Hủy
Thế giới

Công nhân nước ngoài đang bị bóc lột như thế nào tại Nhật?

Thứ Ba | 23/02/2016 14:29

Tôi thực sự cảm thấy hối hận khi quyết định đến Nhật. Tôi sẽ không bao giờ giới thiệu bạn bè mình tới đây làm việc...
 

Năm 2013, Tang Xili đến Nhật Bản với hy vọng trong vòng 3 năm sẽ kiếm đủ tiền để về quê và xây một ngôi nhà mới cho cô con gái. Tuy nhiên, sau bao tháng ngày làm việc cật lực, giờ đây người phụ nữ này đang phải ở trong căn nhà tạm của công đoàn, sau khi quyết định rời bỏ công việc đang làm vì bị người chủ lao động nợ lương đến 3,5 triệu yên (31.000 USD).

35 tuổi, đến từ thành phố Yizheng, Trung Quốc, bà Tang cho biết, bà phải làm việc nhiều giờ liền trong ngày, 6 ngày/tuần với thù lao thấp hơn so với mức lương tối thiểu đối với số giờ làm thêm và không thể đổi nơi làm việc vì những điều khoản trong visa.

Trong nơi ở tạm tại Hashima, tỉnh Gifu, miền trung Nhật Bản, bà Tang chia sẻ "Tôi thực sự cảm thấy hối hận khi quyết định đến Nhật Bản. Tôi sẽ không bao giờ giới thiệu bạn bè mình tới đây làm việc".

Cong nhan nuoc ngoai dang bi boc lot nhu the nao tai Nhat?
Cuộc sống tạm bợ của bà Tang trong khi chờ chủ trả món nợ.

Bà Tang chỉ là một trong hơn 180.000 công nhân nước ngoài nhận được giấy phép lao động trong chương trình của chính phủ Nhật nhằm đào tạo lao động từ các nước đang phát triển những kỹ năng cần thiết có thể sử dụng khi về nước. Tuy vậy, chương trình này đã biến thành công cụ để một số công ty Nhật Bản lách luật lao động và có được nguồn lao động giá rẻ từ nước ngoài.

Takara Seni, công ty cũ của bà Tang, là một hãng dệt may ở tỉnh Kagawa, miền Nam nước Nhật. Giám đốc điều hành công ty, ông Yoshihiro Masago từ chối bình luận về trường hợp của bà Tang nhưng thừa nhận, công ty cần công nhân nước ngoài. "Chúng tôi không thể sản xuất nếu chỉ có công nhân người Nhật", ông Masago nói.

Ông Masago muốn Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra một chương trình nhập cư phù hợp dành cho công nhân nước ngoài để làm các công việc cần ít kỹ năng với mức lương thấp.

Tuy nhiên, ông Kazuteru Tagaya, giáo sư luật tại Đại học Dokkyo, cho rằng, chính quyền của Thủ tướng Abe sẽ không thể thực hiện việc này bởi "phần lớn người Nhật sẽ không chấp nhận".

Chương trình mở rộng

Thay vào đó, để đối phó với tình trạng lực lực lao động của Nhật Bản ngày một giảm và mức lương ngày một tăng, chính phủ của ông Abe đang dự kiến mở rộng hệ thống thực tập - cửa sau cho thị trường lao động trong nước.

Một dự luật đang được đề xuất tại Nghị viện nhằm kéo dài chương trình lên 5 năm thay vì 3 năm như trước đây, đồng thời thành lập cơ quan giám sát mới nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng học viên.

Dự luật này sẽ yêu cầu các doanh nghiệp trong nước phải có được giấy phép trong khi cơ quan giám sát sẽ kiểm tra lại các chương trình đào tạo dành cho thực tập viên, giám sát việc các doanh nghiệp thực hiện chương trình và điều tra những doanh nghiệp có dấu hiệu lạm dụng.

Dự luật mới cũng sẽ định nghĩa những yếu tố cấu thành hành vi "vi phạm nhân quyền đối với học viên" và đưa ra các quyết định xử phạt cũng như tư vấn và cung cấp thông tin cho học viên.

Tuy vậy, theo giáo sư Tagaya, thiếu cơ chế giám sát hợp lý, chương trình mở rộng này sẽ khiến tình trạng lạm dụng tiếp diễn, nhất là khi các doanh nghiệp trả tiền cho công ty cung cấp lao động và khấu trừ lương của người lao động để bù đắp chi phí này.

"Chúng ta không thể để cho tình trạng này tiếp diễn khi những gì đang diễn ra chẳng khác với hành động buôn người là mấy", giáo sư Tagaya nói.

Chương trình thực tập, bắt đầu từ năm 1993, tuyển dụng học viên với 72 ngành nghề trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, đánh bắt thủy sản, xây dựng, chế biến thực phẩm và dệt may. Tính đến tháng 1/2015, có đến 31.320 công ty Nhật Bản sử dụng chương trình này, theo số liệu của Bộ Tư pháp Nhật Bản.

Bà Tang cho biết đã phải trả cho công ty tuyển dụng tại Trung Quốc hơn 30.000 nhân dân tệ (4.600 USD) để tìm việc cho bà sau khi công ty này cam kết rằng bà sẽ về nước với khoản tiền tiết kiêm 5 triệu yên (44.000 USD).

Bà Tang và 300 lao động Trung Quốc khác làm việc tại Takara Seni. Vào những ngày cuối tuần, họ làm việc từ 7h sáng đến 8h35 tối với thời gian nghỉ 1 tiếng. Mức lương theo giờ là 700 yên cho 9 giờ làm việc những ngày trong tuần, giờ làm thêm và ngày thứ Bảy được trả 400 yên/giờ.

Lao động liên tục

Bà Tang cho biết có thể kiếm được 140.000 yên mỗi tháng, sau khi người sử dụng lao động trừ đi các chi phí như thuê nhà, điện nước, phúc lợi và internet. Tuy số tiền này gấp đôi thu nhập ở quê nhà, song số giờ làm việc cũng gấp 2 lần.

Người phụ nữ này cũng cho biết, chị và các đồng nghiệp khác bị người sử dụng lao động cấm sử dụng điện thoại di động và giữ lại sổ tiết kiệm khi họ về thăm nhà nhằm ngăn họ rút tiền.

Trong khi đó, giám đốc điều hành Takara Seni Masago cho biết, với mức lương tối thiểu, ngày càng khó tuyển dụng công nhân người Trung Quốc, nhưng họ không thể tăng lương do sự cạnh tranh gay gắt của hàng nhập khẩu giá rẻ.

Năm 2014, Bộ Lao động Nhật Bản đã tiến hành điều tra 3.918 công ty có sử dụng các thực tập viên và phát hiện ra rằng có đến 76% số doanh nghiệp này vi phạm luật lao động. Các vi phạm này bao gồm trả lương chưa bằng một nửa mức lương tối thiểu, giờ làm việc ngoài giờ lên tới 120 giờ/tháng, trong khi quy định chỉ cho phép tối đa 45 giờ, cùng với việc công nhân phải sử dụng máy móc thiếu an toàn.

Cũng trong năm này, Bộ Tư Pháp Nhật đã đình chỉ 241 công ty tuyển dụng lao động và doanh nghiệp sử dụng thực tập viên trong vòng 5 năm vì vi phạm quy định.

Không thể thay đổi

Mặc dù dự luật mới cho phép chương trình kéo dài đến 5 năm, nhưng sẽ không cho phép các thực tập viên tự do thay đổi công việc.

"Điều này chẳng khác gì bắt họ (các thực tập viên) hãy im lặng và làm việc, ngay cả khi họ chỉ được trả 300 yên/giờ, hay kể cả khi bị quấy rối tình dục", ông Shoichi Ibusuki, một luật sư chuyên hỗ trợ thực tập viên, nói.

Luật sư này cho biết, nhiều thực tập viên không thể nhảy việc hay bỏ việc do họ phải vay tiền để thanh toán chi phí cho công ty tuyển dụng. Nêu không thể kiếm đủ số tiền này, họ sẽ rơi vào cảnh nợ nần.

Mặc dù vậy, nhiều người vẫn quyết định bỏ trốn. Theo số liệu của Bộ Tư pháp Nhật Bản, năm 2014, có đến 4.847 thực tập viên "mất tích", 2/3 số đó là người Trung Quốc. Và năm 2015, con số này được cho là còn tiếp tục tăng lên.

Nhật Trường

Nguồn Bloomberg


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới