Cựu Bộ trưởng Kinh tế Montebourg chỉ trích chính sách thắt chặt ngân sách là "nghịch lý của một ý tưởng đúng về mặt đạo đức, nhưng sai về mặt kinh tế".
Những bất đồng giữa cựu Bộ trưởng Kinh tế Arnaud Montebourg và cặp đôi Hollande-Valls (Tổng thống Francois Hollande và Thủ tướng Manuel Valls) đã dẫn đến việc giải tán nội các chính phủ Pháp ngày 25/8.
Thủ tướng đã đệ đơn từ chức trong ngày mà tất cả các bộ trưởng đều làm hành động tương tự do những bất đồng trong những quyết định điều hành nền kinh tế của Tổng thống Francois Hollande.
Những tranh luận đã nổi lên ngày càng gay gắt trong nhiều ngày qua đã cho thấy sự đối lập sâu sắc trong quan điểm kinh tế giữa Tổng thống Hollande với cựu Bộ trưởng Kinh tế Arnaud Montebourg và cựu Bộ trưởng Giáo dục Benoit Hamon.
Yếu tố chủ yếu dẫn đến quyết định từ chức của Thủ tướng cũng như các Bộ trưởng trong chính phủ Pháp xuất phát từ quan điểm trái ngược về thâm hụt ngân sách, trong khi nội các cũ được đại diện bởi quan điểm của Arnaud Montebourg phản đối kịch liệt chương trình thắt lưng buộc bụng của Tổng thống Hollande.
"Giảm mạnh thâm hụt ngân sách là chính sách kinh tế sai lệch vì nó làm trầm trọng hơn tình trạng thất nghiệp, là một điều phi lý về mặt tài chính bởi không những làm bất lực khả năng khôi phục nền tài chính công mà còn là thảm họa chính sách do đã đặt châu Âu vào tay của những đảng cực đoan, những người muốn phá hủy châu Âu".
Arnaud Montebourg tiếp tục lên án "nghịch lý của một ý tưởng đúng về mặt đạo đức, nhưng sai về mặt kinh tế" của thắt lưng buộc bụng.
"Chính sách này không cho phép làm giảm thâm hụt ngân sách bởi bằng cách ngăn cản sự tăng trưởng, chính sách cũng ngăn chặn luôn sự phục hồi của nền tài chính công".
Ngược lại với quan điểm của Arnaud Montebourg, Thủ tướng Manuel Valls đã từng nhắc lại trong suốt mùa hè qua rằng không cần đặt ra vấn đề phải thay đổi chính sách kinh tế. Cuối tuần qua, Manuel Valls đã từng đặt ra câu hỏi: "Một vài người nói rằng: thâm hụt ngân sách lớn hơn sẽ mở ra những điều tốt đẹp hơn. Vào năm 2011, chúng ta đã thâm hụt đến 7% nhưng tại sao mọi thứ không diễn ra tốt hơn?".
Thậm chí Business Insider còn đặt ra câu hỏi liệu có phải nội các chính phủ Pháp giải tán vì nhà kinh tế học Paul Krugman khi chủ nhân Nobel Kinh tế năm 2008 nhận định, chính sách thắt lưng buộc bụng không phát huy nhiều tác dụng tại Pháp cũng như các quốc gia châu Âu.
Tư duy cần phải thắt chặt ngân sách thực sự nổi lên sau khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng tiền chung châu Âu 5 năm trước. Sau đó, tư tưởng này ngày càng được cổ vũ bởi các chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và kể cả nghiên cứu nợ công của 2 giáo sư kinh tế tại trường đại học Harvard. Qua một nghiên cứu năm 2010, Carmen Reinhart và Kenneth Rogoff đã đưa ra kết luận: khi tỷ lệ nợ công/GDP của một quốc gia vượt quá 90%, GDP của quốc gia đó sẽ giảm 0,1% và ngược lại, nếu tỷ lệ này dưới 90% thì tăng trưởng GDP bình quân đạt khoảng 3%-4%.
Sau khi nghiên cứu trên được công bố, việc thiết kế và sự điều chỉnh các chính sách kinh tế tại các nước Nam Âu đã được thay đổi mạnh mẽ. Thuật ngữ "thắt lưng buộc bụng" được sử dụng ngày một phổ biến khi nói về nền kinh tế châu Âu. Olli Rehn - Ủy viên châu Âu về các vấn đề kinh tế cũng từng có nhiều lần xuất hiện trên báo chí cùng những lời kêu gọi các quốc gia đang gặp khó khăn trong khu vực đồng tiền chung châu Âu cần phải cắt giảm ngân sách tối đa và coi đó như biện pháp quan trọng nhất để giải quyết vấn đề nợ công.
Tuy nhiên kể từ thời điểm đó đến nay, nhiều thứ đã thay đổi và "thắt lưng buộc bụng" khó có thể giữ vững vị thế thượng phong trong nhiều lựa chọn chính sách kinh tế khác.
Thế giới bắt đầu nghi ngờ về biện pháp "thắt lưng buộc bụng" đang tiến hành khi sau 5 năm kể từ khủng hoảng nợ công tại Eurozone, các nền kinh tế khu vực vẫn đang chật vật phục hồi tăng trưởng ở mức "yếu ớt", lạm phát tiếp tục giảm xuống cận kề nguy cơ giảm phát.
Song hành cùng chính sách tài khóa thắt chặt mạnh mẽ, chính sách tiền tệ cũng được Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nới lỏng hơn bao giờ hết nhưng có vẻ như chừng đó vẫn chưa đủ. Gần đây nhất trong bài phát biểu tại hội nghị Jackson Hole, chính chủ tịch của ECB - ông Mario Draghi đã công nhận rủi ro giảm phát ngày càng lớn và tăng trưởng tại Eurozone vẫn cần được hỗ trợ hơn nữa.
Nội bộ chính phủ Pháp đã chia rẽ từ quan điểm về cắt giảm thâm hụt ngân sách. Chưa rõ, nội các vừa giải tán đúng hay Tổng thống Hollande đúng nhưng sự thật là nền kinh tế Pháp đã không vận hành như người ta mong đợi. Vào quý II/2012, Pháp chính thức rơi vào suy thoái lần thứ 3 trong lịch sử và sau đó, tăng trưởng GDP luôn chỉ xấp xỉ gần 0%.
Và dường như đã bắt đầu xuất hiện những điềm báo xấu cho quan điểm "thắt lưng buộc bụng" bằng mọi giá. Tháng 4 năm ngoái, một nghiên cứu sinh phát hiện lỗi sai Excel trong nghiên cứu của 2 giáo sư Harvard khiến cho họ phải đính chính lại nghiên cứu của mình 1 tháng sau đó. Gần đây nhất, nghiên cứu mới của IMF lại khẳng định không tồn tại ngưỡng an toàn của nợ công và phủ định kết quả nghiên cứu mang tính cách mạng của Carmen Reinhart và Kenneth Rogoff.
Nguồn GAFIN/DVO