Hủy
Thế giới

Cơn sốt đồng kéo nhà đầu tư về Nam Mỹ

Nguyên Hồ Chủ Nhật | 27/10/2024 09:45

Thợ mỏ làm việc tại một mạch đồng phong phú trên những ngọn đồi Tapairihua ở dãy Andes của Peru. Ảnh: Reuters.

 
 
Đồng là thành phần chính của lưới điện, tua bin gió cũng như công nghệ chuyển đổi năng lượng khác... và thế giới đang thiếu hụt 7,7 triệu tấn đồng mỗi năm.

Tiếp cận đồng tại Taca Taca, một mỏ kim loại ở phía tây bắc khắc nghiệt của Argentina, là một nhiệm vụ to lớn. Những viên quặng với hàm lượng đồng chỉ ở mức 0,5% tại địa điểm này nằm sâu vài trăm mét dưới sa mạc với những cồn cát đỏ nhấp nhô, núi lửa và hồ muối. Chưa kể mỏ nằm ở độ cao 3.600m so với mực nước biển và cách Salta, thành phố gần nhất, một đoạn đường gập ghềnh mất bảy giờ lái xe.

Để đạt được mục tiêu sản xuất 1 triệu tấn đồng cô đặc mỗi năm, First Quantum Minerals niêm yết tại Canada, chủ sở hữu của Taca Taca, trước tiên phải dọn sạch 250 triệu tấn đá thải, cung cấp năng lượng cho một thành phố lớn và xây dựng lại tuyến đường sắt xuống cấp đến bờ biển Thái Bình Dương của Chile. Chi phí xây dựng ước tính là 3,6 tỉ USD.

Những công ty khai thác đồng vốn không muốn đặt cược lớn như vậy ở Argentina, một quốc gia đã phải chịu đựng nhiều thập kỷ bất ổn kinh tế vĩ mô và những thay đổi chính trị mạnh mẽ. Kết quả là, Argentina gần như không sản xuất được đồng, mặc dù cũng có dãy Andes vốn đã biến nước láng giềng Chile trở thành nước sản xuất đồng lớn nhất thế giới với 5 triệu tấn mỗi năm.

Nhưng điều đó đang thay đổi. Đồng là thành phần chính của lưới điện, tua bin gió và công nghệ chuyển đổi năng lượng khác. Đồng thời, tình trạng thiếu hụt các mỏ mới đã khiến thế giới thiếu hụt 7,7 triệu tấn mỗi năm vào năm 2034, theo công ty tình báo kinh doanh CRU Group.

Sự khan hiếm này cuối cùng đã khiến Argentina được chú ý, vào thời điểm Tổng thống Javier Milei đang đưa ra các cải cách thị trường tự do và ưu đãi đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Ông Tristan Pascall, giám đốc điều hành của First Quantum Minerals, cho biết các cải cách của chính phủ đã đưa ngành công nghiệp của Argentina đi đúng hướng để mở rộng mạnh mẽ và bền vững trong nhiều thập kỷ.

Taca Taca, hiện đang chờ chính quyền tỉnh Salta phê duyệt đánh giá tác động môi trường trước khi tìm kiếm đối tác tài chính, là một trong sáu dự án khai thác đồng đang trong giai đoạn phát triển nâng cao ở phía tây bắc Argentina.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản cần vượt qua trước khi những dự án đó trở thành hiện thực. Nền kinh tế đang khủng hoảng của Argentina sẽ cần thu hút khoảng 20 tỉ USD đầu tư và cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông và điện bị bỏ quên. Tuy nhiên, nếu cả sáu dự án đều thành công, sản lượng đồng sẽ vượt 1 triệu tấn vào đầu những năm 2030, với kim ngạch xuất khẩu đạt 6 tỉ USD/năm, theo CAEM, Phòng thương mại khai khoáng Argentina. Điều đó sẽ đưa đất nước này trở thành 10 nhà sản xuất hàng đầu thế giới. 

“Đây là một viễn cảnh lạc quan nhưng khả thi”, ông Nicolás Muñoz, nhà phân tích nguồn cung đồng tại CRU cho biết. “Thế giới muốn các dự án đồng mới và Argentina có một số lượng đáng kinh ngạc các dự án này”.

Các nhà đầu tư đã cho thấy dấu hiệu rằng họ sẵn sàng tham gia vào lĩnh vực đồng của Argentina. Vào tháng 7, BHP, công ty khai thác lớn nhất thế giới, cho biết sẽ đầu tư 2,1 tỉ USD để sản xuất đồng tại tỉnh San Juan hợp tác với Lundin của Canada. 

“Quyết định của một công ty lớn như vậy là một dấu hiệu rất rõ ràng về uy tín của đất nước và chất lượng tài nguyên của chúng tôi,” ông Luis Lucero, Bộ trưởng Bộ khai khoáng Argentina cho biết. 

Khi Argentina áp dụng luật khai thác hiện đại vào năm 1995 và mở mỏ đồng La Alumbrera hai năm sau đó, ngành công nghiệp đồng có vẻ như sẽ sớm cất cánh. Nhưng đà phát triển đó đã tan biến, trong khi Chile và Peru bùng nổ, không có thêm dự án đồng nào được mở tại Argentina. La Alumbrera đóng cửa vào năm 2018. 

Công ty khai thác đổ lỗi cho những thay đổi chính sách thất thường. Họ nói rằng đôi khi chính quyền bẻ cong các quy tắc tài chính, dẫn đến các vụ kiện tụng kéo dài và thuế cao hơn dự kiến. Argentina đã áp dụng các biện pháp kiểm soát tiền tệ và vốn nghiêm ngặt vào năm 2011, trong khi một số nhà lãnh đạo phản đối khai thác vì lý do môi trường. 

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình hình đã thay đổi. Các nhà phân tích cho biết Peru và Chile đã mất đi một phần sức hấp dẫn khi các dự án khai thác mới giảm dần và sự phản đối về mặt chính trị đối với hoạt động khai thác mỏ ngày càng tăng.

Trong khi đó, vào tháng 6, quốc hội Argentina đã phê duyệt một chương trình khuyến khích đầu tư trên 200 triệu USD, cung cấp cho các công ty sự ổn định về thuế, miễn kiểm soát vốn đối với một phần lợi nhuận và được tiếp cận với các đơn vị trọng tài quốc tế.

 

Tuy nhiên, ông Roberto Cacciola, chủ tịch CAEM cho biết sẽ rất khó để đưa sáu dự án tiên tiến vào hoạt động cùng một lúc. Hầu hết sẽ cần hàng trăm km đường mới, hàng nghìn công nhân được đào tạo bài bản và cơ sở hạ tầng phát điện và truyền tải mới. “Sẽ có một cuộc khủng hoảng tăng trưởng”, ông Cacciola nói. 

Ông Muñoz tại CRU cho biết các công ty khai thác sẽ cần phải dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát tiền tệ và vốn trước khi bắt đầu xây dựng. “Đầu tư trước khi xây dựng là một chuyện,, nhưng thử thách thực sự sẽ đến khi một công ty khai thác bắt đầu xây dựng”, ông nói. “Liệu nền kinh tế có đang ở đúng vị thế để họ đầu tư hàng tỉ USD không?”

Có thể bạn quan tâm: 

Lãi suất giảm, căng thẳng địa chính trị tăng, vàng liên tục lập đỉnh

Nguồn FT


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới