Hủy
Thế giới

Các nhà khoa học vừa chữa thành công một ca nhiễm HIV bằng phương pháp mới

Mỹ Quyên Thứ Tư | 16/02/2022 16:00

Ước tính có khoảng 50 bệnh nhân HIV mỗi năm ở Mỹ có thể nhận được sự điều trị đầy khả quan từ thủ thuật mới này.
 

Các nhà nghiên cứu Mỹ ở Denver, Colorado, cho biết các nhà khoa học dường như đã chữa khỏi cho người thứ ba nhiễm HIV và cũng là người phụ nữ đầu tiên bằng một phương pháp cấy ghép tế bào gốc mới.

Bệnh nhân là một phụ nữ trung niên đa chủng tộc, được điều trị bằng phương pháp mới liên quan đến máu cuống rốn, thứ sẵn có hơn tế bào gốc trưởng thành thường được sử dụng trong cấy ghép tủy xương.

Tế bào gốc cuống rốn cũng không yêu cầu sự tương thích cao giữa người hiến và người nhận như tế bào tủy xương.

Tiến sĩ Koen van Besien, một trong những bác sĩ tham gia điều trị cho biết: “Chúng tôi ước tính rằng có khoảng 50 bệnh nhân mỗi năm ở Mỹ có thể nhận được sự điều trị đầy khả quan từ thủ thuật này. Cấy máu cuống rốn phù hợp một phần làm tăng đáng kể khả năng tìm được người hiến tặng phù hợp cho những bệnh nhân như vậy.”

Nhóm các nhà nghiên cứu đã tiết lộ một số trường hợp chi tiết tại Hội nghị về Retrovirus và Nhiễm trùng Cơ hội ở Denver. Người phụ nữ này được các nhà khoa học gọi là “bệnh nhân New York” vì cô được điều trị tại Trung tâm Y tế Weill Cornell ở New York-Presbyterian.

Năm 2013, cô được chẩn đoán nhiễm HIV, bốn năm sau, cô được chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu. Trong quá trình cấy máu cuống rốn, cô ấy đã được lấy máu cuống rốn từ một người hiến tặng phù hợp một phần để điều trị bệnh ung thư. Một người thân cũng cung cấp máu cho cô để tăng cường hệ miễn dịch khi cô trải qua ca cấy ghép.

Hình ảnh minh họa 3D của virus HIV. Ảnh: Artem Egorov | iStock | Getty Images
Hình ảnh minh họa 3D của virus HIV. Ảnh: Artem Egorov | iStock | Getty Images

Sau khi bệnh nhân được cấy ghép máu cuống rốn, họ sẽ được cung cấp thêm tế bào gốc trưởng thành. Các tế bào gốc phát triển nhanh chóng nhưng cuối cùng bị thay thế bởi các tế bào máu cuống rốn.

Mặc dù máu cuống rốn dễ thích nghi hơn tế bào gốc trưởng thành, nhưng nó không mang lại đủ năng suất để phục vụ cho việc điều trị hiệu quả bệnh ung thư ở người lớn. Kết quả là, trong các ca cấy ghép cuống rốn, việc cấy ghép thêm tế bào gốc giúp bù đắp cho sự khan hiếm tế bào máu cuống rốn.

Vai trò của các tế bào hiến tặng trưởng thành là thúc đẩy và làm cho việc cấy ghép trở nên dễ dàng và an toàn hơn.

Kể từ khi người phụ nữ được cấy ghép vào tháng 8/2017, cô ấy đã thuyên giảm bệnh bạch cầu trong hơn bốn năm. Ba năm sau ca cấy ghép, cô và các bác sĩ đã ngừng điều trị HIV. Mười bốn tháng kể từ đó, cô ấy vẫn chưa trải tái nhiễm bất kỳ loại virus nào.

Theo các nhà khoa học, phần lớn những người hiến tặng trong các cơ quan đăng ký là người gốc Da trắng. Do đó, việc cấy ghép tương thích một phần có thể mở ra tiềm năng điều trị cho những bệnh nhân nhiễm cả HIV và ung thư, với gốc đa chủng tộc.

Mặc dù hơn một nửa trong số 35 triệu trường hợp nhiễm HIV trên thế giới được phát hiện ở phụ nữ, nhưng phụ nữ chỉ chiếm 11% trong số những người tham gia thử nghiệm chữa bệnh.

Có thể bạn quan tâm: 

Người dân thà mua Chứng nhận ngừa COVID giả để đi lại chứ quyết không tiêm phòng

Nguồn Reuters


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới