Trong báo cáo Khảo sát kinh tế và xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2014 vừa công bố ngày 6/8, Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP) của Liên hợp quốc dự báo các nền kinh tế trong khu vực sẽ tăng trưởng trung bình 5,8% trong năm 2014, ghi dấu năm thứ ba liên tiếp tăng trưởng ở mức dưới 6%.

Như vậy, con số dự báo tăng trưởng kể trên thấp hơn nhiều so với mức tăng trung bình 9,5% của khu vực này trong giai đoạn trước khủng hoảng 2005-2007 và trên 7% trong hai năm 2010-2011.

Khảo sát mới nhất của ESCAP dự báo các nền kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Nga năm 2014 sẽ tăng trưởng lần lượt 7,5%, 5,5%, 5,4% và 0,3%, phần lớn thấp hơn mức tăng trong năm 2013. Những hạn chế về mặt cơ cấu cũng như những thách thức bên ngoài đang cản trở khu vực này phát huy những tiềm năng về kinh tế.

Thư ký điều hành ESCAP, Tiến sỹ Shamshad Akhtar nhấn mạnh sự cấp thiết phải thu hẹp khoảng cách về hạ tầng và phát triển trong khu vực, cũng như khắc phục sự xuống cấp của môi trường nhằm đạt được sự tăng trưởng cao hơn, cân bằng và bền vững hơn.

ESCAP ước tính châu Á-Thái Bình Dương cần khoản tiền 800-900 tỷ USD/năm để phát triển cơ sở hạ tầng. Cơ quan của Liên hợp quốc này lưu ý các nước châu Á-Thái Bình Dương cũng đang đối mặt với những thách thức bên ngoài, do tác động của các chính sách thương mại và tiền tệ mà chính phủ các nước phát triển đang thực hiện.

Việc Mỹ giảm dần quy mô chương trình nới lỏng định lượng là một ví dụ cho thấy sự thay đổi chính sách của một nền kinh tế lớn đã làm xáo động các thị trường tài chính khu vực như nào.

ESCAP dự báo sự xáo động trên thị trường tài chính - xuất phát từ việc Mỹ trên đường trở lại chính sách tiền tệ bình thường - có thể làm giảm nhịp độ tăng trưởng hàng năm của Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Nga, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ đi khoảng 0,7-0,9%. Bên cạnh đó, các biện pháp hạn chế thương mại tại các nền kinh tế tiên tiến cũng có thể đã làm các nước đang phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương mất đi các cơ hội xuất khẩu hàng hóa trị giá 255 tỷ USD trong giai đoạn 2009-2013.

Báo cáo của ESCAP cũng phác thảo các biện pháp huy động nguồn thu ngân sách, trong đó tập trung vào việc cải thiện tình hình thu ngân sách từ thuế, vốn được đánh giá là vẫn chưa xứng so với tiềm năng tại hầu hết các nước châu Á-Thái Bình Dương.

Sự chênh lệch giữa việc thu thuế trên thực tế và khả năng thu được thực sự tại một số nước hiện lên tới trên 5% GDP. Việc xóa bỏ sự chênh lệch này tại 16 nền kinh tế phát triển ở khu vực sẽ giúp tăng thu ngân sách tới trên 300 tỷ USD.

ESCAP cũng đề xuất việc thành lập Diễn đàn Thuế châu Á-Thái Bình Dương để giám sát việc thực hiện các quy định về thuế trên toàn khu vực, cũng như giải quyết một loạt vấn đề liên quan, từ tránh cạnh tranh về thuế để thu hút đầu tư nước ngoài đến tránh đánh thuế hai lần./.