Hủy
Thế giới

Bắc Cực có thể trở thành điểm nóng kinh tế mới của thế giới

Thứ Ba | 04/06/2013 21:54

Diện tích băng ngày một thu hẹp ở Bắc Cực đang mở ra những cơ hội mới cho thương mại, vận chuyển và khai thác tài nguyên thiên nhiên.
 

Theo các chuyên gia phân tích, Bắc Cực sẽ sớm trở thành một điểm nóng kinh tế cực kỳ quan trọng trong thập kỷ tới khi tình trạng biến đổi khí hậu khiến việc tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên, cũng như các tuyến đường giao thông ở cực Bắc trở nên dễ dàng hơn.

Các dữ liệu vệ tinh thu thập từ năm 1979 cho thấy độ dày của băng ở Bắc Cực và phạm vi của biển băng đã giảm đi đáng kể trong những thập kỷ qua, đặc biệt là vào mùa hè. Theo số liệu của Trung tâm băng tuyết Mỹ, số lượng băng ở Bắc Cực tính đến tháng 9/2012 ở mức 3,61 triệu km vuông - thấp hơn mức trung bình trong giai đoạn 1979 đến 2000 đến 49%.

Sự thu hẹp của băng Bắc Cực giúp việc thăm dò tài nguyên thiên nhiên trở nên dễ dàng hơn. Các cuộc khảo sát từ năm 2008 của Mỹ cho thấy 13% trữ lượng dầu cùng 30% lượng khí đốt tự nhiên chưa được khai phá của thế giới đang nằm ở dưới đáy sâu của Bắc Cực.

Bên cạnh đó, băng tan chảy cũng mở ra tuyến đường thương mại nối liền 3 lục địa châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Trong năm 2012, tổng cộng có khoảng 46 chuyến tàu vận chuyển, với lượng hàng 1,3 triệu tấn đã sử dụng tuyến đường biển qua Bắc Cực nối liền với bờ biển phía Bắc của Nga. Đây được coi là một sự gia tăng khá đáng kể, bởi trong năm 2011, chỉ có 34 chuyến tàu vận chuyển, với 820.000 tấn hàng, sử dụng tuyến đường này.

Cho đến nay, những lợi ích to lớn ở Bắc Cực đã thu hút không chỉ những quốc gia tiếp giáp với vùng biển này. Trong đó, châu Âu là khu vực đặc biệt chú ý hơn cả tới Bắc Cực. Nếu có thể kiểm soát các tuyến đường biển ở Bắc Cực, châu Âu có thể thay thế một số tuyến đường thương mại tới châu Á, như kênh đào Suez, đồng thời giúp giảm chi phí và tăng cường khả năng tiếp cận thị trường tiêu dùng đang phát triển nhanh chóng ở châu Á.

Trung Quốc cũng thể hiện mối quan tâm đặc biệt với Bắc Cực. Điều này thể hiện rõ qua việc Bắc Kinh không ngừng nỗ lực vận động các nước Bắc Âu chấp nhận cho Trung Quốc trở thành một quan sát viên trong Hội đồng Bắc Cực.

Theo các nhà phân tích, với những quốc gia khó có khả năng tiếp cận Bắc Cực như Trung Quốc, thì quan hệ ngoại giao và quan hệ song phương tốt đẹp với các quốc gia có quyền kiểm soát Bắc Cực là vô cùng quan trọng trong việc cải thiện lợi ích quốc gia.

Theo thống kê, các tuyến đường vận chuyển qua Bắc Cực - được cho là sẽ thay thế hoàn toàn tuyến đường biển thông qua Địa Trung Hải và kênh đào Suez - sẽ giúp các nước thu ngắn 20% khoảng cách vận chuyển, đồng thời giúp tiết kiệm đáng kể chi phí nhiên liệu và thuê nhân lực.

Nguồn Economy Watch/Dân Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới