank (HOSE: VCB) báo lãi sau thuế hơn 4.182 tỉ đồng trong quý I/2020, và đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng lợi nhuận quý đầu tiên của năm 2020. Tuy nhiên, xét về mức độ tăng trưởng, Vietcombank ghi nhận sự sụt giảm về lợi nhuận trong quý đầu tiên của năm 2020. Cụ thể, so với cùng kỳ 2019, lợi nhuận kì này của Vietcombank đã giảm hơn 11,2%.
Số liệu thống kê của Công ty chứng khoán Mirae Asset, 17/30 doanh nghiệp trong nhóm VN30 công bố doanh thu tăng 5,5% và lãi sau thuế tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước nhờ sự đóng góp của Vinhomes, Thép Hòa Phát (HPG), FPT và nhóm Ngân hàng.
Tuy nhiên, nếu loại trừ khoản thu nhập bất thường 7.500 tỉ đồng của Vinhomes thì lãi sau thuế của nhóm VN30 giảm 3,5% trong quý I/2020.
Nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường
Trở lại với diễn biến của thị trường chứng khoán, phiên giao dịch cuối tuần khép lại trong bối cảnh thị trường có nhiều thông tin hỗ trợ. Điển hình là Bộ Tài chính đã đề xuất các giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán.
Các giải pháp này bao gồm lùi thời hạn tổ chức đại hội cổ đông thêm 3 tháng, tức hạn cuối cùng các doanh nghiệp tổ chức đại hội cổ đông là ngày 30.9.2020; giảm thời hạn công bố thông tin mua cổ phiếu quỹ (từ 7 ngày xuống còn 1-2 ngày); cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nếu đủ điều kiện được niêm yết trên thị trường chứng khoán; và tăng hạn mức tín dụng cho ngành chứng khoán so với mức quy định không lớn hơn 5% vốn điều lệ ngân hàng theo quy định hiện hành.
Những giải pháp này được kì vọng sẽ có thêm nhiều sản phẩm chất lượng trên thị trường chứng khoán, đồng thời kì vọng nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng chảy vào lĩnh vực chứng khoán dồi dào hơn.
Tháng 5.2020 có nên “Sell in May”?
Tháng 5 trên thị trường chứng khoán thường gắn liền với câu ngạn ngữ nổi tiếng trên phố Wall “Sell in May and go away” có nghĩa là bán trong tháng 5 và rời khỏi thị trường. Đây là câu ngạn ngữ nổi tiếng trong giới tài chính, dựa vào lịch sử kém hiệu quả của các cổ phiếu trong giai đoạn này.
Câu ngạn ngữ này cảnh báo các nhà đầu tư thoái vốn khỏi cổ phiếu vào tháng 5 và chờ đợi để tái đầu tư vào tháng 11.
Còn tại Việt Nam, số liệu thống kê của Công ty chứng khoán Mirae Asset về lợi nhuận lịch sử của VN-Index theo tháng trong vòng 2 thập kỉ qua cho thấy chỉ số VN-Index đã có 12 lần giảm điểm trong 2 thập kỉ qua (từ năm 2000-2019).
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 có lẽ đã làm thay đổi trật tự, và giới chuyên gia kì vọng những hiệu ứng theo mùa sẽ không hữu hiệu với thị trường chứng khoán trong năm nay.
Cụ thể, Công ty chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, COVID-19 đã tạo ra những thay đổi đáng kể về hành vi trong sản xuất, tiêu dùng cũng như đầu tư. Trong khi định giá rẻ đã khiến thị trường chứng khoán hấp dẫn các nhà đầu tư mới, việc hạ lãi suất ngân hàng cũng đã thúc đẩy người có tiền gửi nhàn rỗi tìm kiếm tài sản có rủi ro và lợi nhuận cao hơn. Trong tháng 3.2020, đã có 31.832 tài khoản cá nhân mới, cao gấp đôi so với trung bình hàng tháng năm 2019 và chỉ đứng sau con số của tháng 3.2018 khi chỉ số VN-Index đạt đỉnh.
Hơn nữa, tổng dư nợ cho vay của các công ty chứng khoán cũng thu hẹp 14% so với đầu năm, còn 49.000 tỉ đồng. Như vậy, không chỉ có dòng tiền từ những người chơi mới mà cả nguồn tiền sẵn sàng cho vay ký quỹ từ các công ty chứng khoán cũng tăng lên, hỗ trợ cho sự phục hồi của thị trường chứng khoán.
Các hiệu ứng theo mùa có thể sẽ không hiệu quả trong năm nay và KIS khuyên các nhà đầu tư không nên bán cổ phiếu vào tháng 5 và nghỉ ngơi như những năm khác. Thay vì điều chỉnh, KIS kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục nhẹ trong tháng tới nhờ dòng tiền mới trong nước.
* Có thể bạn quan tâm
►Dòng vốn dồi dào chảy vào thị trường chứng khoán?
►Những doanh nghiệp vượt 'bão' COVID-19 thành công
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Vũ Hoài
-
Phi Vũ