Hủy
Thế giới

Chứng khoán Mỹ đóng cửa trong sắc xanh nhờ tín hiệu lạc quan về cuộc đàm phán trần nợ

Bạch Hiền Thứ Bảy | 27/05/2023 11:26

Thị trường có thể có những đợt giảm lãi suất lớn hơn vào năm tới. Ảnh: Reuters.

 
 
Tin vui cuộc đàm phán có những bước tiến mới để đi đến thoả thuận chung đã thúc đẩy toàn thị trường đi lên trong phiên giao dịch 26/5.

Thị trường chứng khoán Mỹ ngập sắc xanh trong phiên giao dịch ngày thứ 6 (26/5) sau khi các tín hiệu lạc quan về cuộc đàm phán trần nợ được phát đi, khiến các nhà đầu tư tin rằng Quốc hội Mỹ sẽ kịp thời đạt được thỏa thuận chung và “né” được nguy cơ xảy ra vỡ nợ.

Đóng cửa phiên, chỉ số Dow Jones tăng 328,69 điểm, tương đương 1% lên 33.093,34 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,3%, đóng cửa ở 4.205,45 điểm trong khi chỉ số Nasdaq tăng 2,2% lên 12.975,69 điểm.

Chỉ số Nasdaq hoàn tất tuần thứ 5 tăng liên tiếp với mức 2,5%. Chỉ số S&P 500 cũng hoàn tất một tuần tăng 0,3%. Chỉ số Dow Jones vì chịu áp lực từ nỗi lo về vấn đề trần nợ trong tuần này nên ghi nhận một tuần giao dịch giảm 1%.

Chỉ số Dow Jones tăng điểm nhờ sự lạc quan về vấn đề trần nợ. Ảnh: CNBC.
Chỉ số Dow Jones tăng điểm nhờ sự lạc quan về vấn đề trần nợ. Ảnh: CNBC.

Cổ phiếu Intel và American Express lần lượt tăng 5,8% và 4,1%, là nhân tố dẫn dắt chỉ số Dow Jones đi lên trong phiên giao dịch. Nhóm cổ phiếu công nghệ và tiêu dùng không thiết yếu trong chỉ số S&P 500 tăng hơn 2% mỗi nhóm.

Theo một nguồn tin, Tổng thống Joe Biden và Hạ viện đang đi đến một thỏa thuận sẽ nới mức trần nợ công trong 2 năm tới. Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cho biết cuộc thảo luận đã có nhiều bước tiến mới hơn hồi tuần trước, và ông muốn đạt được kết quả đàm phán với nhiều tin tốt hơn.

Trước đó, bà  Janet Yellen, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, đã nhiều lần nhấn mạnh Mỹ có nguy cơ vỡ nợ sớm nhất vào ngày ⅙ nếu chính phủ nước này không kịp nâng trần nợ. Trong lá thư mới nhất gửi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, bà Yellen lùi thời gian mà chính phủ Mỹ có thể cạn tiền sang ngày 5/6, đồng nghĩa các bên sẽ có thêm 4 ngày để thảo luận, giải quyết vấn đề trần nợ trước khi một cuộc vỡ nợ có thể xảy ra. Phố Wall và các thị trường chứng khoán khác cũng vì vậy mà rơi vào tâm lý lo ngại, bởi nếu Mỹ thật sự vỡ nợ, chắc chắn thị trường chứng khoán sẽ lao dốc và một cuộc khủng hoảng diện rộng nghiêm trọng là không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng sau khi vấn đề trần nợ được giải quyết, thị trường sẽ phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt là chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.

“Việc thắt chặt có thể sẽ không dừng lại trước cuối mùa hè năm nay, và điều đó có nghĩa là chúng ta có thể có những đợt giảm lãi suất lớn hơn vào năm tới”, ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận định.

Số liệu công bố ngày thứ Sáu cho thấy lạm phát trong tháng 4 cao hơn dự kiến. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, mức lạm phát còn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed đồng nghĩa lãi suất vẫn sẽ giữ ở mức cao trong thời gian lâu hơn so với kỳ vọng thời gian của thị trường.

Có thể bạn quan tâm:

Sắc xanh trở lại chứng khoán Mỹ nhờ lực đẩy từ cổ phiếu công nghệ


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới