Hủy
Thế giới

Dân chần chừ tiêm chủng, Hồng Kông có nguy cơ phải vứt bỏ hàng triệu liều vaccine COVID-19

Phùng Mỹ Thứ Tư | 26/05/2021 16:52

Mọi người xếp hàng tại một trung tâm tiêm chủng ở Hồng Kông vào ngày 24.3.2021. Ảnh: Reuters.

Sự thiếu tin tưởng vào chính quyền, thông tin sai lệch và việc triển khai thiếu khẩn trương đã làm cho việc sử dụng vaccine chậm lại.
 

Theo The Guardian, một quan chức y tế cảnh báo Hồng Kông có thể sớm vứt bỏ một lượng lớn vaccine COVID-19 vì không đủ người dùng trước khi hết hạn. Điều này thật xa xỉ khi các quốc gia khác đang phải tranh giành từng liều vaccine.

Hồng Kông nằm trong số ít những nơi may mắn trên thế giới khi có số liều vaccine “thừa sức” để tiêm chủng cho toàn bộ 7,5 triệu dân.

Chính quyền Hồng Kông đã mua đủ lượng vaccine Pfizer / BioNTech và Sinovac của Trung Quốc để tiêm chủng cho toàn bộ dân số của mình. Tuy nhiên, cho đến nay chỉ có 2,1 triệu người được tiêm kể từ khi chương trình tiêm chủng được triển khai từ cuối tháng 2.

Cựu kiểm soát viên Thomas Tsang của Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe và là thành viên của lực lượng đặc nhiệm vaccine của chính quyền Hồng Kông cảnh báo: chỉ còn thời hạn 3 tháng để sử dụng lô vaccine Pfizer / BioNTech đầu tiên tại Hồng Kông, vốn phải được bảo quản ở mức nhiệt độ cực thấp và hạn sử dụng của vaccine này chỉ trong vòng 6 tháng.

Vaccine Pfizer-BioNTech COVID-19 được vận chuyển đến nhà kho từ một máy bay chở hàng của Cathay Pacific tại Sân bay Quốc tế Hồng Kông. Ảnh: AFP.
Vaccine Pfizer-BioNTech COVID-19 được vận chuyển đến nhà kho từ một máy bay chở hàng của Cathay Pacific tại Sân bay Quốc tế Hồng Kông. Ảnh: AFP.

Cho đến nay, tổng cộng 3.263.000 liều vaccine Pfizer-BioNTech đã được chuyển đến Hồng Kông nhưng chỉ có 1.231.600 liều được sử dụng.

“Những liều vaccine này không thể được sử dụng sau khi hết hạn sử dụng và theo kế hoạch hiện tại, các trung tâm tiêm chủng cộng đồng cho BioNTech sẽ ngừng hoạt động sau tháng 9”, ông Thomas Tsang nói.

Ông Thomas Tsang cảnh báo: “Cả thế giới đang "tranh giành" vaccine và không phải là chúng ta có thể mua vaccine trong một sớm một chiều. Có thể cho đến hết năm nay chúng ta sẽ không mua được thêm vaccine ngoài số hiện có”.

Các nhà quan sát đã đổ lỗi cho các yếu tố khiến người dân chần chừ tiêm ngừa, bao gồm sự không tin tưởng của cộng đồng vào chính quyền Hồng Kông và Trung Quốc, thông tin sai lệch và sự thiếu khẩn trương của các cơ quan chức năng. 

Hồi tháng 3, việc triển khai tiêm chủng vaccine BioNtech đã bị đình chỉ trong khoảng 10 ngày sau khi phát hiện ra bao bì bị hư hỏng của các lọ đã được tiêm cho hơn 150.000 người. Các quan chức y tế cho biết: không có rủi ro về an toàn nhưng việc triển khai đã bị tạm dừng như một biện pháp phòng ngừa và đợt tiêm chủng thứ 2 đã quay trở lại.

Theo số liệu của chính phủ, khoảng 19% người Hồng Kông đã tiêm liều vaccine đầu tiên và 13,8% người đã tiêm cả hai liều. Khoảng 56,5% các liều được sử dụng là vaccine BioNtech.

Ngày càng có nhiều chỉ trích đối với chính phủ vì đã ngăn cản người từ chối nhận vaccine. Niềm tin của công chúng đối với chính quyền Hồng Kông đã ở mức thấp lịch sử kể từ khi Bắc Kinh và chính quyền địa phương trấn áp bất đồng chính kiến ​​để chấm dứt các cuộc biểu tình dân chủ vào năm 2019.

Tuần này, các báo cáo về việc các khách sạn cung cấp ưu đãi tiền mặt cho nhân viên đã tiêm vaccine, với tiền thưởng cho 70% nhân viên đã được tiêm vaccine.

Đặc khu trưởng của Hồng Kông - bà Carrie Lam tiêm liều vaccine COVID-19 Sinovac Biotech thứ 2. Ảnh: AP.
Đặc khu trưởng của Hồng Kông - bà Carrie Lam tiêm liều vaccine COVID-19 Sinovac Biotech thứ 2. Ảnh: AP.

Đặc khu trưởng của Hồng Kông – bà Carrie Lam hôm 25.5 đã bác bỏ đề xuất chính phủ nên đưa ra các ưu đãi như vậy. Tuy nhiên, bà bày tỏ hy vọng khu vực tư nhân sẽ làm nhiều hơn, để thúc đẩy nền kinh tế.

Vào ngày 23.5, Bộ trưởng Bộ Công chức Hồng Kông cho biết: tỉ lệ tiêm chủng cao hơn là rất quan trọng trong việc xác định các thỏa thuận đi lại trong tương lai giữa Hồng Kông và Trung Quốc.

Do dự đối với việc chủng ngừa vaccine COVID-19 là một vấn đề ở một số quốc gia đã thành công tương đối trong việc kiểm soát sự lây lan của virus, bao gồm Úc, Đài Loan, các quốc gia Thái Bình Dương và Đông Nam Á.

Có thể bạn quan tâm:

Liệu thế giới có đạt được miễn dịch cộng đồng?


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới