Yếu tố nào đang hỗ trợ xu hướng của thị trường chứng khoán?
Hình ảnh tại Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam. Ảnh: TL.
Các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới thi nhau lập các đỉnh cao mới khi kỷ nguyên lãi suất cao đang dần chấm dứt. Chỉ số MSCI ACWI theo dõi các thị trường phát triển và thị trường mới nổi liên tiếp lập các đỉnh cao mới nhờ lực đẩy từ chứng khoán Mỹ (Dow Jones) và Châu Âu (STOXX 600).
Thị trường trong nước gần như đi ngang trong biên độ hẹp ở tuần cuối tháng 8 và dừng chân ở ngưỡng 1.283,87 điểm. Thanh khoản bình quân toàn thị trường tuần cuối tháng 8 đạt 17.264 tỉ đồng, giảm 13,1% so với tuần trước đó. Theo thống kê, thanh khoản tháng 8 còn 18.580 tỉ đồng, giảm 4,1% so với tháng 7.
Trong báo cáo mới nhất về thị trường, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng thị trường trong nước đang có cơ hội để vượt ngưỡng kỹ thuật 1.300 điểm. MBS đã chỉ ra những yếu tố có thể hỗ trợ thị trường chứng khoán trong nước.
Đầu tiên, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định kinh tế Việt Nam có khả năng chống chịu tốt trong bối cảnh toàn cầu có nhiều thách thức. GDP năm nay vì thế được dự báo tăng 6,1%, cao hơn nhiều mức 5,5% tổ chức này đưa ra hồi tháng 4. Theo WB, GDP Việt Nam tiếp tục tăng, khả năng đạt 6,5% cho hai năm tới.
Thứ hai, Việt Nam có thể được nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi, FTSE Russell sẽ công bố sau ngày 8/10 tới thay vì tháng 9 như mọi năm. Tại thông báo lần này, FTSE sẽ có 3 thị trường được đưa vào danh sách theo dõi kể từ tháng 3/2024 là Ai Cập, Pakistan và Việt Nam.
Thứ ba, tỉ giá USD/VND liên tục hạ nhiệt khi triển vọng FED cắt giảm lãi suất gia tăng. Giới chuyên môn nhìn nhận, áp lực tỉ giá hạ nhiệt sẽ tạo dư địa cho Ngân hàng Nhà nước linh hoạt hơn trong việc điều hành chính sách tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
“Với lãi suất, dù xu hướng tăng lãi suất huy động vốn của các ngân hàng vẫn chưa dừng lại, nhưng tốc độ tăng đã chậm lại, thậm chí một số ngân hàng còn có động thái giảm lãi suất trở lại trong những tuần gần đây”, MBS nhận định.
Ở góc nhìn kỹ thuật, tổ chức này cho rằng mặc dù chỉ số VN-Index đi ngang trong 7 phiên gần đây nhưng vẫn nằm trong xu hướng tăng khi đã thoát khỏi xu hướng giảm nối các đỉnh tháng 6 và tháng 7. Hiện chỉ số này vẫn nằm trên tất cả các đường MA quan trọng từ MA 50 đến MA200. Phía trước vẫn là vùng cản kỹ thuật ngắn hạn 1.297 – 1.306 điểm, trong kịch bản cơ bản khi VN-Index vượt vùng cản ngắn hạn này, MBS kỳ vọng chỉ số sẽ hướng đến vùng mục tiêu 1.320 điểm, trong khi vùng hỗ trợ ở 1.260 điểm.
“Chúng tôi khuyến nghị cơ hội đầu tư đối với một số nhóm cổ phiếu nổi bật như: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bán lẻ, đầu tư công, nhà đầu tư có thể xem xét để giải ngân mới hoặc cơ cấu danh mục”, MBS khuyến nghị.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều yếu tố hỗ trợ cho tỉ giá trong phần còn lại của năm 2024
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Nhật Lệ
-
Minh Đức