Dân Puerto Rico muốn trở thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ
Người dân Puerto Rico đã bỏ phiếu trưng cầu dân ý vào hôm Chủ Nhật về việc trở thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ. Đa số cử tri bỏ phiếu chọn câu trả lời "Có", mặc dù có 23% cử tri đủ tư cách bầu cử tham gia cuộc trưng cầu kỳ này.
Thống đốc Puerto Rico Ricardo Rossello nói rằng các cử tri tại vùng lãnh thổ này, vốn đang gặp khó khăn kinh tế, muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Quốc hội Mỹ. Nhưng Puerto Rico không được xem là ưu tiên tại Washington.
Vào đầu tháng 5, Puerto Rico đã chính thức yêu cầu tiến hành một thủ tục tương tự như phá sản nhằm tái cấu trúc lại khoản nợ khổng lồ của mình sau khi thất bại trong đàm phán với các chủ nợ.
Ông Rossello đã yêu cầu ủy ban giám sát được chính quyền liên bang bổ nhiệm kích hoạt Điều III của Đạo luật Promesa, một cuộc tái cấu trúc nợ do tòa án giám sát, nhằm đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người dân Puerto Rico.
Việc tái cấu trúc khoản nợ khoảng 70 tỷ USD của Puerto Rico sẽ là vụ tái cấu trúc lớn nhất trong lịch sử thị trường trái phiếu đô thị (municipal bonds) của Mỹ và sẽ tạo ra một cuộc chiến pháp lý kéo dài giữa vùng lãnh thổ này và các chủ nợ, bao gồm nhiều quỹ phòng hộ và quỹ tương hỗ. Họ sẽ phải đối mặt với nhau tại tòa án, nơi mà một thẩm phán được chính quyền liên bang bổ nhiệm có thể buộc các chủ nợ phải chấp nhận các điều khoản hoàn trả bất lợi.
Một số người dân Puerto Rico coi việc trở thành một tiểu bang của Mỹ là cách tốt nhất để kéo Puerto Rico ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế, những người khác đổ lỗi cho Mỹ về tình hình hiện nay và muốn tìm kiếm sự độc lập sau năm thế kỷ mà họ gọi là chế độ thuộc địa.
Tuy nhiên, quan điểm đòi độc lập hiện chỉ chiếm thiểu số ở Puerto Rico. Trở thành một bang của Mỹ vẫn là mong muốn của đa số cử tri Puerto Rico. Trong khi cuộc bầu cử ở Puerto Rico vào tháng 11 vừa qua, hai ứng viên ủng hộ việc trở thành tiểu bang đã giành được thắng lợi: Rossello, một đảng viên Đảng Dân chủ, trở thành thống đốc và Jenniffer Gonzalez, một đảng viên Cộng hòa, đã được bầu làm ủy viên thường trú - người đại diện duy nhất của Puerto Rico tại Quốc hội Mỹ có thể viết và đệ trình các văn bản pháp luật, nhưng không có quyền biểu quyết.
Người dân tại Puerto Rico cũng là công dân của Mỹ, theo một luật từ năm 1917. Tuy nhiên, những quyền lợi của người dân tại vùng lãnh thổ này bị hạn chế so với công dân tại 50 tiểu bang. Một vấn đề phổ biến là người dân tại đây phải chi trả đầy đủ cho các chương trình bảo hiểm Medicare, Medicaid và An sinh Xã hội (Social Security) bằng với công dân của 50 bang kia nhưng lợi ích nhận được thì lại bị giới hạn. Hàng ngàn người dân của Puerto Rico phục vụ trong quân đội Mỹ nhưng không thể bỏ phiếu cho vị chỉ huy trưởng quân đội Mỹ (tức tổng thống Mỹ, vì họ không được quyền bầu cử).
Quỳnh Như
Nguồn CNBC
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư