Hủy
Thế giới

Đằng sau việc trả hàng online

Khánh Tú Thứ Tư | 31/01/2024 21:55

Những quy trình giá rẻ lại đang khiến trái đất phải trả giá đắt. Ảnh: NYTimes.

Việc trả lại hàng sau khi mua trực tuyến tưởng chừng như dễ dàng lại đang tạo ra những thiệt hại cho trái đất.
 

Tháng Giêng là thời điểm lý tưởng để tái khởi động, điều chỉnh và cam kết lại bản thân. Đồng thời, cũng là lúc người mua hàng trả lại những thứ không cần thiết.

Theo các ước tính, tỉ lệ trả lại hàng hóa đã mua ở Mỹ đã đạt mức kỷ lục trong năm 2022, tăng gấp đôi từ 8% lên 16% so với giai đoạn từ năm 2019 đến 2022. Việc trả hàng trực tuyến (online) đã trở nên dễ dàng đến mức bất kỳ ai cũng có thể trả lại các món hàng đã mua online với tỉ lệ gấp lần so với việc trả lại hàng mua tại cửa hàng.

Tuy nhiên, đằng sau việc trả hàng dễ dàng và miễn phí là một cái giá đắt, mà phần lớn chi phí ẩn không phải ai cũng sẽ để ý đến. Trên thực tế, việc đóng gói, xử lý và vận chuyển hàng hóa trả lại chiếm phần chi phí khá lớn. Nhưng điều mà nhiều người mua hàng online không nhận ra là không phải tất cả các mặt hàng trả lại đều được đưa về cửa hàng để bán lại. Đối với các nhà bán lẻ trực tuyến, việc vận chuyển hàng trả lại khá tốn kém, do đó các công ty thường lựa chọn cách xử lý quy trình dễ dàng và rẻ nhất.

Song, những quy trình giá rẻ lại đang khiến trái đất phải trả giá đắt. Việc trả lại hàng hóa online tạo ra khoảng 16 triệu tấn khí thải carbon, tương đương với lượng khí thải của 3,5 triệu chiếc ô tô trong một năm, theo Vogue France.

Thông thường, tiêu hủy hàng hóa sẽ rẻ hơn so với việc kiểm tra, sửa sang và bán lại. Tiêu huỷ hàng hoá tại chỗ thường ít tốn kém hơn so với tái sử dụng. Tuy nhiên, một số startup đã đưa ra các dịch vụ trung gian nhằm tối ưu hoá quy trình này hoặc tăng cường “tuần hoàn” bằng cách chuyển hàng trả lại cho các nhà bán lẻ trực tuyến hay các tổ chức từ thiện. Tuy nhiên, vẫn có những loại hàng hóa bị tiêu huỷ với số lượng lớn.

Chỉ tính riêng quần áo, Mỹ đã có 2,6 triệu tấn hàng hoá trả lại và được đưa đến các bãi chôn lấp trong năm 2020. Mặc dù chỉ mới xét trên một ngành hàng, con số đã khiến nhiều người lo lắng. Mua sắm quần áo online là một trong những nguyên nhân tạo ra lượng lớn chất thải.

Theo Earth.org, ngành công nghiệp thời trang hiện đang làm nguyên nhân gây ô nhiễm đứng thứ ba trên toàn cầu, xếp sau ngành xây dựng và thực phẩm. Tình trạng ô nhiễm môi trường do ngành thời trang diễn ra nhanh hơn khi có sự lan truyền của mạng xã hội, sự ảnh hưởng của những influencer và các hình thức hỗ trợ trả phí đã làm nghiêm trọng hơn vấn đề này.

Khoảng 63% người tiêu dùng Mỹ cho biết, họ mua nhiều kích cỡ quần áo trên online để thử tại nhà, sau đó thực hiện trả lại những kích cỡ không phù hợp với bản thân.

Theo báo cáo được công bố trên Vogue Business năm 2022, người tiêu dùng đã tận hưởng xu hướng thử đồ tại nhà, mua sắm trực tuyến và đổi trả hàng số lượng lớn. Điều này đặc biệt phổ biến với những người mua hàng thuộc thế hệ Millennial và Gen Z. Những người này không chỉ quan tâm đến việc sở hữu những món đồ thời trang đa dạng về màu sắc, mà còn thường mua nhiều size quần áo khác nhau để thử đồ tại nhà.

Ngoài ra, xu hướng ​​Wardrobing (trả lại gian lận hoặc bỏ hàng) hay nhiều người còn gọi là trào lưu “mặc một lần rồi trả” cũng tạo ra nguy cơ lớn. Bởi không phải mặt hàng nào trả lại cũng có thể và quay trở lại kệ, nhất là quần áo. Xu hướng này đã khiến các nhà bán lẻ Mỹ thiệt hại 25,3 tỉ USD vào năm 2020.

Nhìn vào những con số kết quả của tác động tiêu cực đến môi trường, có thể thấy có những loại chi phí ẩn mà người tiêu dùng không để ý lại đang tích tụ và trở nên to lớn thông qua thói quen mua sắm online và trả hàng. Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử đã dẫn đến tỉ lệ trả hàng trực tuyến cao hơn, đồng thời cũng mang đến những rủi ro đằng sau.

Có thể bạn quan tâm:

Các hãng đồ chơi gặp khó khi đa dạng hóa quy trình sản xuất ra khỏi Trung Quốc

Nguồn NYTimes


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới