Hủy
Thế giới

Basel III và các quy định siết chặt gây sức ép lên các ngân hàng dòng tộc

Thứ Ba | 12/08/2014 13:25

Sức ép tăng vốn đối với ngân hàng nhỏ là rất lớn. Basel 3 có thể yếu tố dẫn đến sự biến mất của các ngân hàng dòng tộc nhỏ.
 

Mới đây, vừa có thông tin Ngân hàng Nhà nước đã chọn 10 ngân hàng thương mại đầu tiên thực hiện thí điểm lộ trình tuân thủ Basel 2. Đây là bước đi rất cần thiết trước xu hướng ngày càng thắt chặt các quy định về ngân hàng của thế giới. Trong khi lộ trình để áp dụng Basel 3 của thế giới là đến 2019 cũng không còn xa.

Theo blogger kinh tế nổi tiếng Giang Lê, giới tài chính thế giới mấy hôm nay cũng đang xôn xao về đề xuất của Anat Admati, giáo sư kinh tế tại Stanford, bắt ngân hàng phải tăng tỷ lệ vốn cổ phẩn/tổng tài sản (equity/total assets) lên ít nhất 30%. Yêu cầu này thậm chí còn khắc nghiệt hơn Basel III rất nhiều, và tất nhiên là không thực tế, sẽ bị cả giới ngân hàng lẫn chính trị gia chống đối.

Nhưng điều này cũng nó cho thấy thế giới đang dần hình thành khuynh hướng thúc đẩy việc thắt chặt các quy định về ngân hàng.

Trên thực tế chưa cần các quy định như vậy, mà chỉ việc phải thực hiện lộ trình áp dụng Basel III cũng đã gây sức ép làm rất nhiều ngân hàng dòng tộc lâu đời, đặc biệt ở khu vực châu Á phải chịu sáp nhập với các tổ chức tài chính khác.

Hồi đầu tháng 4 năm nay, OCBC, ngân hàng lớn thứ 2 Đông Nam Á tính theo giá trị tài sản đã đồng ý mua lại Wing Hang – một ngân hàng dòng tộc ở Hong Kong với giá gần 5 tỷ USD. Nếu được cơ quan điều tiết phê duyệt, đây có thể là vụ sáp nhập lớn nhất của một ngân hàng ở Hong Kong kể từ năm 2001 khi đối thủ của OCBC là ngân hàng Singapore DBS Group mua lại Ngân hàng Dao Heng.

Thương vụ đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của báo giới tài chính. Sự thu hút ấy có lẽ không phải bởi quy mô của thương vụ bởi trước nay có nhiều thương vụ đình đám làm nên tên tuổi của nhiều định chế tài chính thế giới như Bank of America mua lại Merrill Lynch với giá 50 tỷ USD, Bank America Corp sáp nhập NationsBank với giá 64 tỷ USD. Điều đáng nói ở đây là thêm một ngân hàng dòng tộc nữa của Hong Kong trở thành mục tiêu của các thương vụ sáp nhập.

r

Wing Hang là một ngân hàng thuộc sở hữu của dòng họ Fung ở Hong Kong. Đây là một trong số ít ngân hàng dòng tộc còn sót lại ở Hong Kong, hai ngân hàng khác là Bank of East Asia và Dah Sing. Thành lập năm 1937 bởi nhà tài phiệt Y. K. Fung, Wing Hang ban đầu chỉ là cơ sở chuyên hoán đổi tiền tệ. Xây dựng lại sau Thế chiến thứ 2, ngân hàng này chỉ có 19 nhân viên và chỉ sau 1 thời gian tăng trưởng ổn định họ mới được cấp giấy phép ngân hàng.

Với việc mua lại Wing Hang với giá gấp gần 2 lần giá trị sổ sách, OCBC có thể mở rộng mạng lưới hoạt động ở Trung Quốc và kỳ vọng nâng tỷ lệ lợi nhuận từ thị trường này từ 6% lên 16%.

Vụ mua bán của OCBC được tiến hành ngay sau vụ sáp nhập ngân hàng Chong Hing của tập đoàn Yue Xiu vào tháng 10/2013. Yue Xiu mua lại Chong Hing với giá gấp 2,1 lần giá trị sổ sách. Giống như Wing Hang, Chong Hing là ngân hàng được điều hành bởi một dòng tộc nhỏ nhất tại Hong Kong.

Có thể thấy rõ nhất ở Hong Kong, các ngân hàng dòng tộc nhanh chóng bị các ngân hàng lớn của Trung Quốc thâu tóm nhất là trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt. Xu hướng này được cho là sẽ tạo ra một thời kỳ hoàn toàn mới cho ngành ngân hàng Hong Kong.

Ngoài vấn đề cạnh tranh thì quy định khắt khe hơn về vốn ở Hong Kong buộc các ngân hàng phải tăng nguồn vốn. Mặc dù 4 ngân hàng dòng tộc còn lại ở Hong Kong vẫn đáp ứng được yêu cầu vốn tối thiểu nhưng chi phí lãi vay sẽ cao hơn khi họ muốn bán trái phiếu ra thị trường để bổ sung vốn, trong khi đó hoạt động kinh doanh của họ chỉ dựa vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay các khách lẻ. Theo quy định của Basel 3, trái chủ là những người đầu tiên phải chấp nhận lỗ nếu một ngân hàng sụp đổ, do đó, ngân hàng sẽ phải đưa ra lợi suất cao hơn để hấp dẫn nhà đầu tư.

Một số chuyên gia phân tích và ngân hàng dự đoán rằng, các dòng tộc còn lại của Hong Kong cuối cùng cũng sẽ đồng ý bán ngân hàng của mình mặc dù đã tồn tại trong nhiều thập kỷ.

Theo lộ trình, đến năm 2019, các ngân hàng sẽ phải thực hiện Basel 3, quy định mới về vốn nhằm tránh lặp lại cuộc khủng hoảng tài chính lan ra toàn cầu như vụ Leman Brothers. Trong khi một số nước đã tiên phong áp dụng quy định này, một số nước, trong đó có các nước châu Âu vẫn muốn trì hoãn.

ư

Các ngân hàng phải duy trì mức vốn phù hợp trên mức vốn tối thiểu tùy vào mức độ rủi ro, mô hình kinh doanh, điều kiện kinh tế. Theo Basel 3, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) vẫn là 8%, nhưng tỷ lệ của loại vốn có chất lượng cao được nâng lên, cụ thể: tỷ lệ vốn cấp 1 (bao gồm vốn cổ phần và lợi nhuận giữ lại) tăng từ 4% trong Basel 2 lên 6% trong Basel 3, trong đó tỷ lệ vốn của cổ đông thường (common equity) chiếm 4,5%, tăng so với quy định 2% trước đó. Ngoài ra, các ngân hàng cũng phải xây dựng một nguồn vốn đệm riêng (bao gồm cổ phần thông thường) chiếm 2,5% tổng giá trị tài sản. Qua đó, nâng tổng hệ số vốn cấp 1 lên 7%.

Trong thương vụ giữa OCBC và Wing Hang Bank, trước khi đàm phán mua lại, hệ số CAR của OCBC là 16,3% và dự báo sẽ giảm còn 12,5% sau thương vụ, trong đó tỷ lệ vốn cấp 1 giảm từ 14,5% xuống 11%. Chi phí cho thương vụ được kỳ vọng có thể bủ đắp bằng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu vào năm 2017. Trong khi đó, tỷ lệ vốn cấp 1 tính đến cuối quý II/2013 của Wing Hang là 10,8%.

Tuy chưa chính thức có hiệu lực nhưng Basel 3 – quy định mới về vốn đối với ngân hàng toàn cầu đã ảnh hưởng lớn đến hệ thống tài chính, thể hiện rõ ở xu hướng mua bán, sáp nhập ở lĩnh vực này.

“Sức ép thanh khoản cộng với môi trường kinh tế khắc nghiệt và việc không ngừng thay đổi các chính sách sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến mô hình kinh doanh của các ngân hàng và là yếu tố quan trọng thúc đẩy hoạt động M&A trong ngành. Hầu hết các thương vụ M&A sẽ chỉ là các giao dịch mang tính chiến thuật và ở quy mô trung bình khi các ngân hàng tái tập trung vào mảng kinh doanh chính của mình.

Nhiều ngân hàng châu Âu nhận cứu trợ của chính phủ đã đồng ý yêu cầu tái cấu trúc từ Liên minh châu Âu. Dexia, ngân hàng hợp tác giữa Pháp và Bỉ đang trong quá trình chào bán các mảng kinh doanh như quản lý tài sản. Chính điều này đã tạo cơ hội cho các ngân hàng khác nhảy vào và chiếm lĩnh thị trường.

Trở thành nạn nhân của chính dòng tộc quyền lực hàng đầu tại Bồ Đào Nha, ngân hàng Banco Espírito Santo (BES) thua lỗ dai dẳng và rơi vào khủng hoảng. Khủng hoảng ở ngân hàng niêm yết lớn nhất Bồ Đào Nha này đã nhanh chóng tạo ra cơn hoảng loạn trên thị trường tài chính toàn cầu và buộc chính phủ Bồ Đào Nha bơm 4,4 tỷ euro cứu trợ.

Đế chế khổng lồ Banco Espírito Santo (BES) bắt đầu hoạt động từ năm 1869 với ngành kinh doanh ngoại hối, cuối cùng phát triển thành Ngân hàng BES. Năm 1975, BES bị quốc hữu hóa. Một số thành viên gia đình Espírito Santo phải rời khỏi Bồ Đào Nha. Nhưng dưới sự bao bọc của công ty mẹ ESI, hoạt động kinh doanh của gia tộc này vẫn tiếp tục phát triển. Năm 1991, Ngân hàng BES lại tư nhân hóa dưới sự điều hành của gia tộc Espírito Santo.

Công ty mẹ của BES - tập đoàn của dòng Espírito Santo không ngừng mở rộng, kinh doanh từ khách sạn, bệnh viện, ngân hàng, bảo hiểm, công nghiệp đến các hoạt động thương mại đa dạng khác. BES trở thành công cụ của công ty mẹ để phát hành trái phiếu và đó cũng là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng của BES.

Trong một động thái nhằm kiểm soát khủng hoảng, Ngân hàng Trung ương Bồ Đào Nha yêu cầu BES phải thay thế ban điều hành mới dưới sự lãnh đạo của Vitor Bento - cựu chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Trung ương Bồ Đào Nha.

Nguồn Theo DVO


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới