Hủy
Thế giới

Các ngân hàng Trung Quốc có thể mất 350 tỉ USD vì bất động sản

Hân Bảo Thứ Ba | 02/08/2022 19:00

Những ngôi nhà ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.

Việc người dân từ chối trả tiền vay thế chấp và tăng trưởng chậm lại đang khiến các nhà chức trách lo lắng.
 

Trong kịch bản xấu nhất, các ngân hàng của Trung Quốc có khả năng phải đối mặt với khoản lỗ thế chấp 350 tỉ USD, khi niềm tin vào thị trường bất động sản của quốc gia này sụt giảm và các nhà chức trách phải gặp nhiều khó khăn để kiềm chế tình trạng hỗn loạn ngày càng gia tăng.

Ở Trung Quốc, ngày càng nhiều dự án bất động sản bị rơi vào trạng thái "đóng băng", người mua nhà hoài nghi việc họ có được bàn giao nhà hoàn thiện hay không, dẫn đến làn sóng người mua nhà từ chối thanh toán tiền vay ngân hàng, tình trạng này nổi lên tại hơn 90 thành phố của Trung Quốc, đặt ra rủi ro lan rộng. Câu hỏi đặt ra lúc này không còn là liệu làn sóng này có ảnh hưởng hay không, mà là sẽ ảnh hưởng ở mức độ nào đối với hệ thống ngân hàng 56 nghìn tỉ USD của Trung Quốc.

 

Trong trường hợp xấu nhất, S&P Global Ratings ước tính rằng 2,4 nghìn tỉ nhân dân tệ (356 tỉ USD), tương đương 6,4% các khoản thế chấp, đang gặp rủi ro trong khi Deutsche Bank AG cảnh báo rằng ít nhất 7% dư nợ cho vay mua nhà ở Trung Quốc đang ở thế rủi ro.

Đang phải đương đầu với nền kinh tế giảm tốc, những gián đoạn do COVID-19 gây ra và tỷ lệ thất nghiệp cao ở giới trẻ, Bắc Kinh đã đặt ổn định tài chính và xã hội vào vị trí ưu tiên cao nhất. Những biện pháp đã được triển khai đến thời điểm hiện tại bao gồm thời gian ân hạn cho các khoản thanh toán nợ vay mua nhà và quỹ do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hậu thuẫn để cung cấp hỗ trợ tài chính cho các chủ dự án. Các ngân hàng thương mại được kỳ vọng sẽ giữ một vai trò tích cực trong bất kỳ một vụ giải cứu doanh nghiệp hay thị trường địa ốc nào, nếu có.

Mức độ cho vay của các ngân hàng Trung Quốc đối với lĩnh vực bất động sản là lớn hơn đối với bất kỳ lĩnh vực nào khác ở nước này. Theo dữ liệu từ PBOC, ở thời điểm cuối tháng 3, dư nợ cho vay mua nhà tại các ngân hàng Trung Quốc là 39 nghìn tỉ Nhân dân tệ, còn dư nợ cho vay đối với các công ty phát triển địa ốc là 13 nghìn tỉ Nhân dân tệ.

 

Khoảng 7% dư nợ cho vay mua nhà có thể bị ảnh hưởng nếu làn sóng người mua nhà từ chối trả nợ tiếp tục lan rộng – theo nhà phân tích Lucia Kwong của Deutsche Bank. Ước tính này có thể vẫn là thận trọng, xét tới việc khó tiếp cận thông tin về các dự án còn dang dở - bang Kwong nói.

Để hạn chế ảnh hưởng, Trung Quốc có thể sử dụng lượng vốn thừa và dự phòng nợ xấu dôi dư tại 10 ngân hàng lớn nhất của nước này. Số vốn này đạt tổng cộng khoảng 4,8 nghìn tỷ Nhân dân tệ - theo hai nhà phân tích Francis Chan và Kristy Hung của Bloomberg Intelligence.

Các ngân hàng địa phương nhỏ lẻ tại các khu vực đô thị và vùng nông thôn Trung Quốc có thể sẽ phải gánh vác nhiều trách nhiệm hơn so với các ngân hàng quốc doanh, một phần do mối quan hệ chặt chẽ hơn của các ngân hàng này với chính quyền địa phương, cho dù đệm vốn của họ thấp hơn nhiều so với mức bình quân của toàn ngành.

Trong nửa đầu năm nay, các ngân hàng Trung Quốc đã huy động được lượng vốn lớn chưa từng có nhờ phát hành trái phiếu, một phần với mục đích chuẩn bị cho sự gia tăng đột biến của nợ xấu.

Các khoản cho vay khó đòi đã lên tới 2,9 nghìn tỉ nhân dân tệ vào cuối tháng 3, và sắp đạt kỷ lục mới, tiếp tục gây căng thẳng cho nền kinh tế đang mở rộng với tốc độ chậm nhất kể từ khi bùng phát COVID.

 

Trong khi tổng nợ trên GDP của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng lên mức kỷ lục mới trong năm nay, người tiêu dùng lại ít có xu hướng sử dụng đòn bẩy tài chính hơn. Điều đó đã làm dấy lên một cuộc tranh luận về nguy cơ Trung Quốc rơi vào “suy thoái bảng cân đối kế toán”, với việc các hộ gia đình và công ty cắt giảm chi tiêu và đầu tư. 

Tăng trưởng thu nhập khả dụng đang chậm lại, càng làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của người mua nhà. Giá nhà giảm sâu tại Trung Quốc đã lan rộng đến 48 trong số 70 thành phố lớn trong tháng 6, tăng so với mức 20 trong tháng Giêng.

Thu nhập ngân hàng đang bị đe dọa. Sau khi ghi nhận mức tăng lợi nhuận nhanh nhất trong gần một thập kỷ vào năm ngoái, các nhà cho vay của quốc gia này phải đối mặt với một năm 2022 đầy thách thức khi chính phủ gây áp lực buộc họ phải hỗ trợ nền kinh tế bằng giá thu nhập.

Có thể bạn quan tâm: 

Thị trấn nhiều triệu phú nhất nước Mỹ, phồn vinh nhờ Coca-Cola

Nguồn Bloomberg


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới