Hủy
Thế giới

8 lý do phá giá tiền tệ của Trung Quốc ảnh hưởng đến thế giới

Thứ Hai | 17/08/2015 07:10

 
 
Việc Trung Quốc phá giá nhân dân tệ giao không chỉ gây ra cú sốc tạm thời cho thị trường tài chính, nó còn tác động lâu dài đến khắp thế giới.

Sau khi Trung Quốc phá giá tiền tệ 3 ngày liên tiếp vào tuần trước, một chuyên gia kinh tế đã từng thốt lên rằng “lại là tháng 8”. Điều đó ám chỉ rằng tháng 8 đã từng chứng kiến nhiều sự kiện đáng chú ý trong lịch sử, từ cuộc khủng hoảng nợ của Nga vào năm 1998, tới những gì ông chủ hãng Northern Rock là Adam Applegarth gọi là "ngày thế giới thay đổi," khi làn sóng đầu tiên của cuộc khủng hoảng tín dụng bắt đầu tác động năm 2007; hay tháng 8/2011 khi Standard and Poor gây chấn động thị trường tài chính bằng cách tước bậc xếp hạng tín nhiệm AAA của Mỹ.

So sánh xa hơn, việc đồng Nhân dân tệ giảm khoảng 3% so với đồng USD sau khi bị phá giá là không đáng kể nếu so với việc đồng Bảng Anh bị mất 16% năm 1967 khi Harold Wilson – một trong những chính trị gia nổi tiếng của Anh - tìm cách trấn an công chúng về "đồng Bảng trong túi người dân".

Tuy nhiên, quyết định của Trung Quốc khiến đồng Nhân dân tệ mất giá lớn nhất trong 20 năm, và tác động của nó vẫn chưa phản ánh hết. Vậy có gì khác biệt nó gây ra cho thế giới?

1. Lời cảnh tỉnh cho các nước xuất khẩu

Phá giá Nhân dân tệ có thể là một tín hiệu cho thấy các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc không muốn để nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng chậm hơn so với mức mục tiêu đã đề ra là 7%/năm. Trung Quốc đang cố gắng thay đổi động lực tăng trưởng từ việc tập trung vào xuất khẩu sang tập trung vào tiêu dùng – trong khi cùng lúc tìm cách làm xẹp bong bóng bất động sản. Động thái phá giá của tuần trước cho thấy một số nhà hoạch định chính sách có thể đang mất kiên nhẫn với chiến lược đó. Paul Krugman, nhà kinh tế đoạt giải Nobel, mô tả quyết định của Trung Quốc là "miếng cắn đầu tiên vào quả anh đào", ám chỉ rằng có thể còn có những hành động tiếp theo.

Nếu nền kinh tế thực của Trung Quốc yếu hơn nhiều so với dự tính, đó sẽ là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho bất kỳ công ty nào đang mong muốn tăng xuất khẩu sang Trung Quốc để giảm bớt sự phụ thuộc vào các nền kinh tế Châu Âu đang ì ạch. Trung Quốc sẽ vẫn là một thị trường rộng lớn, nhưng có thể sẽ không còn khá như một một số người đã phân tích.

2. Giáng Sinh vui vẻ

Một Giáng Sinh ít tốn kém đang được trông đợi. Trung Quốc là một công xưởng khổng lồ sản xuất hàng tiêu dùng giá rẻ cho phần còn lại của thế giới. Dù đang thay đổi chiến lược này, nhưng nếu nhìn vào nhãn hiệu trên gần như bất kỳ chiếc áo sơ mi hay đồ chơi nào, người ta vẫn thấy dòng chữ "Made in China". Đồng tiền của một quốc gia không phải là yếu tố duy nhất quyết định hàng hóa của nước đó sẽ có giá bao nhiêu khi ra thị trường lớn, mà còn nhiều yếu tố nữa: tiền lương ở Trung Quốc đã tăng lên, khiến hàng hóa bớt khả năng cạnh tranh, trong khi giá của nguyên liệu và chi phí vận chuyển cũng là yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, đồng Nhân dân tệ giảm giá sẽ buộc các đối thủ Châu Á của Trung Quốc, như Indonesia và Hàn Quốc, phải cạnh tranh gắt gao hơn. Kết quả là các món quà Giáng Sinh do Trung Quốc sản xuất có thể được giảm giá. Vì vậy, sẽ có một hiệu ứng giảm lạm phát từ Trung Quốc sang các nước khác từ việc giá hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn.

3. Giá xăng bán lẻ giảm

Nhu cầu tài nguyên thiên nhiên dường như vô độ của Trung Quốc là một yếu tố quan trọng hỗ trợ giá dầu trong những năm gần đây. Vì vậy, tâm lý lo ngại nền kinh tế của Trung Quốc đang gặp trục trặc sẽ khiến giá dầu giảm, theo đó sẽ khiến giá xăng rẻ hơn. Tất nhiên, còn có những yếu tố khác như việc sản lượng dầu của Mỹ tăng cao, nhưng giá dầu thế giới đã quay lại đà giảm và xuống dưới 50 USD/thùng trong tuần trước sau động thái phá giá của Trung Quốc. Trong những tháng tới, nhu cầu của Trung Quốc yếu có thể còn làm giá nhiều hàng hóa giảm tiếp, từ dầu mỏ tới quặng sắt.

4. Làm trì hoãn việc tăng lãi suất

Các ngân hàng trung ương ở Mỹ và Anh đã đưa ra khuyến cáo trong nhiều tháng nay rằng họ đang chuẩn bị tăng lãi suất sau một thời gian dài cắt giảm từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ông Mark Carney, Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh, đã ám chỉ "lúc chuyển sang năm mới" có thể là thời điểm xem xét tăng lãi suất, còn chủ tịch Janet Yellen của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại báo hiệu rằng có thể tăng lãi suất vào tháng 9. Tuy nhiên, nếu việc phá giá đồng Nhân dân tệ làm giảm giá hàng nhập khẩu, điều này sẽ kìm hãm lạm phát và có thể làm trì hoãn việc tăng lãi suất.

 5. Giảm phát, giảm phát và giảm phát

Trong ngắn hạn, chi phí vay thấp hơn so với dự kiến ​​sẽ có lợi cho người tiêu dùng đang đi vay nhiều ở phương Tây. Nhưng một số nhà phân tích cho rằng quyết định của Trung Quốc là bằng chứng mới nhất cho thấy nhu cầu trong nền kinh tế toàn cầu đang yếu. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng giảm phát. Nếu giảm phát diễn ra trong thời gian ngắn, đặc biệt là nếu tập trung vào số một mặt hàng, thì đó có thể là tin tốt. Nhưng các nhà kinh tế lo ngại giá cả có thể liên tục giảm, theo đó làm suy giảm chi tiêu, đầu tư và tiền lương, khiến người tiêu dùng và các doanh nghiệp trì hoãn chi tiêu vì dự đoán giá hàng hóa sẽ còn rẻ hơn trong tương lai.

Và nếu một cuộc suy thoái mới không đến, các ngân hàng trung ương sẽ không có công cụ nào để xử lý tiếp vì lãi suất ở Mỹ, Anh và Châu Âu đã gần như ở mức sàn rồi.

Chuyên gia kinh tế Ann Pettifor thuộc cơ quan cố vấn Prime của Anh, người đã dự báo được trước cuộc khủng hoảng tín dụng trong cuốn sách của bà năm 2006 mang tên “Cuộc khủng hoảng nợ đầu tiên của thế giới đang đến”, tin rằng các nền kinh tế phát triển đang phải đối mặt với một số thách thức mà Nhật Bản đã hứng chịu trong "thập kỷ mất mát" của mình, khi nước này phải chịu cả tình trạng giảm phát và lẫn sức cầu yếu. Nhưng không giống như Nhật Bản, nhiều nền kinh tế phát triển, nhất là Anh, sẽ bước vào một cuộc khủng hoảng mới với một gánh nặng nợ vay. "Đó là áp lực về nợ đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp, chính quyền các địa phương," bà Pettifor nhận định.

6. Thời kỳ khó khăn cho nhiều nước

Australia đã trải qua một đợt bùng nổ kinh tế ấn tượng trong những năm gần đây nhờ bán tài nguyên thiên nhiên, bao gồm than đá và quặng sắt, cho các nước láng giềng Châu Á, và Trung Quốc chiếm hơn 1/4 xuất khẩu của nước này. Vì vậy, sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc là tin xấu đối với Australia. Nghiên cứu của hãng tư vấn Oxford Economics tuần trước, trong đó mô hình hóa tác động của việc phá giá đồng Nhân dân tệ với mức 10% cộng với giả thiết kinh tế Trung Quốc giảm tốc mạnh, cho thấy các nước chịu tác động mạnh khác có thể bao gồm Brazil, Nga, Chile và Hàn Quốc.

7. Thêm khó khăn cho Hy Lạp

Nếu việc phá giá của Trung Quốc dẫn đến một làn sóng giảm phát đối với nền kinh tế toàn cầu, thì các quốc gia dễ bị tổn thương nhất sẽ là những người đang ngập trong nợ nần - bởi vì trong khi tiền lương và lợi nhuận sụt giảm trong thời kỳ giảm phát, thì giá trị của các khoản nợ lại vẫn không thay đổi, khiến họ khó trả nợ hơn. Và các nền kinh tế mà nhu cầu và niềm tin người tiêu dùng vốn đã yếu nay lại có xu hướng còn khó khăn hơn bởi giảm phát có thể khiến chi tiêu của người tiêu dùng giảm.

Các nền kinh tế nhỏ ở Châu Âu, không chỉ có Hy Lạp, sẽ nằm trong số các nước bị ảnh hưởng theo kiểu này. Hy Lạp đã và đang bị giảm phát sau nhiều lần cắt giảm tiền lương và các phúc lợi do chính phủ phải cố gắng cân bằng ngân sách, và trong trường hợp xấu hơn, các khoản nợ khổng lồ của nước này - trị giá hơn 170% quy mô của nền kinh tế - sẽ khó trả hơn.

8. Chiến tranh tiền tệ

Động thái của Bắc Kinh bề ngoài được coi như một phần của biện pháp mở cửa hệ thống tài chính của Trung Quốc và cho phép thị trường ngoại hối có vai trò điều tiết lớn hơn đối với giá trị của đồng Nhân dân tệ - điều mà Mỹ từ lâu đã đòi hỏi như một bằng chứng thể hiện Trung Quốc đang thực sự mở cửa hệ thống tài chính. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hoan nghênh động thái đó. Nhưng việc phá giá lại được chào đón một cách giận dữ vẫn ở Washington. Thượng nghị sĩ Chuck Schumer của bang New York cho rằng, trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã sắp đặt các quy tắc và cuộc chơi bằng đồng tiền của mình, khiến nhiều người lao động Mỹ thất nghiệp. Thay vì phương pháp của họ, chính phủ Trung Quốc dường như lại làm mạnh tay gấp đôi.

"Thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa và là cựu đại diện thương mại Mỹ Rob Portman cáo buộc Trung Quốc là đang cố gắng đạt được lợi thế thương mại không công bằng với Mỹ thông qua việc "thao túng tiền tệ "- cũng giống như cách Mỹ đang đàm phán một thỏa thuận thương mại quan trọng là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương với một số đối thủ của Trung Quốc, trong đó có Nhật Bản.

Nếu chính quyền Bắc Kinh cho phép đồng Nhân dân tệ tiếp tục giảm trong những tháng tới, nó có thể làm gia tăng căng thẳng thương mại, hay thậm chí gây ra là một "cuộc chiến tranh tiền tệ", trong đó các khối buôn bán lớn nhất thế giới đối mặt với nhau trong một cuộc chiến tranh giành thị phần toàn cầu.

Giờ đây, việc phá giá 4% của đồng Nhân dân tệ mới chỉ là một vết nứt nhỏ trong trật tự kinh tế thế giới chứ chưa phải một thay đổi về địa chấn, nên các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc hậu quả của nó về lâu dài.

Nguồn NDH/Guardian


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới