Hé lộ nguyên nhân chính vụ lật phà Sewol
Theo tổ điều tra liên ngành giữa cảnh sát và công tố viên thì thuyền phó thứ ba- người đã điều khiển phà Sewol thay cho thuyền trưởng vào sáng 16.4, đã khai rằng bánh lái đã vượt ngoài tầm kiểm soát của cô khi cô thực hiện một cú rẽ ngoặt gấp. Vào thời điểm đó, phà Sewol đang chạy ở tốc độ cao.
“Khi phà đang đi vào vùng biển gần Jindo, lẽ ra tôi nên giảm tốc độ của phà trước khi rẽ phải. Nhưng tôi đã cho phà rẽ ngoặt sang phải khi nó đang chạy ở tốc độ gần như là cao nhất”, các nhà điều tra tiết lộ về lời khai nữ thuyền phó họ Park (25 tuổi) nói.
Lúc đó, phà Sewol đang chạy với tốc độ 19 hải lý/giờ (35km/giờ), trong khi tốc độ tối đa của phà là 21 hải lý/giờ (39km/giờ).
“Ngay sau đó, bánh lái đã bị mất kiểm soát, con tàu mất thăng bằng và bị lật nghiêng”, thuyền phó Park nói.
Các điều tra viên nói với báo giới rằng cú rẽ ngoặt của Park đã dẫn tới việc phà Sewol bị lật.
“Một cú rẽ ngoặt với con tàu nặng 6.800 tấn ở tốc độ 19 hải lý/giờ tương tự như việc một chiếc ô tô thực hiện một cú rẽ gấp khi đang chạy ở tốc độ 100km/giờ”, đội trưởng nhóm điều tra Kim Seong Jin nói.
Theo các nhà điều tra, chiếc phà đang di chuyển về hướng đông nam khi thuyền phó Park thực hiện một cú rẽ ngoặt 90 độ sang hướng tây nam vào lúc 8g48. Sau cú rẽ, phà đi chậm lại với tốc độ 6km/giờ trong vòng 4 phút.
Sau đó, vì một lý do không rõ, chiếc phà đã có cú rẽ thứ hai về hướng bắc lúc 8g52 và đi thêm 1,6km nữa. Đến 9g08, phà Sewol đứng lại và bắt đầu lật. Các nhà điều tra cho rằng chìa khóa lý giải việc chiếc phà bị lật chính là những gì đã xảy ra vào thời điểm 8g52, lúc diễn ra lần rẽ ngoặt thứ hai.
Nhiều chuyên gia hàng hải cho rằng chiếc phà đã bị mất kiểm soát sau cú rẽ đầu tiên khi mà tốc độ của nó giảm quá nhanh. Tốc độ chậm lại nghĩa là động cơ của nó không hoạt động.
Giáo sư Kim Gil Su, một chuyên gia về vận tải biển tại Đại học Hải dương Hàn Quốc cho rằng có thể chân vịt của phà đã bị vỡ sau cũ rẽ đầu tiên.
“Nếu chân vịt phải của phà bị hỏng, sức mạnh của động cơ đẩy của phà dồn về bên trái, và do đó toàn bộ thân phà bị nghiêng về bên phải. Sau cú rẽ đầu tiên, người lái tàu đã cố gắng để thực hiện một cú rẽ sang trái, nhưng chân vịt bị vỡ đã làm cho phà lại quay về phía bên phải”, giáo sư Kim nói.
“Thuyền phó Park có thể đã ổn định được chiếc phà nếu như cô ấy rẽ phải một lần nữa”, giáo sư Lee Myeong Gyu tại Đại học Quốc gia Gyeongsang nhận định.
Một cách lý giải khác là hàng hóa trên phà đã không được cố định kỹ, và nó có thể đã trượt sang bên trái.
“Nếu hàng hóa bị trượt sang một bên, chiếc phà có thể bị mất cân bằng”, giáo sư Lee nói thêm.
Các nguyên nhân khác như đá ngầm hay tránh chướng ngại vật đã được các nhà điều tra loại trừ.
Nguồn Một Thế Giới
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư