Hủy
Tài Chính

Xếp hạng tín nhiệm trái phiếu: Gỡ nút thắt tỉ USD

Phương Anh Thứ Hai | 07/12/2020 13:30

Theo quy hoạch, thị trường Việt Nam sẽ có từ 3-5 tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập, không loại trừ các công ty xếp hạng quốc tế. Ảnh: Qúy Hòa

Xếp hạng tín nhiệm trái phiếu là nút thắt cần sớm gỡ để khai thông cho một thị trường lớn.
 

Một trong những tiêu chí đầu tiên để hình thành thị trường trái phiếu hoàn chỉnh là việc xây dựng thị trường xếp hạng tín nhiệm độc lập dành riêng cho trái phiếu doanh nghiệp và xa hơn nữa là xếp hạng chính các doanh nghiệp phát hành.

Thị trường lớn

Tại Việt Nam, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng lớn đã đặt dấu hỏi về vai trò của xếp hạng tín nhiệm. Ông Matthew Batrouney, Giám đốc phụ trách khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của S&P Global Ratings, cho biết: “Dù quy mô thị trường trái phiếu so với GDP cao hơn so với Philippines và Indonesia, nhưng Việt Nam vẫn thiếu các tổ chức xếp hạng tín nhiệm mạnh”. Tương tự, theo báo cáo “Tiềm năng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm nội địa ở Việt Nam” của ADB công bố vào tháng 10 vừa qua, Việt Nam đi sau các nước trong khu vực Đông Nam Á về lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm, vì vẫn chưa có các công ty xếp hạng tín nhiệm quốc tế.

Trên thực tế, Việt Nam hiện chỉ có 2 tổ chức chính thức được cấp phép cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, bao gồm Sài Gòn Phát Thịnh (năm 2017) và FiinGroup (năm 2020). “Hoạt động cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm vẫn còn rất hạn chế do pháp luật hiện hành chưa có quy định về bắt buộc sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm khi phát hành trái phiếu ra thị trường, nhà đầu tư cũng chưa có thói quen lựa chọn đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm”, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính, đánh giá.

 

Theo quy hoạch, thị trường Việt Nam sẽ có từ 3-5 tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập, không loại trừ các công ty xếp hạng quốc tế. Ông Ngô Thế Triệu, Tổng Giám đốc kiêm Tổng Điều hành Đầu tư của Công ty Quản lý Quỹ Eastspring (quản lý khoảng 5 tỉ USD tính đến cuối tháng 6.2020), nhận định, sự ra đời của công ty xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp thị trường phát triển hơn, vì càng nhiều đơn vị tham gia thì thị trường càng minh bạch. Theo đó, việc xếp hạng tín nhiệm sẽ hình thành một “tiêu chuẩn” đánh giá chung, giúp người mua dễ đánh giá hơn, từ đó sẽ có thanh khoản tốt hơn.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS), đánh giá, nhà đầu tư sẽ an tâm hơn khi đầu tư trái phiếu của doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm, tất nhiên vẫn còn phụ thuộc vào chất lượng của tổ chức xếp hạng tín nhiệm. “Các trái phiếu được xếp hạng tín nhiệm sẽ tạo ra một thị trường minh bạch, đa dạng lựa chọn cho các nhà đầu tư. Xếp hạng tín nhiệm có thể là một trong những yếu tố thu hút các đối tượng nhà đầu tư tham gia vào thị trường nhiều hơn, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, công ty bảo hiểm và nhà đầu tư cá nhân”, đại diện TCBS đánh giá.

“Với quy mô phát hành lên đến 12,8 tỉ USD vào năm 2019, giả sử tính phí 0,1% (phù hợp với mức phí ở các quốc gia khác trong ASEAN), thì xấp xỉ khoảng 1/3 các đợt phát hành trong tương lai có thể tạo ra doanh thu đủ để hỗ trợ một tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong nước”, báo cáo ADB đánh giá.

Lộ trình 2 năm làm quen 

Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán đang quy định việc áp dụng xếp hạng tín nhiệm khi phát hành ra công chúng đối với một số trường hợp, cụ thể sẽ được áp dụng sau 2 năm kể từ khi Luật Chứng khoán có hiệu lực từ đầu năm sau. Theo nhiều chuyên gia đánh giá, đây là khoảng thời gian phù hợp để thị trường và các doanh nghiệp làm quen với việc xếp hạng tín nhiệm, vốn còn xa lạ với nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư nội địa. 

Tuy nhiều tiềm năng nhưng trên thực tế, tính hiệu quả của hoạt động xếp hạng tín nhiệm nội địa ở Việt Nam vẫn là một dấu hỏi khá lớn. Theo các chuyên gia, vấn đề khó khăn của các công ty xếp hạng tín nhiệm nằm ở chỗ ý kiến đánh giá phải độc lập và đầy đủ dữ liệu. Dữ liệu ở đây không chỉ là con số hoạt động tài chính, mà còn là các con số của ngành, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp và thậm chí là đánh giá cả ban lãnh đạo công ty, về tầm nhìn và điều hành.

 

Theo ADB, một tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong nước mới nên dành phần lớn thời gian trong 2 năm đầu để phát triển phương pháp và tiêu chí đánh giá, xây dựng thang đánh giá quốc gia theo chuẩn Việt Nam, đồng thời giáo dục thị trường và tập trung phân tích các lĩnh vực như ngân hàng và bất động sản, vốn có lượng phát hành trái phiếu chiếm áp đảo.

Trong trường hợp sau 2-3 năm mà thị trường vẫn chậm chạp, ADB lại đưa ra khuyến cáo nên bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đối với cả đợt phát hành công khai hay riêng lẻ. “Mặc dù yêu cầu như vậy sẽ làm tăng thêm chi phí giao dịch, nhưng nó sẽ dẫn đến sự phát triển của văn hóa tín dụng. Điều này rất quan trọng đối với sự phát triển của thị trường trái phiếu sôi động”, báo cáo của ADB đánh giá.

Bộ Tài chính kỳ vọng, việc thiết lập các quy định mới sẽ làm gia tăng nhu cầu xếp hạng tín nhiệm, từ đó lan tỏa ra với trái phiếu không bắt buộc xếp hạng tín nhiệm. Xếp hạng tín nhiệm không chỉ tạo kênh đánh giá rủi ro với nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành, mà còn là cơ sở để các bộ ngành liên quan nghiên cứu và ban hành các quy định an toàn vốn trong lĩnh vực kinh doanh đặc thù như ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm.

Ảnh:TL
Bộ Tài chính kỳ vọng, việc thiết lập các quy định mới sẽ làm gia tăng nhu cầu xếp hạng tín nhiệm, từ đó lan tỏa ra với trái phiếu không bắt buộc xếp hạng tín nhiệm. Ảnh:TL

Ngoài ra, các chuyên gia đều cho rằng trong tương lai, thị trường cần hướng tới việc xếp hạng cả nhà phát hành chứ không chỉ là trái phiếu phát hành trong đợt đó. Kinh nghiệm của ADB ở các quốc gia ASEAN cho thấy xếp hạng trái phiếu giúp mang đến nguồn thu trong vài năm đầu, nhưng tiếp theo thì việc xếp hạng tín nhiệm các nhà phát hành mới có thể giúp cơ quan xếp hạng tín nhiệm tồn tại được trong nền kinh tế và đi qua nhiều chu kỳ phát triển.

Theo đại diện TCBS, mấu chốt của việc xếp hạng tín nhiệm là lợi ích của doanh nghiệp, làm sao để doanh nghiệp thấy được lợi ích của việc xếp hạng tín nhiệm là sẽ tự tạo ra được văn hóa xếp hạng tín nhiệm trong tương lai. “Các nhà phát hành và nhà đầu tư hiểu được các lợi ích càng nhiều thì thị trường càng nhanh chóng chuyển đổi”, báo cáo của ADB đưa ra nhận định tương tự.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới