ECB thành tâm điểm của thị trường sau quyết sách tuần trước
Trái ngược với Mỹ, quá trình phục hồi kinh tế tại khu vực đồng euro đã chậm lại trong quý II. Phần lớn các nước thành viên đều đang chật vật với nhiều thách thức để vượt qua khủng hoảng nợ, điển hình Italia rơi vào suy thoái lần thứ 3 kể từ năm 2008.
Trong cuộc họp chính sách gần đây nhất, các bộ trường tài chính Liên minh châu Âu (EU) và chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi quyết định tiếp tục cắt giảm một số lãi suất và tuyên bố về kế hoạch mua trái phiếu thế chấp bằng tài sản nhằm thúc đẩy kinh tế khu vực và tránh giảm phát sâu.
Barclays nhận định, kế hoạch mua tài sản này của ECB được xem như là bước đầu tiên trong quá trình nới lỏng định lượng của ngân hàng trung ương. Thậm chí, ECB có thể sẽ tiến xa hơn với chương trình mua trái phiếu chính phủ vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2015.
Trong khi đó, ECB cũng đang thúc giục chính phủ các nước hành động, thực hiện cải cách cơ cấu tham vọng cho từng nước thành viên.
Trong tuần này, khu vực đồng euro sẽ đón nhận một số tin tức kinh tế, như cán cân thương mại, số liệu việc làm và công nghiệp của Đức. Ngoài ra, thị trường cũng theo dõi chỉ số niềm tin Eurozone trong tháng 9 sau khi chỉ số này bất ngờ giảm mạnh trong tháng 8.
Trong khi khu vực đồng euro đang vướng phải nhiều thách thức, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn tiếp tục cắt giảm quy mô chương trình mua trái phiếu hàng tháng nhờ kinh tế cải thiện. Thậm chí, Fed còn đang tiến tới thắt chặt chính sách tiền tệ mặc dù thị trường việc làm tại mỹ vẫn tăng trưởng chậm chạp.
Tuần này, giới đầu tư không có nhiều tín hiệu từ kinh tế để giao dịch cũng như xác định thời điểm tăng lãi suất của Fed. Số liệu đáng chú ý nhất là doanh số bán lẻ của tháng 8, dự kiến sẽ công bố vào ngày 12/9. Cùng với niềm tin vào thị trường lao động tăng cao, doanh số bán lẻ dự báo sẽ tăng 0,3% sau đợt giảm hồi tháng 7.
Tại châu Á, các thị trường tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan sẽ tạm ngừng giao dịch cho đến ngày 11/9 để nghỉ Lễ Trung Thu.
Tuy nhiên, tâm điểm của khu vực châu Á tuần này sẽ là hội nghị thường niên của các lãnh đạo kinh doanh toàn cầu, hay Diễn đàn Davos mùa hè, tại Thiên Tân, Trung Quốc. Hội nghị sẽ bắt đầu vào ngày 10/9 với chủ đề "Tạo giá trị thông qua đổi mới" (Creating Value Through Innovation).
Ngoài ra, Trung Quốc sẽ công bố báo cáo thương mại tháng 8 vào ngày 8/9. Giới chuyên gia dự báo, thặng dư thương mại của Trung Quốc giảm xuống 40,6 tỷ USD trong tháng 8 do xuất khẩu chậm lại và nhập khẩu tăng mạnh. 2 ngày sau đó, Trung Quốc tiếp tục công bố số liệu CPI tháng 8 với dự báo, CPI sẽ giảm xuống 2,2% từ 2,3% của tháng 7.
Bên cạnh Trung Quốc, Nhật Bản cũng sẽ công bố một số số liệu đáng chú ý ngay đầu tuần, như tài khoản vãng lại, GDP điều chỉnh, số đơn đặt mua máy móc. Thị trường cho rằng, các số liệu này vẫn sẽ phản ánh xu hướng suy yếu của kinh tế Nhật Bản do tác động của đợt tăng thuế hồi tháng 4.
Ngoài ra, các ngân hàng trung ương Hàn Quốc, Indonesia và Philippines sẽ tổ chức cuộc họp chính sách trong tuần này.
Nguồn Theo DVO/ Reuters, CNBC
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư